Giấc mơ dang dở hay nỗi hổ thẹn của nước Mỹ

Xu hướng tôn sùng chủ nghĩa "da trắng thượng đẳng" đang đẩy nước Mỹ vào những thách thức nan giải chưa từng có.

 

Nước Mỹ kiêu hãnh chẳng thể phủ nhận rằng, rất nhiều năm rồi chưa thể vượt qua cơn ác mộng dai dẳng mang tên “chủ nghĩa da trắng thượng đẳng”. Chính cái cụm từ 6 chữ đầy mỹ miều ấy đã đẩy xứ sở cờ hoa từ niềm tự hào về một đất nước đa sắc tộc vào những thách thức nan giải chưa tìm được lối ra.

Từ cái chết tức tưởi của “người khổng lồ hiền lành”

Không phải ngẫu nhiên mà cùng với đại dịch Covid-19, "Mạng người da màu quan trọng" hay “Black Lives Matter” đã là hai từ khóa dẫn đầu trong danh sách những từ khóa “nóng” nhất năm 2020 trên Twitter, và đau đớn cho nước Mỹ, đó cũng chính là hai từ khóa làm xứ sở cờ hoa hổ thẹn hơn cả trong năm 2020 vừa qua.

Các cuộc biểu tình bạo lực xung quanh cái chết của George Floyd nổ ra trên khắp nước Mỹ. (Ảnh: Reuters)"Mạng người da màu quan trọng" - không phải vô cớ mà điệp khúc ấy được nhắc đi nhắc lại tại nước Mỹ trong suốt năm 2020 và cũng không phải vô cớ khiến người Mỹ phẫn nộ đến thế. Mọi nguồn cơn bắt nguồn từ cái chết của một người đàn ông da đen mà ngay từ cái biệt danh “người khổng lồ hiền lành” anh ta mang, cũng đủ gợi nên đầy những xúc cảm. Trong video được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội, người ta đã chứng kiến trọn vẹn khoảnh khắc “người khổng lồ hiền lành” đã đi đến cái chết tức tưởi như thế nào.

Chỉ trong 8 phút, người đàn ông tên George Floyd, 46 tuổi, cao trên 1m9, đã bị một cảnh sát da trắng tên Derek Chauvin, với sự hỗ trợ của 3 cảnh sát khác, ghì rất mạnh đầu gối vào cổ. 8 phút ấy, George Floyd đã liên tục cầu xin, nói mình không thể thở được (Please, I Can’t Breathe) nhưng viên cảnh sát vẫn giữ nguyên tư thế đến khi Floyd bất tỉnh và sau đó tử vong tại bệnh viện.

Cái chết tức tưởi của một con người yếu thế đã khiến rất nhanh ngay đó, phong trào “Black Lives Matter”(Mạng sống của người da màu cũng có ý nghĩa) cũng như ngọn lửa của phong trào chống phân biệt chủng tộc vốn âm ỉ trong lòng xứ cờ hoa đã bùng lên đẩy nước Mỹ vào tình thế của một “Hỏa Diệm Sơn” với bừng bừng những tức giận, cháy rát. Hàng loạt cuộc biểu tình, rồi biến tướng thành bạo loạn bùng nổ từ thành phố Minneapolis, càn quét qua các thành phố lớn của nước Mỹ, rồi lan rộng ra khắp các châu lục.

Xu hướng tôn sùng chủ nghĩa "da trắng thượng đẳng" đang đẩy nước Mỹ vào những thách thức nan giải chưa từng có.

“Cọng rơm cuối cùng làm bùng phát ngọn lửa giận dữ”

Nhà hoạt động Roberts đã nói như vậy về cái chết của George Floyd. Cái chết ấy đã thổi bùng ngọn lửa giận dữ cùng sự bất bình với nạn phân biệt chủng tộc xảy ra trong quá khứ và âm ỉ trong lòng nước Mỹ. Nhưng, chừng ấy là chưa đủ. Như nhận định của tờ Washington Post, cái chết của George Floyd là lời đòi hỏi đanh thép, yêu cầu nhà cầm quyền phải nhanh chóng, không chỉ giải quyết vấn đề chính sách đối với cộng đồng thiểu số mà xa hơn là phải ngay lập tức xóa bỏ bất bình đẳng và phân biệt chủng tộc.

Người biểu tình tuần hành tại Minneapolis, Minnesota (Mỹ) ngày 29/5/2020, bày tỏ phẫn nộ trước cái chết của người da màu George Floyd. (Ảnh: AFP/TTXVN)Nhưng đòi hỏi ấy, thực sự là điệp vụ không dễ dàng, với tất cả các “vương triều” Tổng thống Mỹ, chẳng cứ gì nhiệm kỳ của tổng thống tỷ phú Donald Trump. Nước Mỹ là quốc gia đa sắc tộc, gồm cả da trắng, da màu, da đỏ, người gốc Á da vàng, chưa kể một tỷ lệ lớn người Mỹ Latinh. Nhưng, chua chát thay, nước Mỹ cũng là nơi mà hận thù sắc tộc, phân biệt chủng tộc hay “chủ nghĩa thượng đẳng da trắng” tồn tại sớm nhất, dai dẳng nhất.

Theo nhiều tài liệu, hận thù sắc tộc, phân biệt chủng tộc hay “chủ nghĩa thượng đẳng da trắng” hiện diện tại quốc gia này từ thời thuộc địa khi người Mỹ gốc châu Âu da trắng giàu có theo đạo Tin lành được hưởng các đặc quyền trong các vấn đề giáo dục, nhập cư, quyền bầu cử, quyền công dân, thu hồi đất và thủ tục hình sự trong suốt lịch sử Mỹ. Thậm chí, việc phân biệt đối xử với người gốc Á đã từng được luật hóa trong đạo luật 1875 (Page Act of 1875) và đạo luật Loại trừ người Trung Quốc 1882 (Chinese Exclusion Act of 1882). Chừng ấy năm tháng, bất chấp những biến thiên trong tiến trình lịch sử, người da màu vẫn thuộc nhóm “bên lề xã hội” bất chấp họ đã có những đóng góp đáng kể đến mức nào. Trong ý nghĩa đã đi vào tiềm thức của người Mỹ da trắng, các chủng tộc khác, dù sống ở Mỹ bao nhiêu năm, vẫn là chủng tộc ngoại lai. Sự phân biệt chủng tộc mang tính hệ thống tồn tại ở nhiều nơi trên đất Mỹ: từ trường học, công sở, tòa án, cho đến cảnh sát. Các vị trí càng quan trọng như giám đốc điều hành các tập đoàn lớn hay quan chức cấp cao trong Chính phủ càng ít người da màu. Theo số liệu khảo sát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) năm 2013 về tỷ lệ sở hữu của cải trong xã hội thì người Mỹ da trắng nắm tới 90% tài sản của nước Mỹ, người Mỹ Latinh nắm giữ 2,3% và người Mỹ gốc Phi nắm giữ 2,6%.

Đau đớn hơn nữa, sự định kiến, kỳ thị đã không chỉ là lời nói, là địa vị xã hội mà còn lấy đi cả máu và nước mắt của người da màu. Theo thống kê của báo chí Mỹ, cảnh sát Minneapolis sử dụng vũ lục với người da màu nhiều gấp 7 lần so với người da trắng; người Mỹ gốc Phi có khả năng bị cảnh sát gây thương vong cao gấp 2,5 lần so với người da trắng. Từ sau vụ khủng bố 11/9/2001, những kẻ mang tư tưởng phân biệt chủng tộc và những kẻ cực hữu bị coi là thủ phạm gây ra số vụ tấn công trên đất Mỹ nhiều gấp gần ba lần so với khủng bố Hồi giáo. Từ năm 2009 - 2018, các phần tử này đã gây ra 73% trường hợp tử vong liên quan đến các vụ sát hại.

Thực sự, xu hướng tôn sùng chủ nghĩa "da trắng thượng đẳng" đang đẩy nước Mỹ vào những thách thức nan giải chưa từng có. 5 năm trở lại đây, hàng loạt chính sách cứng rắn nhằm vào người nhập cư hay người Hồi giáo của ông Donald Trump càng đẩy mọi sự vào đường hầm bế tắc.

Martin Luther King với bài diễn văn bất hủ “I have a dream” (tạm dịch là “Tôi có một giấc mơ”) ngay tại Đài tưởng niệm Lincoln ở Thủ đô Washington D.C. (Ảnh: Agence France Presse/Getty Images)Luther King - giấc mơ mãi dang dở?

Trước thực tế đau đớn ấy, sẽ có ai đó bật lên câu hỏi, rằng: lẽ nào nước Mỹ vô cảm, lẽ nào lương tri nước Mỹ đã ngủ yên? Thực sự, nước Mỹ không vô cảm, lương tri của rất nhiều người Mỹ đã được đánh thức. Bằng chứng là sự trỗi dậy của phong trào “Black Lives Matter”. Người dân Mỹ đã xuống đường, đã biểu tình để phản đối hành vi dùng vũ lực đối với người da màu. Và, lịch sử cũng không thể quên, gần 60 năm trước, đã có những con người như mục sư người Mỹ gốc Phi Martin Luther King. Được đánh giá là một trong những nhà hoạt động nhân quyền vĩ đại của nước Mỹ, Luther King lãnh đạo phong trào dân quyền với chủ trương bất bạo động và đường lối đấu tranh ôn hòa. Năm 1963, ông có bài diễn văn bất hủ “I have a dream” (tạm dịch là “Tôi có một giấc mơ”) ngay tại Đài tưởng niệm Lincoln ở Thủ đô Washington D.C, mang niềm tin về một xã hội công bằng và bình đẳng. Bài diễn văn đã thúc đẩy việc ban hành Đạo luật Dân quyền năm 1964, với nội dung cấm phân biệt đối xử vì chủng tộc, màu da, tôn giáo hay giới tính ở nước Mỹ.

Nhưng với những gì đang hiện diện tại nước Mỹ, rõ ràng, nỗ lực của vị mục sư chỉ là “muối bỏ bể” và giấc mơ ngày nào của ông, gần 60 năm sau, vẫn chỉ là giấc mơ. Nạn kỳ thị chủng tộc và tâm lý “da trắng thượng đẳng” vẫn tồn tại dai dẳng. Giấc mơ dang dở ấy - với một quốc gia vẫn tự hào là phát triển hàng đầu thế giới và đầy ắp những giá trị của bình đẳng và dân chủ - có thể gọi là nỗi hổ thẹn chăng?! ./.

Hà Anh

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận