Đảng Cộng sản Trung Quốc: Trăm năm dẫn đường

100 năm qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã mở ra con đường chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, thúc đẩy chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc bước vào thời đại mới

 

Ngày 1/7/2021 đánh dấu 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, 100 năm đã qua ấy, như cách nói của người Trung Quốc, là “bách niên thứ nhất” hay “100 năm đầu tiên”, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã mở ra con đường chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, thúc đẩy chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc bước vào thời đại mới, xây dựng xã hội toàn diện khá giả và đang hướng tới mục tiêu “100 năm thứ hai”, xây dựng Trung Quốc trở thành nước xã hội chủ nghĩa hiện đại về mọi mặt.     

Lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông (giữa) tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào ngày 1/10/1949 tại Bắc Kinh. (Ảnh: Hou Bo)

“Chấn hưng Trung Hoa” hay hành trình hồi sinh, đưa Trung Quốc bước vào thời kỳ phát triển mới

Phát biểu trước 70.000 người trong lễ k niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc tại quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh sáng ngày 1/7 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh việc Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa Trung Quốc thoát khỏi nghèo đói và tủi nhục.

Lịch sử đất nước Trung Quốc cho thấy rõ, mùa hè năm 1921, khi đảng Cộng sản Trung Quốc được thành lập, Trung Quốc  thực sự đang chìm trong hỗn loạn bởi xung đột dân sự và đói nghèo hoành hành. Hệ lụy của sự sụp đổ của triều Thanh vào năm 1911 vẫn còn đó. Trong bối cảnh ấy, sự ra đời củamột lực lượng chính trị mớilà đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 1/7/1921 thực sự đã là “tia sáng cuối đường hầm”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao tuyên thệ trong lễ míttinh ở Bắc Kinh ngày 28/6, trước thềm kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. (Nguồn: AP)

Từ năm 1921-1949, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã lãnh đạo nhân dân Trung Quốc tiến hành đấu tranh gian khổ, lật đổ ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa phong kiến và chủ nghĩa tư bản quan liêu. Điểm nhấn lớn nhất đầu tiên là dấu mốc thành lập nên nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949.

Sau khi thành lập nước Trung Hoa mới, Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo nhân dân các dân tộc cả nước giữ gìn độc lập và an ninh quốc gia, thực hiện chuyển biến thành công xã hội Trung Quốc từ chủ nghĩa dân chủ mới sang chủ nghĩa xã hội, triển khai công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa có kế hoạch và quy mô lớn, khiến sự nghiệp kinh tế và văn hóa ở Trung Quốc được phát triển to lớn chưa từng có trong lịch sử.

Tháng 10/1976, Đại cách mạng văn hóa kết thúc, Trung Quốc bước vào thời kỳ phát triển mới trong lịch sử. Hội nghị Trung ương 3 (khóa XI) Đảng Cộng sản Trung Quốc họp cuối tháng 12/1978 đã mở ra một thời kỳ mới cho nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong công cuộc cải cách, mở cửa và hội nhập quốc tế. Theo đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc chuyển hướng trọng tâm công tác từ “lấy đấu tranh giai cấp là cương lĩnh” sang “xây dựng kinh tế là nhiệm vụ trung tâm”, thực hiện cải cách, mở cửa và xây dựng hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa. Nhờ có chính sách này, kinh tế - xã hội tại Trung Quốc thu được nhiều thành tựu nổi bật, diện mạo đất nước đổi thay, thu hút sự quan tâm của cả thế giới. Từ năm 1979, Đảng Cộng sản Trung Quốc thực thi chính sách cải cách mở cửa do Đặng Tiểu Bình đề xướng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc (10/2017) với chủ đề “Không quên tâm nguyện ban đầu, ghi nhớ sứ mệnh, giương cao ngọn cờ vĩ đại chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới, phấn đấu không ngừng thực hiện giấc mơ Trung Quốc phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa” đánh dấu một bước phát triển mới của công cuộc xây dựng, hiện đại hóa đất nước theo con đường chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, đã đưa ra những quyết sách chiến lược đối với công cuộc cải cách và phát triển đất nước Trung Quốc.

Hình ảnh trong lễ kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tới nay, sau hơn 40 năm cải cách mở cửa, Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội, khoa học-công nghệ, giáo dục, văn hóa, thể thao...Từ một nước gặp rất nhiều khó khăn vào năm 1949, đến nay, Trung Quốc đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới; vị thế quốc tế không ngừng được nâng cao; tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng 189 lần; tổng lượng thương mại đứng đầu thế giới; là đối tác thương mại lớn nhất của 130 nền kinh tế; đóng góp khoảng 30% cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu; GDP bình quân đầu người tăng hơn 70 lần.

Điểm nhấn quan trọng còn là việc tháng 2/2021, Trung Quốc tuyên bố giành thắng lợi toàn diện trong cuộc chiến công kiên thoát nghèo, toàn bộ 98,99 triệu người dân nghèo ở nông thôn theo tiêu chuẩn hiện hành đã thoát nghèo, giải quyết vấn đề nghèo tuyệt đối đã đeo đẳng dân tộc Trung Hoa hàng nghìn năm qua, có ý nghĩa mang tính lịch sử. Từ khi thực hiện cải cách, mở cửa đến nay, theo chuẩn nghèo quốc tế của Ngân hàng Thế giới (WB), số người thoát nghèo tại Trung Quốc chiếm hơn 70% số người thoát nghèo trên thế giới trong cùng giai đoạn, hoàn thành sớm hơn 10 năm mục tiêu giảm nghèo theo Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Cùng với đó, Trung Quốc đạt nhiều thành tựu nổi bật về khoa học công nghệ: đưa người lên vũ trụ xây dựng trạm không gian Thiên Cung; tàu thăm dò vũ trụ đáp thành công lên bề mặt Sao Hỏa; đưa vào sử dụng hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu phủ sóng toàn cầu, công nghệ đường sắt cao tốc dẫn đầu thế giới với tổng chiều dài đạt 37.900km…

Kinh tế Trung Quốc hiện là một trong những đầu tàu của nền kinh tế thế giới, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Thời gian qua, ngay cả trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang tác động nặng nề tới các nền kinh tế và làm đứt gãy chuỗi cung ứng, Trung Quốc vẫn nhanh chóng kiểm soát tốt dịch bệnh, trở thành nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới đạt tốc độ tăng trưởng dương trong năm 2020; thực hiện thắng lợi cuộc chiến xóa đói giảm nghèo toàn diện; hoàn thành đúng hạn mục tiêu “bách niên- 100 năm” lần thứ nhất, xây dựng xã hội toàn diện khá giả.

Bên cạnh những thành quả vượt bậc về kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ, nỗ lực chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy chính trị được Đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành nhiều năm qua đã đem lại những kết quả rõ rệt, góp phần làm gia tăng uy tín của đảng và củng cố niềm tin của nhân dân.

Và trên tất cả, như nhìn nhận đầy tự hào của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trong bài phát biểu kỷ niệm 100 năm thành lập Ðảng Cộng sản Trung Quốcngày 1/7 vừa qua, rằng chủ đề bao trùm trong công việc của Đảng Cộng sản Trung Quốc suốt 100 năm qua là hồi sinh đất nước, Đảng Cộng sản là lực lượng đã lấy lại phẩm giá và đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới kể từ khi lên cầm quyền sau nội chiến kết thúc năm 1949 và chứng minh một điều rằng, “Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có thể cứu Trung Quốc”.

 

Sẵn sàng, tự tin cho mục tiêu “100 năm thứ hai”

Những thành công đạt được trong 100 năm qua là rất đỗi tự hào nhưng với người Trung Quốc nói chung cũng như Đảng Cộng sản Trung Quốc nói riêng, đó chưa phải là đích đến cuối cùng. Thế nên, ngay trong hành trình phát triển những thập kỷ qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc không ngừng tìm tòi con đường hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa phù hợp tình hình Trung Quốc, lần lượt đưa ra các mục tiêu phấn đấu "Bốn hiện đại hóa", "Lộ trình ba bước" và "Hai 100 năm" (100 năm thành lập Đảng vào năm 2021, 100 năm thành lập nước vào năm 2049), xác định mục tiêu tầm nhìn đến năm 2035 cơ bản thực hiện hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, đến giữa thế kỷ XXI hoàn thành mục tiêu xây dựng nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và tươi đẹp.

Đảng Cộng sản Trung Quốc kỷ niệm 100 năm thành lập khi đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XX, dự kiến diễn ra vào năm 2022. Trong bối cảnh cục diện thế giới đang diễn biến khó lường, cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt, đặc biệt là đại dịch Covid-19 vẫn đang ảnh hưởng nặng nề trên toàn cầu, Trung Quốc đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn, đòi hỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo, hoạch định đường hướng cũng như lộ trình cụ thể để hoàn thành những mục tiêu đặt ra, đặc biệt là mục tiêu “100 năm thứ hai” vào năm 2049.

Tuy nhiên, như nhìn nhận của Lawrence Lau, giáo sư kinh tế tại Đại học Trung văn Hong Kong, đảng Cộng sản Trung Quốc là một trong số ít đảng chính trị trên thế giới đứng vững trước những thử thách của thời gian. Trung Quốc đã mở ra hành trình mới xây dựng đất nước hiện đại hóa XHCN toàn diện. Đơn cử như trong 5 năm tới, các chính sách của Trung Quốc được xây dựng xoay quanh chiến lược “tuần hoàn kép”, gồm "tuần hoàn trong nước" và "tuần hoàn quốc tế" - lần đầu tiên được Chủ tịch Tập Cận Bình công bố hồi tháng 5/2020. Theo đó, Trung Quốc đang tìm cách tạo ra một nền kinh tế trong nước tự cường hơn để tăng trưởng và đổi mới công nghệ, thay thế cho tăng trưởng thâm dụng vốn, xuất khẩu giá trị thấp và công nghệ nhập khẩu như trước đây.

Với tiền đề đã có, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, với tâm thế quyết liệt, nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, đất nước đông dân nhất hành tinh đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng “xã hội khá giả”, sẵn sàng hướng tới một mục tiêu mới vào năm 2049 - kỷ niệm 100 năm thành lập nước - khi đó Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ là “đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại toàn diện”. Và dẫn dắt Trung Quốc hướng tới mục tiêu 100 năm thứ hai, không ai khác, vẫn là “người dẫn đường” - đảng Cộng sản Trung Quốc./.

Trong 100 năm qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã không ngừng phát triển lớn mạnh, từ lúc chỉ có 60 đảng viên khi mới thành lập đã lên tới trên 95 triệu đảng viên.Theo số liệu được công bố ngày 30/6/2021, số lượng đảng viên Trung Quốc tăng thêm 2,43 triệu trong năm 2020, nâng tổng số đảng viên ở nước này lên 95,15 triệu người, chiếm hơn 6% dân số.

Hà Anh

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận