Châu Âu chậm tiêm vắc-xin ngừa Covid-19

Khi cường quốc số 1 châu Âu đã có nhiều hành động làm chậm chân trong chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19, đó là một lời cảnh báo thực sự đáng lo ngại.

 

Khi thế giới đang tìm mọi cách để có được nguồn vaccine ngừa Covid-19 cho người dân thì cường quốc số 1 châu Âu lại có nhiều hành động làm châu Âu chậm chân trong chiến dịch này.

Quá thận trọng và thiếu tầm nhìn

Châu Âu vừa trải qua những ngày cuối tuần nghỉ lễ Phục sinh với thời tiết lý tưởng. Nhưng trong lúc tại Anh các gia đình được phép tụ họp tương đối đông vui, được tự do ra các công viên, thảm cỏ tận hưởng những ngày nắng đẹp và tập luyện thể thao thì tại châu Âu, Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi dân chúng cố gắng ở lại trong nhà, nghỉ lễ một cách lặng lẽ.

Bên kia sông Rhin, trên đất Pháp, biết là không thể ngăn cản dân chúng di chuyển dù đã ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 20/3, chính quyền Pháp buộc phải áp dụng cơ chế “khoan dung”, bỏ qua những vi phạm về cấm đi lại quá bán kính 10km quanh nhà, hay di chuyển từ vùng này sang vùng khác.

Tại sao EU lại chậm trễ trong chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19, dù Ủy ban châu Âu đã khởi động kế hoạch mua vaccine từ mùa hè năm ngoái? (ảnh minh họa: KT)Bức tranh xã hội trong thời dịch bệnh tại châu Âu lục địa và Anh quốc đang trái ngược hoàn toàn so với những gì đã diễn ra trong phần lớn thời gian của năm 2020. Cho đến tận tháng 12/2020, Vương quốc Anh vẫn là minh họa quen thuộc cho việc một chính phủ phương Tây đã thất bại ra sao trong việc ngăn chặn đại dịch Covid-19, khi Anh là nước có tổn thất nhân mạng cao nhất châu Âu và cao hàng đầu thế giới nếu tính tỷ lệ theo số dân. Các nước châu Âu lục địa như Pháp, Tây Ban Nha hay Italy cũng không làm tốt hơn, nhưng báo chí châu Âu vẫn tự trào “ít nhất họ không làm tệ hơn một nước vừa rời khỏi Liên minh châu Âu (EU)”.

Nhưng, khi vaccine ngừa Covid-19 xuất hiện, sự so sánh bắt đầu đổi chiều. Ngay tuần đầu tiên của tháng 12/2020, chính phủ Anh đã quyết định phê chuẩn vaccine Pfizer và một tuần sau đó, tiến hành tiêm cho dân chúng. 3 tuần sau, mặc dù chỉ trích nước Anh đã quá vội vàng, nhưng Cơ quan dược phẩm châu Âu - EMA buộc phải hành động tương tự và khởi động chiến dịch tiêm vaccine toàn bộ các nước EU.

Tuy nhiên, sau gần 4 tháng triển khai, kết quả đang hoàn toàn trái ngược. Tính đến hết tháng 3/2021, trong khi Vương quốc Anh có khoảng 50% dân chúng trưởng thành được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine và trên 5 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi, thì tại châu Âu chỉ có trên 10% dân chúng được tiêm liều đầu tiên. Số người đã tiêm đủ cả 2 mũi là trên dưới 5%.

Những con số tương phản đó càng trở nên khó chấp nhận hơn với EU khi nước Anh từng bước đẩy lùi dịch bệnh, gỡ bỏ các lệnh phong tỏa và dần dần trở lại đời sống bình thường, còn một loạt các nước châu Âu (Pháp, Đức, Italy, Bỉ…) lại trở về guồng quay phong tỏa quen thuộc và mệt mỏi của làn sóng dịch thứ ba, với các mô hình dự đoán tồi tệ không kém thời điểm hoảng loạn cách đây 1 năm.

Thận trọng hay quan liêu?

Câu hỏi đặt ra, tại sao EU lại chậm trễ trong chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19, dù Ủy ban châu Âu đã khởi động kế hoạch mua vaccine từ mùa hè năm ngoái?

Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra, đến từ cả phía EU lẫn phía các nhà sản xuất dược phẩm. Đầu tiên, là việc toàn bộ 27 nước thành viên EU ủy quyền cho Ủy ban châu Âu đàm phán mua vaccine của các hãng dược phẩm. Chiến lược này mang lại thế mạnh lớn cho châu Âu trong giá cả và vì mua với số lượng lớn sẽ được nhận nhiều ưu đãi hơn trong việc giao hàng. Tuy nhiên, sự đoàn kết này cũng có mặt trái, đó là thiếu tính linh động. Dù Ủy ban châu Âu đại diện cho các nước thành viên đứng ra đàm phán và mua vaccine nhưng vì y tế là vấn đề thuộc chủ quyền mỗi quốc gia thành viên nên Ủy ban châu Âu không được quyết vấn đề gì nếu không có sự đồng ý của các nước thành viên. 27 nước thành viên với điều kiện kinh tế, ưu tiên chính sách và tính toán lợi ích khác nhau, đòi hỏi “đồng thuận” là trở ngại đối với Ủy ban châu Âu, làm chậm tiến trình ra quyết định từ việc mua bán đến cơ chế nhận hàng và phân phối.

Chính sự đa dạng và khác biệt của mỗi nước thành viên lại mang đến thêm một vấn đề khác: mức độ chấp nhận vaccine trong dân chúng. Tại một số nước, tỷ lệ dân chúng sẵn sàng tiêm vaccine lên đến 80% nhưng ở một số nước khác, như Pháp, số người hoài nghi vaccine, theo chủ nghĩa chống vaccine hay không sẵn sàng tiêm vaccine, lên tới gần 50%.

Đứng trước hiện thực đó và vốn giương cao khẩu hiệu “châu Âu bảo vệ” từ đầu nhiệm kỳ, các lãnh đạo EU dành quá nhiều thời gian để tìm cách thay đổi thái độ của dân chúng với vaccine. Họ cũng trở nên quá thận trọng khi yêu cầu các hãng dược phẩm phải chịu trách nhiệm pháp lý cùng nhà nước nếu xảy ra biến cố trong quá trình tiêm vaccine. Các đòi hỏi pháp lý này khiến việc đàm phán với các luật sư của Pfizer/BioNTech và Moderna kéo dài. Các quan chức EU đã rất chần chừ khi phải quyết định liệu có dùng đến cơ chế phê duyệt khẩn cấp của Cơ quan dược phẩm châu Âu - EMA hay không.

Đối với các lãnh đạo EU, sự thận trọng (và dẫn đến chậm chạp) này là vì lợi ích của dân chúng châu Âu. Nhưng đối với những người xem cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 như là một cuộc chiến tranh thực sự và việc tiêm vaccine giống như bổ sung vũ khí thì sự thận trọng này đồng nghĩa với “quan liêu”, “trì trệ”. Ngay trong nội bộ EU, đã có những thành viên phản kháng, coi sự quan liêu này là không chấp nhận nổi và tự đi tìm giải pháp cho riêng mình.

Trong đầu năm 2021, tại châu Âu, câu nói của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu được nhắc đến nhiều lần mỗi khi có tiếng nói chỉ trích châu Âu chậm chạp, đó là “vaccine là một cuộc chạy đua vũ trang dưới hình thức mới”, trong đó mọi biện pháp đều được chấp nhận. Nói cách khác, trong thời chiến thì phải sử dụng tư duy thời chiến, dám quyết, dám làm một cách nhanh chóng chứ không thể đòi hỏi sự vẹn toàn như cách mà các lãnh đạo EU thể hiện.

Cuối cùng, sự chậm trễ của châu Âu còn đến từ việc không tính toán và lường trước được các thách thức lớn của dây chuyền sản xuất. Ngay khi các đơn đặt hàng ồ ạt đổ về, các nhà máy của Pfizer tại Puur (Bỉ) hay của AstraZeneca tại Hà Lan đã gặp trục trặc. Số lô vaccine dự kiến được sản xuất bị cắt giảm và căng thẳng lên đến đỉnh điểm với EU khi AstraZeneca chỉ có thể giao 30 triệu liều trong quý I/2021 so với 120 triệu liều như đã cam kết.       

Mọi áp lực được đổ dồn lên AstraZeneca, với các cáo buộc hãng dược phẩm này “ưu tiên” giao hàng cho Vương quốc Anh và không thực hiện đúng hợp đồng cam kết. Thierry Breton, Ủy viên châu Âu phụ trách công nghiệp và thị trường nội địa, tuyên bố “AstraZeneca là nguyên nhân cho sự chậm trễ của chiến dịch tiêm vaccine tại châu Âu”. Các nguyên thủ quốc gia, như Tổng thống Pháp Macron hay Thủ tướng Đức thậm chí đã nhắc đến khả năng bắt các lãnh đạo AstraZeneca chịu trách nhiệm pháp lý. Tại Brussels, Ủy ban châu Âu vẫn giữ lời đe dọa cấm xuất khẩu mọi loại vaccine được sản xuất trên đất châu Âu như một vũ khí để buộc các nước khác, đặc biệt là Anh, chia sẻ vaccine.

Đối với các lãnh đạo EU, sự thận trọng (và dẫn đến chậm chạp) này là vì lợi ích của dân chúng châu Âu. Nhưng đối với những người xem cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 như là một cuộc chiến tranh thực sự và việc tiêm vaccine giống như bổ sung vũ khí thì sự thận trọng này đồng nghĩa với “quan liêu”, “trì trệ”.

Tuy nhiên, lời lẽ quyết liệt không che giấu được những thiệt hại y tế và tổn hại về mặt uy tín. Tại Đức, chỉ còn khoảng 20% dân chúng tin rằng nước này hay châu Âu sẽ hoàn thành mục tiêu tiêm vaccine trong mùa hè năm nay, dù phía Ủy ban châu Âu cam kết sẽ có thêm đến 420 triệu liều vaccine từ nay đến tháng 7 và trong kịch bản lạc quan nhất, đến giữa tháng 7/2021, châu Âu sẽ có 70% dân chúng trưởng thành được tiêm vaccine, qua đó có thể hy vọng mong manh về miễn dịch cộng đồng.

Điều nghiêm trọng hơn cả mà sự chậm chạp này mang lại là những ấn tượng rằng dàn lãnh đạo mới của EU không đủ tầm nhìn, không đủ năng lực đương đầu với các thách thức lớn. Châu Âu cũng đã thất bại trong việc ngăn làn sóng dịch thứ hai, thứ ba và đến giờ này, châu Âu vẫn đang thất bại trong chiến dịch tiêm vaccine cho dân chúng, nếu so với Anh, Mỹ hay Israel.

Ấn tượng về sự kém cỏi này của EU có thể thúc đẩy các hành động có tính ly khai, chia rẽ, như Hungary, Đan Mạch, Áo đã làm, như Italy sắp làm với việc sản xuất vaccine Sputnik V của Nga từ tháng 7/2021, hay đặc biệt như tuyên bố của Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn rằng nước Đức có thể sẽ tự tìm lối đi riêng trong thời gian tới, tức là đơn phương đàm phán với các hãng dược khác nhau chứ không thông qua cơ chế đoàn kết của EU.

Khi cường quốc số 1 châu Âu đã có ý định hành động như thế, đó là một lời cảnh báo thực sự đáng lo ngại./.

Quang Dũng/VOV-Paris

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận