'Virus thù hận' người Mỹ gốc Á lây lan cùng Covid-19

Bạo lực đối với người Mỹ gốc Á, tệ nạn phân biệt chủng tộc ở 'xứ cờ hoa' không mới, nhưng đang gia tăng đến mức đáng báo động.

 

Phần nổi của tảng băng

Nelson Ng, một người Hong Kong (Trung Quốc), hiểu thế nào là kỳ thị và phân biệt chủng tộc khi đặt chân đến Mỹ năm 13 tuổi. Đó là ngày đầu tiên Ng đến trường trung học Encinal ở Alameda. “Tại hội trường, một sinh viên da trắng tiến đến tát tôi rồi bỏ chạy. Tôi không nói được tiếng Anh và chẳng thể nghĩ được gì”, Ng kể lại. Người đàn ông này hiện 58 tuổi và là một nhà khoa học phần mềm máy tính, đang đứng lên chống lại sự hận thù chủng tộc, bảo vệ cộng đồng người Mỹ gốc Á. Đối với Ng và hơn 100 người tham gia biểu tình ở El Camino Real và Palo Alto vào Chủ nhật tuần trước, các cuộc tấn công gần đây nhằm vào người lớn tuổi gốc Á và vụ xả súng hàng loạt tại các spa gần Atlanta, Georgia khiến 8 người chết, trong đó có 6 phụ nữ châu Á chỉ là “phần nổi của tảng băng” lớn và đen tối về tình trạng kỳ thị chủng tộc.

Số vụ tấn công vào người gốc Á tại Mỹ gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ, nghiêm trọng đến mức trở thành hiện tượng đáng chú ý ở quốc gia vốn chỉ xảy ra xung đột với cộng đồng người da đen. Hiện nay trên khắp nước Mỹ, có khoảng 21 triệu người gốc Á châu sinh sống, chiếm 5,5% dân số nước này. Họ đến từ khoảng 20 quốc gia khác nhau. Tổ chức Ngừng thù hận với người Mỹ gốc Á (AAPI) ước tính đã có khoảng 3.800 đơn khiếu nại về hành vi thù ghét, bạo lực với người gốc Á kể từ tháng 3/2020, và con số này được cho là quá nhỏ so với thực tế. Những vụ việc xảy ra dưới các hình thức từ lăng mạ, né tránh, quấy rối bằng lời nói cho đến các cuộc tấn công bạo lực thảm khốc và kinh hoàng nhất.

Các cuộc tấn công gần đây nhằm vào người lớn tuổi gốc Á và vụ xả súng hàng loạt tại các spa gần Atlanta, Georgia khiến 8 người chết trong đó có 6 phụ nữ châu Á chỉ là “phần nổi của tảng băng” lớn và đen tối về tình trạng kỳ thị chủng tộc.

Theo Trung tâm Nghiên cứu về Hận thù và Chủ nghĩa cực đoan tại Đại học bang California, San Bernardino, tội ác thù ghét nhằm vào người Mỹ gốc Á đã tăng 149% vào năm 2020 so với năm trước. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, tội ác thù ghét tăng đột biến vào tháng 3 và 4/2020 “trong bối cảnh gia tăng ca nhiễm SARS-CoV-2 và định kiến tiêu cực với người gốc Á liên quan đến đại dịch”. Tháng 5/2020, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres lên tiếng “đại dịch đang gây ra một cơn sóng thần về lòng căm thù và bài ngoại” và kêu gọi các chính phủ “hành động ngay lập tức để tăng cường khả năng miễn dịch của xã hội chống lại virus thù hận”. Gần một năm trôi qua, các cộng đồng trên khắp thế giới cho biết tình hình vẫn không được cải thiện, thậm chí trầm trọng hơn. Đối với nhiều người, đại dịch chỉ làm khuếch đại sự phân biệt chủng tộc và bạo lực đối với người châu Á, bởi nó vốn tồn tại từ rất lâu.

Hàng trăm người tập trung bên ngoài trụ sở nghị viện bang Georgia ngày 20-3 để phản đối tình trạng bạo lực và phân biệt chủng tộc nhắm vào người gốc Á. (Ảnh: Reuters)Vì sao người gốc Á trở thành mục tiêu?

Nguồn gốc của tư tưởng chống lại người châu Á ở Mỹ có thể được bắt nguồn từ khái niệm “hiểm họa màu vàng” và Đạo luật bài trừ người Trung Quốc, coi những người nhập cư châu Á là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia vào những năm 1880. Trong khoảng những năm 1850-1906, nhiều người Trung Quốc đã bị trục xuất khỏi gần 200 thành phố và thị trấn ở Bờ Tây nước Mỹ vì họ bị coi là những đối thủ cạnh tranh về việc làm và không thể tương đồng về mặt xã hội cũng như văn hóa trong xã hội Mỹ.

Khó khăn về kinh tế những năm 1870 càng khiến tình trạng kỳ thị và vu oan cho người gốc Á gia tăng. Năm 1882, quốc hội Mỹ thống nhất thông qua Đạo luật bài trừ người Trung Quốc nhằm cấm người Trung Quốc nhập cư vào Mỹ trong vòng 20 năm. Tổng thống Chester A. Arthur đã phủ quyết dự luật này nhưng sau đó lại ký một phiên bản khác với lệnh cấm trong vòng 10 năm. Đây là đạo luật hạn chế nhập cư đầu tiên ở Mỹ và đã áp dụng kéo dài suốt hơn 60 năm trước khi bị thu hồi năm 1943.

Người Mỹ gốc Á được báo cáo là nạn nhân của những vụ tấn công kỳ thị ít nhất 500 lần trong hai tháng đầu năm nay. (Ảnh: CNN)Chính sách nhập cư không phải là thứ duy nhất thể hiện tình trạng phân biệt đối xử. Khi các dịch bệnh như đậu mùa và dịch hạch lây lan cuối những năm 1800, người Hoa ở San Francisco liên tục chịu trận. Khi San Francisco bùng phát dịch đậu mùa năm 1875-1876, giới chức thành phố đã đổ lỗi cho không khí bẩn thỉu, hôi hám và điều kiện sống không lành mạnh ở khu phố người Hoa Chinatown. Cách đổ lỗi đó cũng phần nào lý giải cho tình trạng kỳ thị tăng đột biến kể từ khi xuất hiện đại dịch Covid-19. Theo nhiều nhà hoạt động, những quan điểm đỗ lỗi cho Trung Quốc về đại dịch này, bất chấp lời giải thích từ Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ càng khơi dậy sự thù ghét người Hoa nói riêng và người gốc Á nói chung trên mạng xã hội và trong đời thực. Tổng thống Mỹ Joe Biden trong bài phát biểu mới đây đã ám chỉ tình trạng chống người gốc Á hiện nay là hệ quả của những ngôn từ mà người tiền nhiệm dùng khi gọi virus corona là “virus Trung Quốc”.

Thêm nữa, căng thẳng địa chính trị leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc thời gian qua đã khiến người Trung Quốc và những người Mỹ gốc Á khác trở thành kẻ thù tiềm tàng trong mắt người Mỹ bản địa. Trong lúc đại dịch làm kinh tế suy thoái, việc làm ít dần đi, tâm lý đổ lỗi cho thực trạng đó càng lớn dần lên trong tư tưởng những người bất mãn. Một lý do quan trọng khác chính là những “kẽ hở” của luật pháp. Sự việc một người đàn ông gốc Á bị một kẻ lạ mặt cầm dao đâm sau lưng tại Chinatown ở quận Manhattan hồi tháng 2 vừa qua không bị kết tội phân biệt chủng tộc khiến nhiều người phẫn nộ. Việc chính quyền xem nhẹ các vụ tấn công mang hơi hướng phân biệt chủng tộc nhắm vào cộng đồng gốc Á làm tình hình trở nên khó kiểm soát.

Loại virus khó tiêu diệt

Phân biệt chủng tộc hay kỳ thị người Mỹ gốc Á là vấn đề nan giải của nước Mỹ, gây ra những hệ lụy khó lường. Giáo sư Cynthia Miller-Idriss, chuyên gia về phong trào cực hữu đồng thời là nhà xã hội học làm việc tại Đại học Mỹ (American University), nhận định: “Tình hình hiện nay thuận lợi để phong trào cực hữu khai thác và lợi dụng làm nhiễu loạn các cộng đồng xã hội”.  Nhiều mạng lưới hoạt động bảo vệ người gốc Á lo ngại nếu nạn phân biệt chủng tộc không được ngăn chặn, thảm họa diệt chủng người Do Thái trong Chiến tranh Thế giới thứ II có thể tái diễn một lần nữa.

Ngay sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một sắc lệnh lên án hành vi kỳ thị chủng tộc đối với cộng đồng những người Mỹ gốc Á và các đảo trong Thái Bình Dương. Một số bang như California hay New York, cũng đã hưởng ứng sắc lệnh này, chi thêm ngân sách cho đấu tranh chống tệ phân biệt chủng tộc nhắm vào người châu Á cùng với việc đưa ra thảo luận các dự luật liên quan. Đây được xem là phản ứng kịp thời đối với một vấn đề xã hội tồn tại dai dẳng và đang bị đẩy lên ở Mỹ. Tuy nhiên, giải quyết tận gốc vấn đề không phải câu chuyện ngày một ngày hai.

Một khi tâm lý coi người Mỹ gốc Á “mãi là người nước ngoài” bám sâu và mạnh tại Mỹ hay tư tưởng “da trắng thượng đẳng” còn tồn tại, cuộc sống của cộng đồng gốc Á ở “xứ cờ hoa” còn bị bủa vây bởi sự thù hằn.

Cho đến giờ, để đảm bảo an toàn, cộng đồng dân cư nhiều người gốc Á phải thực hành biện pháp tuần tra tự vệ. Chính quyền nhiều thành phố lớn cũng đã cho tăng cường cảnh sát tuần tra ở các khu dân cư có đông người gốc Á. Thậm chí nhiều người tìm mua súng như một cách tự bảo vệ mình, nhưng đó không phải giải pháp an toàn bởi nó làm dấy lên nguy cơ bạo lực súng đạn. 

Trong lúc chờ các biện pháp từ chính quyền và luật pháp, John Yang, chủ tịch của nhóm vận động “Người Mỹ gốc Á Thúc đẩy Công lý” cho rằng các tổ chức xã hội cần làm nhiều hơn nữa để bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương. Đó có thể là sự hỗ trợ về tài chính, pháp lý, cũng có thể xây dựng các chương trình giáo dục nhằm làm thay đổi suy nghĩ về sự khác biệt chủng tộc, gia tăng các hoạt động đối thoại giữa các cộng đồng và các chủng tộc nhằm xóa bỏ dần định kiến thù hằn... Chỉ khi nào sự thấu hiểu được sẻ chia nhiều hơn, nhận thức được thay đổi, khi đó loại vaccine chống lại “virus thù hận, kỳ thị” mới phát huy tác dụng. Khi đó, giấc mơ về một xã hội công bằng, nơi con người được đánh giá không phải vì màu da mới trở thành hiện thực./.

Thanh Huyền 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận