Trước làn sóng lây lan không gì kiềm soát nổi và ngày càng khốc liệt của đại dịch Covid-19, giới chuyên môn đã ngán ngẩm mà rằng: chỉ Vaccine thôi là không đủ để chấm dứt đại dịch. Nhưng thực tế, chỉ khi nào xuất hiện vaccine có khả năng ngăn chặn lây nhiễm bệnh thì mới có thể giúp đẩy nhanh tốc độ chấm dứt đại dịch. Vì thế, câu chuyện vaccine ngừa Covid-19 suốt năm qua luôn luôn “nóng” nhất.
Cuộc đua khốc liệt và độc quyền của những “đại gia”
Việc nghiên cứu sản xuất một loại vaccine phải tuân thủ theo quy trình rất nghiêm ngặt, đòi hỏi chi phí rất tốn kém và thời gian kéo dài. Chính vì thế, không có gì khó hiểu khi tham gia vào “cuộc đua tìm kiếm vaccine Covid-19” là các nước giàu thuộc hàng “đại gia” “có của ăn của để” như Nga, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản… là những cái tên thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông bấy lâu nay trong hầu hết các câu chuyện liên quan tới việc điều chế, sản xuất vaccine Covid-19. Và cho tới nay, khi những kết quả đầu tiên về sản xuất vaccine được công bố, những những quốc gia kể trên cũng đi đầu.
Nếu không sản xuất được thì đặt mua. Nhiều nước giàu từ rất lâu đã đặt cọc những khoản kinh phí rất lớn vào tài khoản của các phòng thí nghiệm danh tiếng nhất để được ưu tiên dùng vaccine trước nếu có. Đã thành sự thật, không cần phải giấu giếm hay che đậy, những mối liên kết “vaccine Covid-19” giữa Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) với các hãng như Pfizer, BioNtech, AstraZeneca và Moderna đã được hình thành. Hay như nước Anh hồi tháng 7 tuyên bố đã đạt được một thỏa thuận nhằm đảm bảo nước này sẽ được cung cấp vaccine Covid-19 tiềm năng của hãng dược GlaxoSmithKline, Sanofi và AstraZeneca. Hồi đầu tháng 8, hai công ty Trung Quốc cũng ký kết sản xuất 200 triệu liều vaccine của Đại học Oxford.
Ánh sáng ở cuối đường hầm
Cho tới nay, cho dù đại dịch Covid-19 chưa hề có dấu hiệu chững lại nhưng những tia hy vọng đang được nhóm lên khi tin vui về vaccine Covid-19 liên tục được báo về từ các phòng thí nghiệm tại nhiều quốc gia. Trong thông cáo phát ngày 9/11, Hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (trụ sở tại Đức) cho biết loại vaccine ngừa Covid-19 do hai công ty này phối hợp phát triển có hiệu quả lên tới hơn 90% trong giai đoạn 3 thử nghiệm trên người.
Mỹ và Nga chưa bao giờ thôi là kỳ phùng địch thủ. Từ cuộc chiến chiếm lĩnh không gian cách đây nhiều thập kỷ, đến cuộc chiến vaccine Covid-19 lần này, sự khốc liệt, bám đuổi vẫn không hề bớt đi. Chỉ một giờ sau tuyên bố của Pfizer, đại diện của Bộ Y tế Nga cũng cho biết vaccine Sputnik V của nước này chống lại Covid-19 có hiệu quả hơn 90%. Điều đáng nói là dữ liệu thu thập từ việc tiêm chủng của công chúng chứ không phải từ một thử nghiệm đang diễn ra.
Và cũng chỉ chưa đầy 10 ngày sau, ngày 16/11, một tin vui nữa lại đến với thế giới khi Mỹ tuyên bố có thêm vaccine ngừa Covid-19 thứ hai đạt hiệu quả từ 90% trở lên. Cụ thể, Hãng dược Moderna thông báo vaccine của hãng đạt hiệu quả ngừa Covid-19 tới 94,5%. Điều đáng quan tâm là theo Moderna, vaccine của hãng không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào. Công ty Trung Quốc Sinovac Biotech cũng cho biết đang thử nghiệm giai đoạn cuối với một loại vaccine ngừa Covid-19…
Không để ai bị bỏ lại phía sau - bài toán ngày càng khó
Rõ ràng những tín hiệu tích cực về vaccine Covid-19 đang khiến cả thế giới tràn ngập hy vọng. Nhưng vấn đề nóng nhất còn lại hiện nay là giá cả của các loại vaccine này ra sao, việc phân phối sẽ diễn ra như thế nào, và liệu các quốc gia có được tiếp cận vaccine một cách công bằng hay không.
Dựa trên những thông tin được công bố đến thời điểm hiện tại, giá cả các ứng viên vaccine tiềm năng chênh nhau hàng chục lần. Hồi tháng 8, Moderna cho biết vaccine của hãng có giá từ 32-37 USD/liều. Vaccine của Pfizer và BioNTech có giá 20 USD/liều, thấp hơn khá nhiều so với của Moderna. Vaccine của AstraZeneca được tiêm hai liều với giá 3-4 USD/liều. Vaccine của Johnson & Johnson có giá khoảng 10 USD/liều…
Với các nước giàu, cái giá này không quá đắt, ở mức có thể chấp nhận được, nhưng với các quốc gia đang phát triển hoặc có tiềm lực rất hạn chế, mức giá ấy là lực cản không dễ vượt qua.
Còn nhớ trước đây, khi cuộc chiến chống Covid-19 mới bắt đầu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng lên tiếng kêu gọi rằng ý tưởng vaccine phòng ngừa Covid-19 phải là tài sản chung của nhân loại, là thứ hàng hóa nằm ngoài quy luật của thị trường. Nhưng thật chua chát, đến thời điểm này, ý tưởng ấy của người đứng đầu nước Pháp có vẻ khó thành hiện thực. Ngoài câu chuyện tiền bạc nó còn là một câu chuyện khác, ẩn giấu tự bên trong mà như Ana Santos Rutschman - trợ lý giáo sư luật tại Trường Luật Đại học St. Louis thẳng thắn chỉ rõ: Nhân loại đang sống trong thời đại đầy biến động với những quan điểm sâu sắc về chủ quyền và biên giới. Trong đó, luận điểm lấy quốc gia làm trung tâm đang ngự trị. Việc các chính quyền ưu tiên phân phối vaccine cho người dân trong quốc gia mình là điều khó tránh khỏi.
Về cái sự “lấy quốc gia làm trung tâm đang ngự trị”, “ưu tiên phân phối vaccine cho người dân trong quốc gia mình”, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus và nhiều nhà quan sát bức xúc gọi đó là chủ nghĩa dân tộc vaccine. Tổng Giám đốc WHO thẳng thừng: “Chủ nghĩa dân tộc vaccine không tốt, nó sẽ không giúp ích gì cho chúng ta. Để thế giới phục hồi nhanh hơn, chúng ta phải cùng nhau phục hồi. Đây là một thế giới toàn cầu hóa, các nền kinh tế gắn chặt với nhau. Một phần thế giới hoặc một vài quốc gia không thể là nơi trú ẩn an toàn cũng như không thể phục hồi thế giới”. Hay nói một cách khác, việc nhiều nước đang đặt lợi ích của mình lên trên những nước khác sẽ khiến cuộc khủng hoảng y tế hiện nay do dịch bệnh Covid-19 gây ra trở nên tồi tệ hơn. Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh: “Hành động một cách chiến lược và trên quy mô toàn cầu thực sự là lợi ích quốc gia của mỗi nước - không ai được an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn”.
Tuy nhiên, để biến lời kêu gọi của Tổng Giám đốc WHO thành hiện thực không hề đơn giản. Cách đây nhiều tháng, Tổng giám đốc WHO cho biết ông đã gửi thư tới tất cả các nước thành viên của WHO, trong đó đề nghị những nước này tham gia nỗ lực đa phương về phát triển vaccine phòng ngừa Covid-19. Mới đây nhất, ngày 23/11, WHO ra lời kêu gọi thống thiết rằng hãy quan tâm tới nhóm các quốc gia nghèo nhất thế giới, để nhóm này không bị lãng quên khi các quốc gia giàu có nhanh tay đặt trước những lô vaccine đầu tiên. Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng tha thiết nhắc đi nhắc lại rằng, mỗi chính phủ đều có mong muốn chính đáng là làm mọi thứ có thể để bảo vệ người dân nước mình, nhưng các quốc gia cần phải ý thức rõ nguy cơ thực tiễn rằng những nước nghèo khó và dễ chịu tác động nhất đang bị bỏ lại trong cuộc chạy đua tìm kiếm vaccine.
WHO đã khởi xướng cơ chế COVAX để đảm bảo phân phối vaccine một cách hợp lý, với mục tiêu có 2 tỷ liều vaccine hiệu quả và an toàn vào cuối năm 2021 để đưa đến 92 quốc gia và nền kinh tế thu nhập thấp đã đăng ký tham gia sớm. Tuy nhiên, dù đã có 187 quốc gia tham gia cơ chế này nhưng việc huy động vốn vận hành đang gặp rất nhiều khó khăn.
|
Trong hội nghị trực tuyến ngày 22/11, các nhà lãnh đạo của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) cam kết sẽ không lãng phí "dù chỉ một cơ hội" để đảm bảo phân phối vaccine công bằng. Nhưng làm thế nào để cơ hội này không bị lãng phí lại là điều chưa ai có câu trả lời. Phần thiệt thòi rõ ràng đang thuộc về các nước nghèo và các nước đang phát triển khi mà ý tưởng hỗ trợ hay trợ giá, giảm giá việc mua vaccine cho các nước đang phát triển, nước nghèo đang được xem là rất khó khả thi, trong khi những quốc gia giàu đã chuẩn bị đủ vaccine để tiêm cho toàn bộ người dân nước họ thông qua các thỏa thuận đặt hàng trước.
Cuộc chiến vaccine Covid-19, vì thế, còn đó lắm nỗi buồn… ./.
Hà Anh