'Nhân vật nhí của năm' Gitanjali Rao: Sống là để truyền cảm hứng…

Cô bé Gitanjali Rao đã được chọn từ hơn 5.000 đề cử trên khắp thế giới, với độ tuổi từ 8 đến 16, cho danh hiệu 'Nhân vật nhí của năm' đầu tiên này.

 

"Mục tiêu của cháu đã thực sự thay đổi, không chỉ từ việc tạo ra các thiết bị của riêng cháu để giải quyết các vấn đề của thế giới, mà còn truyền cảm hứng cho những người khác cũng làm như vậy" - tác giả của câu nói “rất người lớn” ấy là chủ nhân đầu tiên của danh hiệu “Nhân vật nhí của năm” do tạp chí Time bình chọn.

Nhưng thực sự, những điều Gitanjali Rao đã làm được thì không dễ một người lớn nào, chưa nói đến những chàng trai, cô bé tuổi 15 như em, cũng có thể làm được, cho dù đó chính là nguồn cảm hứng mà cô bé được mệnh danh là nhà khoa học trẻ hàng đầu nước Mỹ đang muốn truyền đến cho những người xung quanh. 

Gitanjali Rao trong phòng thí nghiệm ở Denver. (Ảnh: Michael Sakas/CPR News)

Phát minh từ tuổi… mẫu giáo

“Tài không đợi tuổi” - câu nói ấy thực sự chính xác nếu áp vào trường hợp của Gitanjali Rao. “Nhà phát minh 12 tuổi thắng giải 25.000 USD” cách đây gần 4 năm - những dòng tít đại loại như vậy đã xuất hiện dày đặc trên hàng loạt mặt báo và thu hút sự chú ý đặc biệt của độc giả. Thời điểm đó, Gitanjali Rao, với việc phát minh ra Tethys - một thiết bị in 3D có gắn những ống nano carbon và một ứng dụng trên thiết bị di động để kiểm tra nước có bị nhiễm chì hay không chỉ trong 10 giây đã mang về cho cô bé người Mỹ gốc Ấn Độ mới chớm tuổi 12 giải nhất cuộc thi “Thách thức nhà khoa học trẻ” (YSC) do kênh khoa học Discovery Education và Công ty công nghệ 3M (Mỹ) tổ chức cùng danh hiệu "Nhà khoa học trẻ tuổi hàng đầu nước Mỹ" và số tiền thưởng 25.000 USD. Điều rất ấn tượng và thu hút trong phát minh của Gitanjali Rao là tính thực tế rất cao.

Để thấy rõ giá trị của Tethys, thiết nghĩ chúng ta nên quay lại thời điểm 2016-2017 khi cuộc khủng hoảng nước nhiễm chì tại thành phố Flint, bang Michigan gây xôn xao dư luận Mỹ. Những xôn xao ấy đã khiến “cô bé đầy những suy nghĩ người lớn” Gitanjali Rao trăn trở khôn nguôi, thôi thúc cô bé tìm cách giải quyết. Ý tưởng đến với em sau lần đọc được bài báo về các cảm biến ống nano carbon, những cảm biến hóa học ở cấp độ nguyên tử trên trang web của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Bài báo có nói tới tác dụng của việc sử dụng loại cảm biến này để phát hiện các loại khí độc hại và em nghĩ tại sao không thử dùng nó để phát hiện chì trong nước.

Cô bé Gitanjali Rao và thiết bị cảm biến Tethys. (Ảnh: FAST COMPANY)Từ những manh mối ban đầu ấy, Tethys đã được Gitanjali Rao khai sinh và ngay lập tức thu hút sự chú ý lớn bởi tính ứng dụng rất cao. Bởi theo nhiều khảo sát, vùng Flint, bang Michigan không phải là nơi duy nhất bị nhiễm chì. Nhiều nơi khác cũng gặp phải vấn đề ô nhiễm.

Thêm vào đó, Tethys còn rất dễ đưa vào ứng dụng khi được trang bị kết nối không dây bluetooth để gửi kết quả tới smartphone. Gần như ngay sau khi được nhúng xuống nước, thiết bị sẽ gửi kết quả tới điện thoại thông minh, hiển thị cho người dùng biết nước có an toàn hay kém chất lượng. Phần nhúng vào nước của cảm biến Tethys sẽ phải thay mới, phần còn lại có thể tái sử dụng được và giá của bộ cảm biến này chỉ khoảng 20 USD, hoặc ít hơn nếu được sản xuất hàng loạt.

Nhưng sẽ là điều ngạc nhiên cho rất nhiều người nếu biết rằng, Tethys chẳng phải là phát minh đầu tiên của cô bé 12 tuổi ấy. Ở tuổi 12, cô bé đã được ghi nhận là chủ nhân của 8 phát minh. Trước Tethys, cô bé con được biết tới khi phát minh ra thiết bị có tên Epione chống lại khủng hoảng thuốc giảm đau có tính chất gây nghiện (nhóm opioid) ở giai đoạn đầu. Thiết bị sử dụng trí tuệ nhân tạo, được thiết kế cho cả bác sĩ và bệnh nhân sử dụng để chẩn đoán chứng nghiện chất dạng thuốc phiện ở giai đoạn đầu và theo dõi các triệu chứng nghiện và lạm dụng; phát minh ra ứng dụng Kindly, nhờ vào chương trình trí thông minh nhân tạo có thể lần ra những ngôn từ gây tổn thương hoặc có hại trước khi kẻ bắt nạt gửi đi thông điệp ác ý. Ấn tượng nhất là những khẳng định từ gia đình và thầy cô giáo của Gitanjali Rao là cô bé đã bắt đầu phát minh từ hồi... còn học mẫu giáo.

Không sợ thất bại

"Điều tuyệt vời mà tôi thích nhất ở em là không hề sợ thất bại" - cách đây 4 năm, cô giáo của Gitanjali Rao đã nói về cô học trò của mình như vậy và đến giờ này, tâm thế ấy vẫn được giữ trọn vẹn trong Gitanjali Rao. Cũng chính bởi “không sợ thất bại” nên Gitanjali Rao luôn luôn hướng về phía trước, tự đặt cho mình những nấc thang mới để vượt qua.

Sau những thành công, cô bé Gitanjali Rao lại tiếp tục đưa mình vào những nghiên cứu mới, bởi với cô bé “còn rất nhiều vấn đề trong xã hội đang cần được giải quyết”. “Tôi muốn mang đến nụ cười cho ai đó, thế là tôi bắt đầu làm điều đó thông qua khoa học công nghệ… Tôi vận dụng chuyên môn của mình trong lĩnh vực này với hy vọng có thể giải quyết những vấn đề thực sự đang tồn tại trên thế giới, nhằm thay đổi xã hội” - Gitanjali Rao trải lòng một cách “rất người lớn”.

Năm 2020 là năm đầu tiên Tạp chí Time công bố danh hiệu “Nhân vật nhí của năm” vinh danh những đóng góp tích cực của thế hệ trẻ cho thế giới ngày nay. Cô bé Gitanjali Rao đã được chọn từ hơn 5.000 đề cử trên khắp thế giới, với độ tuổi từ 8 đến 16, cho danh hiệu đầu tiên này. Năm ngoái, Time cũng đã vinh danh người trẻ khi lựa chọn nhà hoạt động vì môi trường và khí hậu Greta Thunberg là Nhân vật của năm ở tuổi 16.

Gitanjali Rao. (Ảnh: Time)“Thay đổi xã hội” - mục tiêu ấy, với nhiều người lớn, còn là cái gì đó quá đỗi tham vọng. Nhưng, dường như với Gitanjali Rao, việc gì khó đều hoàn toàn có thể đạt được miễn là mỗi người trong chúng ta có thực sự mong muốn nỗ lực để biến ước mơ, tham vọng ấy của mình trở thành hiện thực hay không. Điều quan trọng với Gitanjali Rao, hơn cả những phát minh, là mong muốn truyền được cảm hứng, tâm thế sống của mình tới người khác. “Em trông không giống một hình mẫu nhà khoa học trong mắt mọi người. Những gì em thấy trên truyền hình thì nhà khoa học là những người đàn ông lớn tuổi, thường là người da trắng. Mục tiêu của em đã thực sự thay đổi. Không chỉ từ chuyện tạo ra các thiết bị của riêng mình để giải quyết những vấn đề của thế giới, em còn muốn truyền cảm hứng cho người khác” - như cách Gitanjali Rao chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với nữ diễn viên nổi tiếng Hollywood và là nhà hoạt động nhân đạo Angelina Jolie. Trong đó, cảm hứng lớn nhất mà cô bé muốn truyền tải ngay lúc này là: “Những gì nếu em làm được, mọi người cũng làm được, bất kỳ ai cũng làm được”./.

Hà Anh

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận