Nốt nhạc trầm trong cuộc chiến trường kỳ

Sự kiệt sức về thể chất mới chỉ là một phần trong những hệ lụy tồi tệ mà những người làm y tế phải đối mặt trong cuộc chiến chống Covid-19.

 

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhiều lần khẳng định “Đội ngũ y tá là xương sống, là cột trụ của bất kể hệ thống y tế nào”. Nhưng giờ đây, trong một cuộc chiến trường kỳ, không những chưa hẹn ngày kết thúc mà còn đang ngày một gian nan, “cột trụ” ấy, như cảnh báo đầy đau đớn của Hội đồng Y tá quốc tế, đang trong cảnh “chấn thương tâm lý hàng loạt", kiệt quệ cả về thể xác lẫn tâm thần.

Y tá tại Bệnh viện Aspirus Wausau. (Ảnh: wsaw.com)

Từ những xúc cảm khủng khiếp mang tên “tôi kiệt sức”

Kathryn - nữ y tá người Mỹ trong khu vực hồi sức tích cực tại Nashville, Tennesse đã thừa nhận đầy chua xót như thế trên trang Twitter của cô ngày 22/11/2020. "Mọi người không thấy những gì chúng tôi chứng kiến. Họ không đối diện thực tế hàng ngày. Họ không hiểu". Và như để chứng minh cho cái sự không hiểu ấy, nữ y tá đăng kèm bài viết hai bức ảnh của chính cô. Một bức chụp vào giữa tháng 4 khi Kathryn là một tân cử nhân, đầy tươi tắn, rạng rỡ. Một bức chụp vào trung tuần tháng 11 - thời điểm đánh dấu Kathryn trở thành “chiến binh” trong cuộc chiến chống Covid được tròn 6 tháng, một Kathryn không cười, có bọng mắt và vết hằn trên gò má. Hai bức ảnh, hai khoảnh khắc, hai sắc thái thôi cũng đủ cho thấy hệ lụy khủng khiếp mà đại dịch thế kỷ như Covid-19 đã ảnh hưởng đến Kathryn như thế nào.

Các y tá chuẩn bị thuốc cho bệnh nhân Covid-19 tại một bệnh viện ở Hà Lan. (Ảnh: AFP)

Nhưng Kathryn không phải là nữ y tá duy nhất buộc phải thốt lên ba từ “tôi kiệt sức”. Như chia sẻ của Lee Eun-joon, Y tá trưởng của Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul, một trong những  “tuyến đầu” điều trị bệnh nhân Covid-19 của Hàn Quốc, thì “tất cả nhân viên y tế đều đang phải chịu đựng sự mệt mỏi nghiêm trọng”. Thống kê mà You Myung-soon, giáo sư Khoa Y tế Công cộng của ĐH Quốc gia Seoul, thực hiện cũng đã cho thấy, 80% những người tham gia vào cuộc chiến chống Covid-19 đang bị mệt mỏi quá độ về cảm xúc.

Y tá người Indonesia Agriani cho biết, cô đã làm việc suốt ngày đêm, “rất mệt mỏi”. Alessia Bonari - nữ y tá trẻ người Italy, làm việc trong một bệnh viện ở thành phố Milan, cùng với việc chia sẻ trên Facebook bức ảnh về chính mình với gương mặt đầy những vết hằn bởi khẩu trang, đã thừa nhận không biết tự bao giờ cô trở nên rất sợ đi làm mỗi ngày. “Sợ vì khẩu trang có thể không bám chặt vào mặt hoặc tôi vô tình chạm vào người mình bằng găng tay bẩn. Tôi còn sợ kính sát tròng không bao phủ hết đôi mắt và có gì đó bám vào... Áo khoác bảo hộ khiến tôi đổ mồ hôi và một khi mặc nó vào, tôi không thể đi vệ sinh hoặc uống nước trong 6 giờ. Tôi rất mệt mỏi, giống như tất cả đồng nghiệp trong tình trạng tương tự nhiều tuần liền” - Alessia Bonari viết trên trang cá nhân.

Tới năm 2030, toàn cầu có thể bị thiếu hụt hơn 13 triệu y tá. (Ảnh: AP)

Một đồng nghiệp của Elena Pagliarini đang làm việc tại một bệnh viện ở Cremona - thành phố thuộc vùng Lombardy, “vùng trũng Covid-19” của Italy thì chia sẻ bức ảnh cô ngủ gục trên bàn sau nhiều giờ làm việc với dòng chữ: “Tôi nhìn thấy cô ấy và muốn ôm cô ấy, nhưng tôi biết mình nên để cô ngủ ngon và lưu giữ khoảnh khắc này”.

Kiệt sức là một thực tế hiện hữu, nhưng trường hợp y tá bị lây nhiễm Covid-19 khi thực hiện nhiệm vụ của mình cũng là một thực tế đớn đau khác. Mới đây, một y tá nam 45 tuổi ở bang California (Mỹ) cho biết, anh có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, sau khoảng một tuần tiêm vaccine Covid-19 của hãng dược Pfizer và BioNTech.

Từ đầu tháng 5/2020, khi cuộc chiến chống Covid-19 mới chỉ đi qua được hơn 4 tháng, Hội đồng Y tá quốc tế (ICN) đã đưa ra con số thống kê đầy choáng váng. Dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 260 y tá trên toàn cầu. Tháng 11/2020, Hội đồng Y tá Quốc tế ước tính ít nhất 1.500 y tá tại 44 quốc gia đã chết do Covid-19. Và đến nay, khi dịch đã như cơn sóng thần càn quét tàn phá khắp toàn cầu, con số này chắc chắn gia tăng gấp nhiều lần.

Nữ y tá Elena ngủ gục vì kiệt sức sau 10 giờ chiến đấu liên tục với Covid-19. (Ảnh: Nurse Times)

Nhưng sự kiệt sức về thể chất mới chỉ là một phần trong những hệ lụy tồi tệ mà các y tá nói riêng, những người làm y tế nói chung phải đối mặt trong cuộc chiến chống Covid-19. Đó còn là những cảm xúc tồi tệ, là sự bất lực trước sự ra đi đau đớn của các bệnh nhân Covid-19. Những ngày đầu năm 2021, mạng xã hội toàn cầu đã một phen chấn động trước clip được chia sẻ từ You Tube ghi lại hình ảnh nhiều y tá gần như ngã quỵ, thất thần khi chứng kiến bệnh nhân Covid-19 lần lượt ra đi. Nữ y tá người Mỹ Julia Trainor từng chia sẻ sự ám ảnh kinh hoàng khi bệnh viện có quá nhiều bệnh nhân rơi vào trạng thái nguy kịch, hấp hối khiến các y bác sĩ không thể xoay sở kịp, "khung cảnh như chiến trường". Hay như Jodi Doering, y tá phòng cấp cứu ở tiểu bang South Dakota, cũng có nỗi ám ảnh khủng khiếp không kém khi phải chứng kiến “người dân đổ bệnh theo cùng một cách, chết cùng một cách”. Thế nên, Hội đồng Y tá quốc tế có lẽ đã không hề quá lời khi ra tuyên bố khẳng định: Covid-19 gây "chấn thương tâm lý hàng loạt" cho nhân viên y tế trên khắp thế giới.

Từ đầu tháng 5/2020, khi cuộc chiến chống Covid-19 mới chỉ đi qua được hơn 4 tháng, Hội đồng Y tá quốc tế (ICN) đã đưa ra con số thống kê đầy choáng váng: Dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 260 y tá trên toàn cầu. Tháng 11/2020, Hội đồng Y tá Quốc tế ước tính ít nhất 1.500 y tá tại 44 quốc gia đã chết do Covid-19. Và đến nay, khi dịch đã như cơn sóng thần càn quét tàn phá khắp toàn cầu, con số này chắc chắn gia tăng gấp nhiều lần.

Đeo khẩu trang y tế chặt trong nhiều giờ đồng hồ khiến khuôn mặt nữ y tá tại Italy trầy xước. (Ảnh: Instagram/Alessia Bonari)

Tới nỗi âu lo hiện hữu của y tế toàn cầu

Sau hơn một năm xuất hiện, bùng phát từ mảnh đất châu Á, virus corona ẩn ấp dưới đại dịch mang tên Covid-19 đã càn quét, lấn lướt đến toàn bộ các châu lục trên trái đất này, không ngừng gia tăng độ nguy hiểm khi liên tục biến hóa dưới nhiều dáng vẻ mang tên “biến thể mới”. Bất chấp nỗ lực của nhân loại, số ca nhiễm và số người tử vong vì Covid-19 không ngừng tăng lên.

Từ thực tế ấy, áp lực đè nặng lên đội ngũ những người làm y tế nói chung, đội ngũ y tá toàn cầu nói riêng lại tiếp tục gia tăng. Từ cách đây gần một năm, khi đại dịch thế kỷ này mới ở “làn sóng lần thứ nhất”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus lên tiếng cảnh báo thế giới đang thiếu gần 6 triệu y tá để đối phó với đại dịch Covid-19. Theo báo cáo của WHO, thế giới hiện có chưa đến 28 triệu y tá, với số lượng tăng 4,7 triệu người trong giai đoạn 2013-2018. Tuy nhiên, trong bối cảnh số lượng bệnh nhân Covid-19 ngày càng tăng, phải cần thêm 5,9 triệu y tá mới đảm bảo nhu cầu, nhất là ở châu Phi, Đông Nam Á, Trung Đông và nhiều nơi ở Nam Mỹ.

Các nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19 tại một trung tâm y tế ở Italy. (Ảnh: AP)

Hội đồng Y tá quốc tế (ICN) phải ra cảnh báo, tới năm 2030, toàn cầu có thể bị thiếu hụt hơn 13 triệu y tá. Đến Philippines, một nước được biết đến như là "xưởng đào tạo và xuất khẩu" y tá số 1 thế giới, nay cũng phải đối mặt với sự thiếu hụt y tá. Tại Mỹ, giữa lúc đại dịch Covid-19 bùng phát, lãnh đạo các bệnh viện phải hối hả tìm kiếm thêm y tá, đặc biệt tại những cơ sở y tế nhỏ và vùng nông thôn. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, sự thiếu hụt này càng trở nên báo động bởi nỗi lo lây nhiễm và áp lực công việc đã trở nên quá ám ảnh với các y tá khiến họ nảy ra ý định chuyển hoặc nghỉ việc và “thay thế họ không phải chuyện dễ” - như lời Kevin Fitzpatrick, một y tá phòng cấp cứu thuộc Trung tâm Y tế Hurley, Mỹ. Trong khi đó, thật trớ trêu là, như lời Tổng giám đốc ICN Howard Catton, những nơi có quá ít y tá lại thường ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 cao hơn.

Thiếu hụt y tá đang thực sự là nốt trầm đáng tiếc trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 hứa hẹn còn gian truân, trường kỳ. Để bù đắp số lượng y tá, nhiều bệnh viện tại nước Mỹ đã đưa ra chiêu trò “giành giật y tá”, nào là mức lương hấp dẫn  từ 1.500-5.000USD/tuần, nào sẵn sàng thưởng 15.000USD cho y tá… Nhưng đó không phải là giải pháp để giải quyết vấn đề mà nói như WHO, đại dịch Covid-19 đã biến tình trạng thiếu y tá thành vấn nạn nhức nhối. Trong bối cảnh ấy, WHO kêu gọi tăng chỉ tiêu tốt nghiệp y tá hằng năm lên 8% và tạo nhiều cơ hội việc làm cho họ; cần chú trọng đào tạo các kỹ năng cần thiết trong mảng khoa học, công nghệ và xã hội học để nâng cao trình độ chuyên môn cũng như cải thiện điều kiện làm việc; cần chú trọng đến vai trò của đội ngũ y tá trong ngành y tế để thu hút thêm nhân lực vì có tới 90% y tá là nữ nhưng chỉ số ít nắm giữ chức vụ… Đó phải chăng là những “gợi ý” đáng để các quốc gia đang thiếu y tá để tâm?./.

Hà Anh

 

Bình luận

    Chưa có bình luận