“Giáng sinh năm nay sẽ khác, rất khác” - đó là cách Thủ tướng Anh Boris Johnson “nhắn nhủ” với dân chúng trước những lo âu, phiền muộn khi biến thể virus corona mang tên VUI-202012/01 ập tới nước Anh. Còn với dân chúng toàn cầu, nhất là các công dân tại Mỹ và lục địa già, đại dịch Covid-19 đã biến Noel 2020 trở thành kỳ Giáng sinh đặc biệt nhất trong lịch sử nhân loại.
Từ “kỳ Giáng sinh rất khác” của xứ sở sương mù
"Giáng sinh năm nay sẽ khác, rất khác. Chúng ta đang phải hy sinh cơ hội được gặp những người thân yêu của chúng ta, để có cơ hội tốt hơn nhằm bảo vệ mạng sống của họ, để chúng ta có thể gặp họ vào các Giáng sinh trong tương lai" - với người dân Anh những ngày này, những lời nói của vị đương kim thủ tướng dường như chỉ mang tính chất “trấn an” trong chốc lát.
Bởi thực sự, cái sự rất khác ấy, theo nhiều người Anh, nếu gọi tên một cách thẳng thừng, chân xác, thì đó là kỳ Giáng sinh buồn thảm nhất trong lịch sử xứ sở này, có lẽ buồn thảm hơn cả thời hai cuộc thế chiến. Thực ra, trước ngày 14/12, ngày Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock lên tiếng thừa nhận các nhà khoa học nước này phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 với tên gọi VUI/202012/01 có tỷ lệ lây nhiễm nhanh hơn 70% - việc “bóng ma” Covid-19 vẫn bao phủ khắp nước Anh và châu Âu cũng đã khiến người dân Anh chẳng dám mơ đến Giáng sinh, đón năm mới tưng bừng như những năm trước. Hồi tháng 11, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cũng đã cảnh báo lễ Giáng sinh năm nay sẽ không “bình thường” do tình hình virus SARS-CoV-2.
Nhưng, thực sự, “tuyên bố VUI/202012/01” đã đẩy mọi mong đợi đến giới hạn cuối cùng của sự ảm đạm. Việc nước Anh ngày 16/2 phải khẩn cấp nâng giãn cách xã hội lên cấp độ 3, thậm chí một cấp độ mới (cấp 4) đã được ban hành cho London và khu vực miền Đông Nam, việc chính phủ Anh khuyến cáo mọi người không nên di chuyển đến các khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội cấp độ cao nhất và ngược lại, nhất là việc có đến 40 quốc gia dừng các chuyến bay, thắt chặt đường bộ, đường biển, thậm chí đóng cửa với Anh vì e sợ sự xâm nhập của biến thể của virus SARS-CoV-2, đã phá nát mọi kế hoạch về kỳ nghỉ Giáng sinh của người Anh. Những con phố trung tâm thủ đô London vốn thường ngày đông đúc là thế nên trở nên vắng lặng. Theo lênh phong tỏa mới, khoảng hơn 20 triệu người Anh phải đón Giáng sinh ở nhà, không được thăm viếng nhau, không được tụ tập trong các lễ hội đón Noel và năm mới đông người. Một người Anh từng chua chát thốt lên: nước Anh giờ đây gọi là “Đảo dịch hạch” (lấy lại cái tên “đảo châu báu xưa kia hay được dùng gọi cho xứ sở sương mù) có lẽ chẳng hề sai chút nào.
Tới kỳ Noel đặc biệt, chưa từng có tiền lệ
Hai cuộc thế chiến, thiên tai… có lẽ cũng đã tạo ra nhiều kỳ nghỉ Giáng sinh và đón năm mới khác biệt. Nhưng có lẽ, phải đến “tác nhân Covid-19”, nhân loại mới có một kỳ Giáng sinh đặc biệt đến thế khi trong thời bình, không thiên tai, không địch họa, không ốm đau, mà người dân nhiều nơi vẫn bị tước đi quyền hòa mình trong các lễ hội đông người, người xa quê không thể trở về nhà, người mê du lịch phải gác lại ước mơ du ngoạn khám phá trong kỳ nghỉ dài nhất trong năm. Ở những nơi được xem là “ít nguy cơ nhất với Covid”, người dân vẫn được Chính phủ khuyến cáo hạn chế đi lại, đặc biệt ra nước ngoài, mà nếu cố đi họ sẽ lại lửng lơ trước mắt “án cách ly” ít nhất 14 ngày, chưa nói đến nguy cơ nhiễm bệnh hiện hữu và xuất trình kết quả xét nghiệm Covid-19 khá phức tạp.
Không chỉ tại nước Anh, lệnh hạn chế đi lại giữa các địa phương đã làm đổ bể các kế hoạch du lịch Giáng sinh của người dân Australia. Với người dân Italy, kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới coi như cũng tan thành mây khói khi Thủ tướng Giuseppe Conte công bố các biện pháp siết chặt hơn nữa hoạt động đi lại, khuyến cáo hạn chế tối đa tụ tập, từ ngày 24/12 đến 6/1/2021- nghĩa là trọn vẹn một kỳ nghỉ. Với người dân Áo, tình cảnh cũng chẳng khá khẩm hơn bao nhiêu nước này sẽ phong tỏa lần 3 kéo dài từ sau lễ Giáng sinh đến hết ngày 18/1/2021. Người dân Đan Mạch cũng không thể làm gì hơn ngoài việc ngồi nhà trong những ngày lễ, bởi Thủ tướng Mette Frederiksen đã tuyên bố nước này sẽ đóng các cửa hàng và trung tâm thương mại trong dịp nghỉ lễ. Với những quốc gia được xem là ít nguy cơ hơn với Covid, người dân đều được khuyến cáo đeo khẩu trang khi đón Giáng sinh và năm mới với gia đình… đó thực sự là những việc chưa từng có tiền lệ.
Nụ hôn vội và những kỳ vọng không thể cản
Chỉ ít ngày nữa tiếng chuông Giáng sinh sẽ điểm và một năm mới sẽ sắp bắt đầu, ngày 19/12 hãng tin Reuters phát đi một tấm ảnh ấn tượng: một cặp đôi trao nhau nụ hôn vội vã nhưng đắm say tại trung tâm mua sắm của thành phố Milan (Italy) ngày 18/12. Gọi là nụ hôn vội vì chính quyền nước này đang chuẩn bị áp dụng các biện pháp hạn chế tiếp xúc vào đúng dịp Giáng sinh. Chỉ một nụ hôn thôi cũng đủ thấy sự đặc biệt chưa từng có tiền lệ của kỳ Giáng sinh năm nay, nhưng cũng cho thấy trong hoàn cảnh khắc nghiệt thế nào thì tình yêu, hy vọng luôn luôn là thứ không gì có thể dập tắt.
Nói vậy bởi trên các đường phố châu Âu - “vùng trũng” của Covid-19 những ngày này, dù vắng bóng người nhưng những cây thông vẫn được dựng lên, trang hoàng rực rỡ. Các cửa hàng, các khu chợ giáng sinh, dù vắng tanh vắng ngắt, vẫn được mở ra, đèn hoa nhấp nháy. Nhiều nơi để tạo dấu ấn mùa Covid còn lấy khẩu trang làm vật trang trí treo trên các cây thông. Với những ai, hiếm hoi có cơ hội được qua những khu chợ, con phố, cửa hàng ấy mua sắm, thì cũng thật khác những mùa giáng sinh khác, phải đeo khẩu trang thậm chí là… màng chắn giọt bắn. Năm nay, có lẽ sẽ có ít ông già Noel đi phát quà trực tiếp nữa. Thay vào đó, nhiều nơi đã tính tới chuyện ông già Noel trò chuyện, giao lưu… trực tuyến với các em. Còn với những nơi bắt buộc phải có sự xuất hiện của ông già Noel, trước khi xuất hành ông già Noel phải đeo khẩu trang đỏ rực, thậm chí đeo tấm màng chắn giọt bắn và được kiểm tra thân nhiệt kỹ càng…
Mọi vật vẫn cố gắng được giữ cho đẹp, rực rỡ, bình yên nhất có thể… chỉ có điều không còn sự đông đúc, náo nhiệt, ồn ã vốn có. Mọi phong tục sẽ vẫn được nỗ lực duy trì dù không thể kỹ càng như ngày thường không có dịch… Dễ thấy, người dân thế giới, nhất là người dân châu Âu và Mỹ, đang nỗ lực để vẫn có cho mình một kỳ Giáng sinh, năm mới ấm áp, đảm bảo an toàn. Chẳng ai có thể cấm cản họ có cho mình những kỳ vọng vào một năm mới sáng sủa, tươi vui, nhẹ nhõm hơn một năm đầy giông bão đã qua./.
Hà Anh