Không theo dự đoán nào, suốt gần 2 năm qua, virus SARS-CoV-2 không ngừng tạo ra những biến thể mới, biến thể sau nguy hiểm và khó lường, khó đối phó hơn biến thể trước. Nhiều nhà khoa học gọi đó là những “quái vật” khiến cả thế giới quay cuồng bởi sự xuất hiện không hề được trông đợi của chúng.
Từ “cơn ác mộng” mang tên Delta
Ngay từ khi được ghi nhận lần đầu tại Ấn Độ vào cuối năm ngoái, có lẽ không một nhà khoa học nào có thể dự đoán được một cách chính xác loại biến thể mà họ đặt tên là Delta đã biến hóa và hoành hành dữ dội ra sao. Chỉ tính đến ngày 30/6/2021, biến thể này đã lan ra hơn 90 quốc gia/vùng lãnh thổ. Ấn Độ là nơi có nhiều bệnh nhân mắc biến thể Delta nhất, kế đến là Vương quốc Anh (nơi ghi nhận biến thể này vào tháng 4).
Indonesia là một trong những minh chứng rõ rệt nhất về cái gọi là tác động khủng khiếp của loại biến thể này. Tổ chức Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) ngày 29/6 đã phải lên tiếng cảnh báo biến thể Delta đang đẩy Indonesia tới bờ vực "thảm họa". Đại dịch Covid-19 đã lan sang toàn bộ 34 tỉnh của Indonesia. Nếu như thời điểm ngày 18/5/2021, tại Indonesia chỉ có 3.518 trường hợp mắc mới được ghi nhận trong ngày thì trong vòng nửa tháng qua, số ca mắc Covid-19 tại Indonesia gia tăng không ngừng với cấp độ… 5 con số (trung bình hơn 30.000 ca mắc/ngày) khiến các bệnh viện điều trị Covid-19 của Indonesia gần như không còn chỗ trống trong vài ba tuần trở lại đây. Nhiều chuyên gia thở dài ngao ngán: Quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á rõ ràng đang có chiều hướng “đi về thảm họa” giống Ấn Độ.
Nhưng, sự nguy hiểm của Delta còn khủng khiếp hơn thế. Dễ dàng nhận ra hơn bao giờ hết khi những nước từng chống dịch tốt như Úc cho tới những nước có tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 cao như Anh, Mỹ… đều quay cuồng bởi biến thể Delta. Thế nên mới có chuyện, Mỹ và nhiều nước châu Âu - khi còn chưa hết nỗi hả hê bởi cơ hội được tái mở cửa, tái sinh trong trạng thái bình thường mới, đã phải giật mình bởi những ca nhiễm biến thể mới liên tục tăng cao, bất chấp việc phần đa dân số đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19. Số liệu được Cơ quan y tế quốc gia Pháp công bố ngày 7/7 cho thấy, biến thể virus Delta hiện đã chiếm khoảng 40% tổng số ca mắc Covid-19 tại Pháp. Số ca mắc mỗi ngày hiện nay ở Pháp là trên 4.000 ca, tăng trung bình 20%. Tại nước láng giềng Anh, mọi chuyện cũng không khác. Số ca nhiễm đang tăng đặc biệt nhanh. Trong ngày 7/7, nước Anh ghi nhận tới trên 32.000 ca mắc mới, trong đó, trên 90% là do biến thể Delta. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ tháng 1/2021, Anh ghi nhận trên 30.000 ca mắc Covid-19 trong một ngày.
Số ca nhiễm nCoV tăng đột biến được cho là đòn giáng mạnh vào Israel, quốc gia tự hào về một trong những chiến dịch tiêm chủng Covid-19 thành công nhất thế giới. Ngày 21/6 vừa qua, chính phủ Israel không thể tin được khi nước này ghi nhận hơn 100 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ.
Tại châu Phi, biến chủng Delta cũng hoành hành dữ dội. Đơn cử như tại Nam Phi, Tulio de Oliveira, chuyên gia virus học hàng đầu của Nam Phi, cảnh báo: "Nam Phi đang ở giai đoạn cấp số nhân của đại dịch khi số ca nhiễm đang tăng lên cực kỳ nhanh" và rằng Delta đang trở thành chủng trội tại Nam Phi do khả năng lây nhiễm cao hơn biến chủng Beta, hay B.1.351, được phát hiện lần đầu ở nước này.
Nhưng “đau” nhất có lẽ là nước Mỹ. Một trong những quốc gia đầu tiên tuyên bố trở lại cuộc sống bình thường, cho phép người dân tại nhiều bang gỡ bỏ khẩu trang, thì trong 2 tuần từ 20/6 đến 3/7, theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, biến thể Delta chiếm 51,7% số ca bệnh mới ở Mỹ.
Đến “bóng ma Delta Plus, Gamma, Lambda”
Danh xưng “đại dịch vô tiền khoáng hậu” có lẽ là hoàn toàn xứng đáng với đại dịch Covid-19 lần này khi biến thể này còn chưa hết độ nguy hiểm thì biến thể khác đã lại xuất hiện, thậm chí khó lường và nguy hiểm thêm bội phần. Trong khi nhiều nơi trên thế giới còn chưa hết ngỡ ngàng trước cái gọi là biến thể Delta thì các nhà khoa học đã nói đến loạt biến thể, nào là Delta Plus, Gamma cho đến Lambda và những cái tên dạng này chưa hề có dấu hiệu nào dừng lại.
Nếu biến chủng Delta đã xuất hiện ở 80 quốc gia, Delta Plus đã được tìm thấy ở 11 quốc gia trên thế giới. Nó là chủng có tốc độ lây lan mạnh mẽ và khiến đại dịch đang quay trở lại Vương quốc Anh, Mỹ và Ấn Độ. Biến chủng này được xác định là B.1.617.2.1 hoặc AY.1 (viết tắt là Delta plus), một phiên bản của biến chủng Delta phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ hồi tháng 2. Delta plus được báo cáo lần đầu tiên bởi Cơ quan y tế công cộng Anh ngày 11/6, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, biến thể này có thể đã xuất hiện tại Anh và lây lan từ ngày 26/4.
Một biến thể khác cũng đáng quan ngại không kém là biến thể Gamma, còn được gọi là P.1, lây lan nhanh chóng thống trị ở Brazil. Theo số liệu thống kê chính thức của Brazil, số thanh niên và trẻ em nhiễm biến thể Gamma tử vong ngày càng tăng. Thậm chí, biến thể này cũng khiến tỷ lệ tử vong của phụ nữ mang thai và thai nhi cao bất thường.
Thêm một biến thể đáng quan ngại nữa là biến thể Lambda còn được gọi là C.37, lần đầu tiên được phát hiện ở Peru vào tháng 12/2020. Kể từ đó, chủng nCoV này có mặt ở 30 quốc gia. Khu vực biến thể Lambda hoạt động đặc biệt mạnh mẽ là Nam Mỹ. Theo Tổ chức Y tế Liên châu Mỹ (PAHO), biến thể Lambda gây ra gần 82% số ca Covid-19 ghi nhận tại đây trong tháng 5 và 6/2021. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã liệt Lambda vào danh sách biến thể gây lo ngại - nghĩa là biến thể này đang gây lây nhiễm Covid-19 ở nhiều quốc gia.
"Chúng ta đang trong cuộc chạy đua chống lại sự lây lan của các biến thể virus", Giáo sư Kim Woo-joo, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Guro, Seoul, cho biết. Rõ ràng, đó là cũng chính là trở lực đầy khó khăn trong cuộc chiến gian nan chống lại đại dịch Covid-19.
Israel, một trong các quốc gia triển khai chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 thành công nhất thế giới, ngày 25/6 cũng đã phải tái áp đặt quy định đeo khẩu trang trong không gian kín nơi công cộng. Đây được cho là bước lùi đối với Israel, khi lệnh gỡ bỏ quy định đeo khẩu trang trong không gian kín nơi công cộng mới có hiệu lực hôm 15/6. Nhưng rõ ràng, chính phủ Israel đã rất sáng suốt khi nhận thức rõ được rằng, thà lùi 1 bước mới có cơ hội tiến lên 3 bước sau này, còn trước mắt có thể tránh những tổn thất không hề nhỏ. |
Vaccine và giãn cách vẫn là liều thuốc tốt nhất
Đó là nhận định của phần đa các chuyên gia cũng như các thiết chế y tế trong bối cảnh này. Dẫn minh chứng từ nước Mỹ, dù theo dữ liệu của ĐH Johns Hopkins, 24 bang của Mỹ ghi nhận mức tăng ca nhiễm mới ít nhất 10% trong tuần đầu tiên của tháng 7 vì biến thể Delta nhưng có một thực tế không thể phủ nhận, như khẳng định của ông Andy Slavitt, cựu cố vấn cấp cao trong đội phản ứng Covid-19 của Tổng thống Mỹ Joe Biden, biến thể Delta khó có thể đe dọa sức khỏe và làm cho những người đã tiêm chủng đủ liều mắc bệnh. Và thực tế, như lời giám đốc CDC, bà Rochelle Walensky, số ca bệnh và nhập viện đang gia tăng ở một số khu vực có tỷ lệ bao phủ vaccine thấp ở Mỹ. Các quận có số ca bệnh cao nhất là những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Tại Pháp, tiêm chủng để đối phó với các biến chủng mới cũng đã trở thành một mệnh lệnh. Chính phủ Pháp hiện đang ra sức tuyên truyền nhằm đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19. Thậm chí, chính phủ Pháp dự kiến sẽ đưa ra một dự thảo luật quy định việc tiêm vaccine bắt buộc đối với các lao động làm việc trong một số ngành nghề, đặc biệt là những nhân viên y tế hoặc người làm trong các nhà dưỡng lão. Hiện tại mới chỉ có 37% dân số Pháp tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa Covid-19.
Bộ trưởng Kinh doanh Anh, Kwasi Kwarteng mới đây đã phải chính thức thừa nhận, việc cho phép hàng chục ngàn CĐV bóng đá vào sân cổ vũ các trận đấu tại EURO 2020 đang góp phần khiến số ca nhiễm bùng phát tại Anh. Cũng lúc này, quyết định của chính phủ Anh về việc sẽ gỡ bỏ toàn bộ các biện pháp hạn chế vào ngày 19/7 đang gặp phải rất nhiều chỉ trích.
Tại Tây Ban Nha, chính quyền vùng Catalonia đã phải quyết định đóng cửa các vũ trường, hộp đêm, đồng thời áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế, khi số ca nhiễm do biến thể virus Delta bùng phát và tỷ lệ nhiễm đã lên tới trên 800 ca/100.000 dân.
Hoặc vaccine, hoặc giãn cách, hoặc phải đối mặt những những “bóng ma biến chủng mới” để rồi quay cuồng rơi vào thảm họa mà Indonesia đang là bài học nhãn tiền… đó là câu chuyện mà dường như giờ đây, không một quốc gia nào không nhận thức rõ./.
Hà Anh