Nhật Bản trỗi dậy từ thảm họa kép 11/3

Sau 10 năm xảy ra thảm họa kép tại Nhật Bản, cuộc sống nơi đây đang hồi sinh. Việc tái thiết dù đã gần hoàn tất, nhưng không nhiều người muốn trở lại...

 

Ngân sách khổng lồ cho việc tái thiết…

Đã 10 năm trôi qua kể từ ngày 11/3/2011 với thảm họa kép xảy ra tại khu vực Tohoku, Nhật Bản, nỗi đau hiện hữu không chỉ với những người Nhật Bản mà còn ám ảnh cả những người của các quốc gia khác chứng kiến qua truyền thông hay đã từng một lần đặt chân tới nơi này. Nhật Bản đang nỗ lực vươn lên từng ngày để khắc phục hậu quả thiên tai, và sự sống ở Iwata, Miyagi, Fukushima - những nơi chịu hậu quả nặng nề nhất đang hồi sinh trở lại với những con đường mới, nhà ga mới và trường học mới.

Để khắc phục thiệt hại do thảm họa kép ngày 11/3 và sự cố rò rỉ của nhà máy điện hạt nhân Fukushima, trong vòng 10 năm qua, Nhật Bản đã phải chi tới 38.000 tỷ yên cho việc xây dựng lại thành phố, hệ thống đê điều, chắn sóng, hệ thống giao thông, trường học… tại khu vực Tohoku.

Các bồn chứa nước thải có chứa phóng xạ tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima. (Ảnh: Bùi Hùng)Nội các Nhật Bản đã thông qua chính sách mới về tái thiết những khu vực ở vùng Tohoku, Đông Bắc Nhật Bản, bị ảnh hưởng bởi động đất, sóng thần và sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Số 1 năm 2011.

Theo chính sách mới, hoạt động của Cơ quan Tái thiết sẽ được kéo dài thêm 10 năm cho đến năm 2031, đồng thời 5 năm kể từ tháng 4 tới sẽ được xác định là giai đoạn hai của công cuộc tái thiết. Cơ quan Tái thiết ước tính chi phí cho nỗ lực này là thêm 15 tỷ đô la Mỹ. Và để bù vào số tiền này, chính phủ Nhật đã phải xây dựng kế hoạch tăng thuế trong khoảng thời gian 37 năm liên tiếp.

Cảng cá Onahama ở tỉnh Fukushima.Hiện tại, công việc tái thiết khu vực Tohoku, cụ thể là ở tỉnh Iwate, Miyagi và Fukushima vẫn đang được tiếp tục một cách khẩn trương và ngốn một khoản tiền không hề nhỏ. Chỉ riêng số tiền để xây dựng lại nhà ở và hệ thống giao thông cũng mất khoảng 1,3 tỷ USD, trong đó khoảng 570km giao thông nối liền tuyến Bắc - Nam Nhật Bản dọc bờ biển dự kiến trong năm 2021 này sẽ hoàn thành.

Cũng trong 10 năm qua, phố xá mới đã được xây dựng lại, phần nào xóa mờ ký ức đau thương, mất mát đến tột cùng. Hầu hết những công trình công cộng sẽ hoàn thành vào mùa Xuân năm nay, nhưng cũng tiêu tốn khoảng 16 tỷ USD.

Dự án EAST LOOP ở Ishinomaki.Theo Thị trưởng thành phố Rikuzentakata, mặc dù cơ sở hạ tầng đã có nhưng số người sử dụng rất ít. Đến nay, thành phố chỉ ghi nhận khoảng hơn 2.000 người quay trở lại thành phố sống, và số dân số của thành phố giảm khoảng hơn 20% so với thời gian trước khi thảm họa xảy ra.

Tuy nhiên, không phải tất cả số tiền bỏ ra đều tập trung vào việc khắc phục hậu quả thảm họa, mà một phần được gây quỹ hỗ trợ trực tiếp cho các khu vực chịu ảnh hưởng của thảm họa.

Theo thống kê, mặc dù đa số những công trình trong kế hoạch tái thiết đã xong để có thể bắt đầu cuộc sống trở lại, nhưng có tới 60% hệ thống này không được người dân sử dụng.

Trong công cuộc tái thiết này, những doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cũng đối mặt với việc phá sản. Trong năm vừa qua, đã có khoảng 2.200 công ty gặp khó khăn. Đây lại trở thành vấn đề nan giải mới của Nhật Bản, bởi khắc phục hậu quả thảm họa không đơn giản chỉ là xây mới lại trường học hay công sở, mà là con người có chấp nhận những sản phẩm đó không?

Dự án EAST LOOP ở Ishinomaki…và nỗi đau vẫn vẹn nguyên

10 năm kể từ khi bà Okuyama mất tích trong thời khắc định mệnh ấy, đến giờ gia đình, người thân mới được tiếp nhận di thể của bà từ chính quyền. Người con trai cả của bà không nói nên lời với ngần ấy năm khắc khoải mong chờ và anh muốn tiếp tục sống, hướng tới tương lai dù chỉ còn có một mình.

Trong khoảng 100 năm trở lại đây, Nhật Bản đã phải hứng chịu 3 thảm họa cực lớn do thiên tai đó là trận động đất lớn tại khu vực Kanto (gồm Tokyo và các tỉnh lân cận) vào năm 1923 với hơn 140.000 người chết và mất tích; trận động đất tại Kobe vào năm 1995 với hơn 6.000 người thiệt mạng; trận động đất và sóng thần năm 2011 kể từ ngày xảy ra cho đến nay vẫn còn hàng nghìn người mất tích, hàng chục nghìn hộ dân vẫn phải sơ tán, nhiều khu vực vẫn như vùng đất chết do lo ngại ô nhiễm phóng xạ.

Giúp đỡ cụ già từ đống đổ nát (ngày 11/3/ 2011). ( Ảnh: Nikkei)Trong hàng nghìn người người sống xa quê hương từ ngày ấy, hầu như tất cả họ đều muốn quay trở lại. Nhưng có những người chỉ còn một mình, những thanh niên không vượt qua nỗi ám ảnh, và cả những lo ngại về mức độ an toàn tại khu vực đã khiến họ ngần ngại. Trường học mới vẫn vắng bóng học sinh, nhà mới vắng tiếng cười, và có lẽ một thời gian nữa tiếng cười mới trở lại.

Trỗi dậy từ thảm họa

Trong kế hoạch tái thiết tiếp theo từ năm 2021, Chính phủ Nhật Bản sẽ cung cấp hỗ trợ cho những khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất và sóng thần cũng như chăm sóc về tinh thần cho người dân và xây dựng các cộng đồng địa phương.

Đối với những khu vực bị ảnh hưởng bởi sự cố hạt nhân, Chính phủ sẽ xúc tiến việc hồi hương cũng như chuyển cư dân cũ và mới tới những khu vực đã được dở bỏ lệnh sơ tán. Kế hoạch cũng thúc đẩy việc thành lập tại đó các Trung tâm nghiên cứu và Giáo dục quốc tế.

Đối với những khu vực có thể vẫn duy trì lệnh cấm vào, Chính phủ dự kiến sẽ đẩy nhanh xem xét các chính sách trong tương lai, đồng thời lắng nghe kỹ lưỡng các vấn đề và nguyện vọng của người dân địa phương, sẽ thúc đẩy việc giải quyết các thùng chứa chất phóng xạ bằng cách tìm hình thức xử lý vào thời điểm thích hợp.

Ngôi làng Shirahama ở vùng Tohoku. (Ảnh: Bùi Hùng) Với lý do đó, bà Igarashi Rieko 57 tuổi đã quay trở lại sống tại thành phố Minamisoma, tỉnh Fukushima. Tại đây bà đã xây lại nhà và cửa hiệu của mình. Một cư dân khác, cô Higashiyama Haruna 35 tuổi, quay lại thị trấn Namie từ tỉnh Kyoto. Cô Higashiyama hiện quản lý một cửa hàng phục vụ du lịch ven đường. Với cửa hàng này cô mong muốn người dân trong khu vực, đặc biệt là khách du lịch khắp đất nước Nhật Bản qua đây có thể nghỉ ngơi và thưởng thức các sản phẩm cũng như văn hóa địa phương.

Thủ tướng Suga Yoshihide cho biết ông cảm nhận rằng hoạt động tái thiết Fukushima đang diễn ra thuận lợi nhờ có tương tác giữa người dân tại đây cùng những người tới từ bên ngoài.

Nhật Bản có lẽ còn phải đương đầu với những trận động đất, sóng thần lớn nữa, và công việc tái thiết có thể thường xuyên diễn ra. Với quyết tâm và chính sách hỗ trợ kịp thời, cuộc sống của người dân sẽ trở lại ổn định sau những mất mát cả thể chất lẫn tinh thần. Nhật Bản vẫn trỗi dậy và phát triển từ những thảm họa khắc nghiệt mà thiên nhiên mang lại./.

Bùi Hùng/VOV-Tokyo

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận