Chiến lược kết nối EU với thế giới

Chiến lược Một châu Âu kết nối với thế giới giúp EU đối trọng chương trình Một vành đai, một con đường của Trung Quốc nổi bật nhất trên hai phương diện.

 

Ngày 12/7 vừa qua, bộ trưởng ngoại giao 27 nước thành viên EU đã thông qua kế hoạch lớn của EU về phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại gắn kết châu Âu với thế giới với tên gọi là Chiến lược Một châu Âu kết nối với thế giới. Kế hoạch này được EU khởi xướng trong năm 2018 và được bên ngoài nhìn nhận chủ yếu trên phương diện EU gây dựng đối trọng với kế hoạch đầy tham vọng Một vành đai, một con đường của Trung Quốc.

Nhìn nhận này không sai nhưng không toàn diện. Nó đúng là một bộ phận trong chiến lược chung của EU đối với Trung Quốc nhưng đồng thời còn nhằm cả những mục tiêu khác nữa. Với kế hoạch này, EU theo đuổi trước hết mục đích phát triển châu Âu thành một “châu Âu toàn cầu”, mở cửa và gắn kết với mọi châu lục khác trên thế giới. Cách làm của EU là phát triển những dự án về cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại và những dự án này sẽ tạo nên mạng lưới các dự án cơ sở  hạ tầng kỹ thuật kết nối châu Âu với thế giới bên ngoài châu Âu. Kết nối để khai thác và tận dụng tối đa tiềm năng của từng nơi nhằm tạo nên hiệu ứng cộng hưởng chung - đấy chính là triết lý của chiến lược này của EU.

Trụ sở EU tại Brussels, Bỉ. (Ảnh: L’epresse).

Đương nhiên, ở phía sau những tác động to lớn về kinh tế, thương mại, đầu tư và công nghệ mà kế hoạch này đưa lại còn có cả những mưu tính chính trị và địa chiến lược của EU. Trong kết nối ấy, đương nhiên EU vừa là trung tâm vừa là điểm xuất phát, EU đảm trách vai trò chủ đạo và dẫn dắt, định hướng và điều tiết. Vai trò và ảnh hưởng chính trị sẽ có được từ đó. EU mưu tính lợi đơn ích kép chứ không chỉ đơn thuần là gây dựng đối trọng cho kế hoạch Một vành đai, một con đường của Trung Quốc.

Nhìn vào bản chất thì chiến lược này của EU khá giống kế hoạch Một vành đai, một con đường của Trung Quốc, đều là dùng phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại để khai phá tiềm lực tăng trưởng ở các nơi, đều là cơ sở hạ tầng kỹ thuật đi trước để kinh tế, thương mại và đầu tư theo sau. Nhưng cách làm của EU khác Trung Quốc khi EU kết hợp vốn đầu tư công với vốn đầu tư của tư nhân, coi trọng hợp tác đầu tư chứ không chỉ có cấp phát tín dụng cho cây nợ. EU ngay từ đầu đã chủ ý tránh để bị tai tiếng là giăng bẫy nợ và lôi kéo các đối tác vào sự lệ thuộc như Trung Quốc bị cáo buộc.

Chiến lược này giúp EU đối trọng chương trình Một vành đai, một con đường của Trung Quốc nổi bật nhất trên hai phương diện. Thứ nhất, EU ngăn cản Trung Quốc thành công với việc lôi kéo các nước ở châu Âu, kể cả các thành viên của EU và NATO, tham gia chương trình Một vành đai, một con đường của Trung Quốc, tức là không để cho Trung Quốc xâm lấn và chinh phục cả Thị trường nội địa chung của EU. Thứ hai, EU cạnh tranh với Trung Quốc bằng chính tư tưởng của Trung Quốc ở thế giới bên ngoài châu Âu, chơi cuộc chơi mà EU vừa muốn không bị thua trên sân nhà vừa muốn thắng trên sân khách.

Trong việc triển khai thực hiện chiến lược này, EU có ưu thế riêng nhờ uy tín chính trị và danh nghĩa liên minh của 27 quốc gia. Nhưng yếu thế và bất cập của EU là nội bộ EU thường bất đồng khi đi vào triển khai thực hiện các dự án cụ thể, khi xác định ưu tiên cho đối tác, dự án và khu vực. Khác với Trung Quốc, EU quyết định gì cũng cần sự nhất trí của tất cả các thành viên, làm gì cũng cần sự đồng hành của tất cả các thành viên. Các thành viên EU hiện có mức độ và bản chất quan hệ không hoàn toàn giống nhau với Trung Quốc, khiến cho EU nhiều khi lực bất tòng tâm trong cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc. Bởi thế, cả tính khả thi lẫn hiệu quả thiết thực của chiến lược này của EU đều bị hạn chế./.

Hoàng Lan

 

Bình luận

    Chưa có bình luận