"Chúng ta không thể nhanh chóng quay trở lại cuộc sống bình thường", "Cần có thời gian để sản xuất đủ liều vaccine, nên nhớ đây không phải là con số hàng triệu mà là hàng tỷ. Vì vậy chúng ta nên kiên nhẫn", những nhận định phát đi từ các đại diện, các nhà khoa học của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy dù hàng loạt quốc gia đã phê chuẩn và tiến hành tiêm vaccine ngừa Covid-19, nhưng chưa thể lạc quan về cuộc chiến chống dịch. Tất cả vẫn là hy vọng.
Những tin vui đầu tiên từ “chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử”
Từ “dấu mốc 2/12/2020” khi Anh trở thành nước đầu tiên trên thế giới phê duyệt lưu hành vaccine phòng ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 và cụ bà 90 tuổi Margaret Keenan trở thành người Anh đầu tiên được tiêm vaccine ngừa Covid-19, hành trình mang vaccine Covid đến với người dân toàn cầu hay còn gọi là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử, đã liên tục có những bước biến chuyển đáng ngạc nhiên. Ngày 20/12, nghĩa là gần 3 tuần sau dấu mốc ấy, Hãng tin Bloomberg đăng kết quả thống kê cho biết: "Những liều vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên đã được tiêm cho hơn 1,8 triệu người ở 5 quốc gia”. Một tuần sau đó, cũng từ số liệu của Bloomberg, tính tới 18h45 ngày 28/12 (theo giờ Việt Nam), hơn 4,4 triệu người tại 9 quốc gia đã được tiêm vaccine Covid-19.
Tuy nhiên, theo thống kê ngày 3/1, Israel chứ không phải là Anh hay Mỹ, mới là quốc gia dẫn đầu trên thế giới về tỷ lệ người dân được tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19. Chỉ trong đợt 1, 20% dân số Israel đã được hoàn tất tiêm chủng và dự tính theo “mục tiêu 200.000/người/ngày” thì con số người dân Israel được tiêm phòng chắc chắn sẽ khiến thế giới ngạc nhiên. Đứng thứ hai là Bahrain tỷ lệ 3,49%, tiếp đến là Anh 1,47%. Mỹ, Trung Quốc và Anh là những nước đặt mua vaccine với số lượng rất lớn, nhưng tỷ lệ tiêm phòng tại các nước này vẫn thấp, chỉ đạt 0,84% ở Mỹ, 0,31% ở Trung Quốc và 1,47% ở Anh.
Một ngạc nhiên đến ngỡ ngàng khác là cộng hòa Palau, một quốc đảo rất nhỏ bé, chỉ có 18.000 dân tại Thái Bình Dương, nơi cho tới thời điểm này không có ca nhiễm Covid-19 nào, nhưng đã trở thành quốc gia đầu tiên tuyên bố hoàn tất chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19. Ngày 3/1, quốc đảo nào tiếp nhận vaccine Moderna của Mỹ và chỉ 2 ngày sau, toàn bộ 18.000 dân được tiêm chủng.
Ấn Độ không dư dả cũng không sở hữu hệ thống chăm sóc y tế hoàn hảo như Israel, nhưng là một trong số rất ít quốc gia đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là sẽ tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho 300 triệu người trong tổng số 1,35 tỷ dân, thời gian trong 6 - 8 tháng năm nay. Ấn Độ hiện có lẽ là quốc gia duy nhất có tới 4 loại vaccine Covid-19 được phê chuẩn và sẵn sàng sử dụng.
Điều đau xót nhất là từ “thảm họa vaccine Covid-19” ấy sẽ khiến người ta liên tưởng và nhận diện tới một thảm họa đang hiện hữu khác, “thảm họa của lòng tham và sự bất bình đẳng”. |
Và những lực cản, nghịch lý trào nước mắt
Tính tới ngày 12/1, theo thống kê chưa đầy đủ, trên toàn thế giới đã có hơn 40 nước bắt đầu tiêm vaccine Covid-19 cho người dân. Số vaccine được phê chuẩn ngày càng nhiều hơn, trong đó có vaccine của Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca và các vaccine được phát triển tại Nga và Trung Quốc. Cố vấn cấp cao của WHO cho biết cơ quan y tế của Liên hiệp quốc kỳ vọng có thể bắt đầu tiêm vaccine Covid-19 tại các nước nghèo từ tháng 2/2021.
Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là kỳ vọng của những người làm công tác y tế. Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử đến nay đã, đang vấp phải những lực cản không khó để nhận diện nhưng lại rất khó có lời giải. Từ rất sớm, WHO và LHQ đã dự báo rất trúng tình hình khi đề ra ngay lập tức sáng kiện “Thuận lợi tiếp cận vaccine phòng dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trên phạm vi toàn cầu (gọi tắt là COVAX), hay “sáng kiến COVAX” nhằm bảo đảm quyền tiếp cận công bằng và bình đẳng đối với vaccine Covid-19 khi nó được phát triển, rằng “càng nhiều quốc gia tham gia vào sáng kiến COVAX, càng có nhiều cơ hội để triển khai vaccine càng nhanh càng tốt, càng công bằng càng tốt, để giảm nguy cơ các bệnh nhân Covid-19 nặng trên toàn cầu”.
Tuy nhiên, tới thời điểm này, khi số lượng quốc gia tham gia “sáng kiến COVAX” đã ngấp nghé con số 200, “sáng kiến COVAX” với sự hỗ trợ của WHO, liên minh vaccine GAVI và Liên minh các sáng kiến dự phòng ứng phó đại dịch (CEPI) đã huy động được 6 tỷ USD và đặt mua được 2 tỷ liều vaccine Covid-19, cộng thêm với các lựa chọn được mua thêm 1 tỷ liều khác, thì mục tiêu “bảo đảm quyền tiếp cận công bằng và bình đẳng đối với vaccine Covid-19” vẫn chưa thể đạt được. Bởi có tiền chưa chắc đã mua được vaccine Covid-19. Theo điều tra, các quốc gia giàu có ngay từ rất sớm đã không ngần ngại tung ra hàng tỷ USD để mua vaccine từ cách đó nhiều tháng và cất trữ. Thậm chí, như tiết lộ của Liên minh vaccine nhân dân (PVA), một cơ quan giám sát vaccine quốc tế, các quốc gia giàu có thậm chí đã mua đủ liều vaccine để chủng ngừa cho… 3 lần lượng dân số. Thế nên, tới nay hầu như tất cả những nơi đã tiêm vaccine Covid-19 đều là những nước có thu nhập cao hoặc trung bình, và kể cả khi “sáng kiến COVAX” được hoàn tất thì gần 70 quốc gia nghèo khó cũng chỉ đủ khả năng tiêm chủng khoảng 1/10 dân số cho đến hết năm 2021 (?).
Sẽ không xảy ra miễn dịch cộng đồng trong năm nay
Thông tin chẳng mấy ai muốn đón đợi ấy vừa được Trưởng ban khoa học của WHO - Tiến sĩ Soumya Swaminathan đưa ra trong cuộc họp báo ngày 11/1/2021. “Ngay cả khi chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 được triển khai để bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, chúng ta sẽ không đạt được mức độ miễn dịch cộng đồng nào vào năm 2021 trên quy mô toàn cầu".
Các loại vaccine Covid-19 dù được chứng minh hiệu quả cao đến đâu nhưng nếu tất cả người dân trên khắp các quốc gia trên hành tinh này không được tiếp cận thì hiệu quả không những không đạt được mà có thể sẽ là "thảm họa". |
Trong muôn vạn tác nhân để có thể dẫn đến nhận định đáng buồn ấy: sự xuất hiện của virus corona chủng mới, sự lơ là, lãng quên các biện pháp giãn cách xã hội… thì câu chuyện phân phối, tiếp cận vaccine là một tác nhân căn bản. Bởi một thực tế đã được các nhà khoa học cảnh báo từ rất sớm, vaccine Covid-19 dù được chứng minh hiệu quả cao đến đâu nhưng nếu tất cả người dân trên khắp các quốc gia trên hành tinh này không được tiếp cận thì hiệu quả không những không đạt được mà có thể sẽ là "thảm họa". "Trừ khi tất cả mọi người được bảo vệ, bằng không sẽ không ai được an toàn" - các chuyên gia y tế hàng đầu cùng chung nhận định.
Nếu dịch bệnh không được kiểm soát trên toàn cầu, nguy cơ dịch tái bùng phát là khó tránh và thảm họa, lúc ấy, thực sự là khó đo đếm. Nhưng trên hết, điều đau xót nhất là từ “thảm họa vaccine Covid-19” ấy sẽ khiến người ta liên tưởng và nhận diện tới một thảm họa đang hiện hữu khác, “thảm họa của lòng tham và sự bất bình đẳng”. Nói vậy không quá lời, như nhận định của người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi John Nkengasong: "Thật thiếu bình đẳng nếu một số quốc gia thừa mứa vaccine, trong khi một số khu vực khác trên thế giới hoàn toàn không có liều vaccine nào". Hay nói một cách khác, lòng tham đã lấn át lòng nhân.
Vì thế, nếu có điều gì để hy vọng trong thời khắc đầu năm mới này, chỉ có thể là mong đợi sự nhân ái, từ tâm, sự “nghĩ cho nhau, cho đại cục”. Nhưng thực sự, mong mỏi ấy rất khó trở thành hiện thực. Vẫn cứ phải hy vọng và chỉ có thể hy vọng mà thôi./.
Hà Anh