'Bộ trưởng chống cô đơn' hay nỗi niềm khó tả thời Covid

Câu chuyện về trọng trách có thể gọi là 'vô tiền khoáng hậu' ở xứ sở hoa anh đào: 'Bộ trưởng chống cô đơn' mang đến những xúc cảm thật khó diễn tả bằng lời.

 

Đại dịch Covid-19 đột ngột ập đến với thế giới, đẩy nhân loại vào những thách thức, thậm chí là những vấn nạn, bi kịch chưa từng có. Xứ sở Mặt trời mọc là một ví dụ điển hình. Câu chuyện về một trọng trách có thể gọi là “vô tiền khoáng hậu” ở xứ sở này: “Bộ trưởng chống cô đơn'” mang đến những xúc cảm thật khó diễn tả bằng lời.

Từ thực tế ảm đạm

Dù được xem là một chính phủ năng động với nhiều quyết sách quyết liệt trong chống dịch Covid-19, tuy nhiên, đại dịch này, với sức công phá lớn chưa từng có, đặc biệt, đến làn sóng tấn công thứ 3 ập đến đã thổi bay mọi hy vọng về cái gọi là “hồi phục” của nền kinh tế Nhật Bản. Ngày 7/1/2021, khi Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga buộc phải quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và ba tỉnh lân cận nhằm kiểm soát dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, cũng là lúc giới chuyên gia cảnh báo nền kinh tế Nhật Bản có thể sẽ đi theo mô hình chữ W, hay còn gọi là suy thoái kép.

Suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 đã đẩy nhiều người dân Nhật Bản vào u uất. (Ảnh KT)Trước đó, nhiều hoạt động kinh tế ngưng trệ đã khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản công bố báo cáo cho biết, tỷ lệ thất nghiệp trung bình năm 2020 của nước này tăng lên mức cao kỷ lục trong 11 năm qua là 2,8% với tổng số người lao động thất nghiệp là 19,1 triệu, tăng 290.000 người so với năm 2019. Từ trước khi tình trạng khẩn cấp được công bố, kinh tế Nhật Bản đã được dự báo giảm tốc trong quý I/2021 do các công ty giảm đầu tư và các hộ gia đình tiết kiệm nhiều hơn.

Những người trẻ tuổi ở Nhật Bản là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì tình trạng mất việc do đại dịch Covid-19. Và đây cũng chính là cội nguồn của tấn bi kịch đang làm đau đầu cả đất nước Mặt trời mọc.

Giới chuyên gia cho rằng tình trạng khẩn cấp sẽ làm tăng khả năng kinh tế Nhật Bản một lần nữa rơi vào tăng trưởng âm. Việc Chính phủ Nhật Bản quyết định lùi thời gian tổ chức các thế vận hội Thế vận hội (Olympic) và Thế vận hội dành cho người khuyết tật (Paralympic) 2020 sang năm 2021 do ảnh hưởng của dịch cũng gây không ít thiệt hại cho nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này. Trước đó, trong quý II/2020, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của nước Nhật Bản đã giảm tới 28,1% so với cùng kỳ năm trước đó. Đây là mức sụt giảm mạnh nhất trong vòng 40 năm qua. Mức sụt giảm mạnh nhất trước đó là 17,8%, xảy ra vào quý 1/2009 sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra do sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers (Mỹ) vào tháng 9/2008. Cũng theo dự báo của giới chuyên gia, GDP của Nhật Bản có thể giảm thêm 0,88 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái, và nền kinh tế Nhật Bản sẽ rơi vào đáy thứ 2.

Ông Tetsushi Sakamoto - Bộ trưởng chống cô đơn. (ảnh: KT)

"Chúng tôi sẽ thực hiện nhiều hoạt động để ngăn chặn sự cô đơn và cô lập trong xã hội, cũng như bảo vệ quan hệ giữa người với người".

Ông Tetsushi Sakamoto

Đến những con số chấn động lương tri

Suy giảm kinh tế như một lẽ đương nhiên luôn đi kèm, tạo nên những áp lực xã hội. Tháng 4/2020, Nhật Bản rơi vào tình trạng giảm phát lần đầu tiên trong hơn 3 năm. Thực trạng ấy cũng đưa tỷ lệ thất nghiệp tại Nhật Bản tăng lên 2,6%, mức cao nhất kể từ tháng 12/2017. Mọi sự tồi tệ không dừng lại ở đó. Ngày 28/1/2021, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Ban công bố báo có cho biết tỷ lệ thất nghiệp trung bình của Nhật Bản đã tăng lên mức cao kỷ lục trong 11 năm qua do ảnh hưởng của Covid-19 với tổng số người lao động thất nghiệp là 19.1 triệu người. Tỷ lệ tuyển dụng trung bình năm 2020 của Nhật Bản là 1,18, giảm 0,42 điểm so với năm 2019. Mức giảm này đã vượt qua thời điểm khủng hoảng kinh tế tài chính năm 2009 và đứng thứ ba trong lịch sử sau thời điểm cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1974 và 1950. Ông Toshihiro Nagahama, chuyên gia kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Daiichi, cho rằng năm 2021 này, GDP của Nhật Bản có thể sẽ giảm 2.800 tỷ yen và số người thất nghiệp có thể tăng thêm 147.000 người.

Điều đáng nói là những người trẻ tuổi ở Nhật Bản là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì tình trạng mất việc do đại dịch Covid-19 (tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm tuổi 15 - 24 là 5,1% trong tháng 12/2020, tăng 1,9 điểm so với một năm trước và là con số cao nhất trong tất cả các nhóm tuổi). Và đây cũng chính là cội nguồn của tấn bi kịch đang làm đau đầu cả đất nước Mặt trời mọc.

Thủ đô Tokyo, Nhật Bản, ngày 2/1/2021 (Ảnh: AFP/TTXVN)Tự tử liên tục được xếp trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Nhật Bản trong thập kỷ qua. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Nhật Bản từ lâu đã nằm trong nhóm những nước phải đối mặt với tình trạng có số vụ tự tử nhiều nhất thế giới. Năm 2016, Nhật Bản có tỷ lệ tử vong do tự tử là 18,5/100.000 người, chỉ đứng sau Hàn Quốc ở khu vực Tây Thái Bình Dương và gần gấp 3 lần mức trung bình toàn cầu hằng năm là 10,6/100.000 người. Nhưng Covid-19, với những hệ lụy khủng khiếp về mọi mặt kinh tế đời sống, đã đẩy con số ấy lên mức cao chưa từng có. Tờ Japan Times ngày 21/2/2021 dẫn thống kê của cảnh sát Nhật Bản cho biết số người chết do tự tử ở Nhật Bản tăng 3,7% lên 20.919 người, tăng 750 trường hợp so với năm trước và là lần tăng đầu tiên trong 11 năm qua. Trước đó, tháng 12/2020, các cơ quan chức năng Nhật Bản đã đưa ra con số thống kê số vụ tự tử trong 11 tháng đầu của năm 2020 đã lên tới 19.225 người, gần bằng con số 20.169 người của cả năm 2019.

Trong đó, như đã nói, phụ nữ và lớp người trẻ chiếm tỷ lệ đa số. Theo Giám đốc đại diện của Trung tâm xúc tiến các biện pháp đối phó với vấn đề tự tử Nhật Bản, Yasuyuki Shimizu, tỷ lệ tự tử ở nữ giới gia tăng do những yếu tố như các bệnh về tinh thần, những khó khăn tài chính và việc làm, trách nhiệm nuôi con và bạo lực gia đình - những vấn đề càng trở nên trầm trọng bởi đại dịch Covid-19, bởi thực trạng thất nghiệp.

Sứ mệnh nan giải của “Bộ trưởng chống cô đơn”

Có lẽ chỉ riêng tại xứ sở Mặt trời mọc, mới có danh xưng đặc biệt ấy cho một vị tư lệnh ngành. Nhưng điều đó chắn hẳn chẳng làm ông Tetsushi Sakamoto - người vừa được Thủ tướng Nhật Bản bổ nhiệm “Bộ trưởng Bộ cô đơn” - thấy hãnh diện và tự hào chút nào. Trái lại, còn khiến ông rất đỗi trầm tư. Bởi sứ mệnh đang đè lên vai ông, thật nặng nề.

Thực ra, nhìn lại thực tế lịch sử Nhật Bản sẽ thấy rõ một điều, tình trạng già hóa dân số, thiên tai và các thảm họa liên tiếp xảy đến đã khiến tình trạng cô độc ngày càng trở thành trạng thái phổ biến của người dân nước này. Báo chí nước này dẫn ví dụ như trận động đất Hanshin năm 1995, trận động đất và sóng thần Fukushima năm 2011 đã khiến nhiều người lớn tuổi phải chuyển vào sống trong các căn nhà tạm thời và sau đó qua đời mà không có ai bên cạnh. Đại dịch Covid-19 với yêu cầu giãn cách xã hội tối đa, rồi tình trạng thất nghiệp, sụt giảm thu nhập càng làm thực trạng cô đơn, đơn độc, né tránh tiếp xúc xã hội ngày thêm trầm trọng.

"Chúng tôi sẽ thực hiện nhiều hoạt động để ngăn chặn sự cô đơn và cô lập trong xã hội, cũng như bảo vệ quan hệ giữa người với người" - đó là những gì ông Tetsushi Sakamoto cam kết trong ngày nhậm chức. Nhưng giữa cam kết, hành động và thực tế là một khoảng cách không hề dễ lấp đầy./.

Hà Anh

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận