Hai lần gặp gỡ, tình bạn vĩ đại và những cống hiến vô giá cho nhân loại

Tình bạn vĩ đại của hai con người vĩ đại Friedrich Engels và Karl Marx, cùng với những tác phẩm, những tư tưởng của họ, là sự cống hiến lớn cho nhân loại.

 

Nhân loại đang kỷ niệm 200 năm ngày sinh Friedrich Engels (28/11/1820 - 28/11/2020), nhà lý luận chính trị, triết gia, nhà khoa học người Đức thế kỷ 19. Nhớ về nhà tư tưởng lớn, lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của giai cấp vô sản này thực sự có quá nhiều điều để nói, nhưng có một điều tưởng chừng rất đỗi bình dị mà phác họa rõ nét về nhân cách, tầm vóc của Friedrich Engels, đó là tình bạn “có một không hai” giữa ông và Karl Marx.

“Nên duyên” sau hai lần hội ngộ

Trong cuộc sống, có những thứ diễn ra thật bất ngờ, thật không thể đoán định nhưng lại theo ta đến suốt cuộc đời. Điều này không hề sai khi nhìn lại mối quan hệ giữa Friedrich Engels và Karl Marx - mối quan hệ mà theo nhìn nhận của báo chí cũng như giới nghiên cứu, là tình bạn vĩ đại giữa hai con người vĩ đại.

Friedrich Engels sinh ngày 28/11/1820 tại Barmen, tỉnh Ranh của Vương quốc Phổ (thuộc nước Đức ngày nay), trong một gia đình chủ xưởng dệt. Với câu con trai cưng, ông bố chủ xưởng chỉ có một mong ước lớn nhất là con trai sẽ nối nghiệp kinh doanh, tiếp nhận và phát triển xưởng dệt ngày thêm bề thế. Nhưng số phận đôi khi không phải cứ muốn là được. Trời phú cho ông cậu con trai cực thông minh nhưng cũng cực cá tính. Sớm có năng khiếu về ngoại ngữ, lại ham học, ham đọc, thế nên niềm đam mê lớn nhất của Friedrich Engels chẳng phải là những con số, không phải là kinh doanh, lợi nhuận, mà là sử học, triết học, văn học, ngôn ngữ, thơ ca…

Việc được tiếp xúc với các tác phẩm của Friedrich Hegel, nhà triết học người Đức, đã gần như thay đổi 180 độ định hướng tương lai của Friedrich Engels. Từ say mê đến tìm hiểu rồi chẳng biết tự lúc nào, Friedrich Engels bắt tay vào viết… sách. Khi sang Anh và sống ở thành phố công nghiệp dệt Manchester, chứng kiến sự khổ cực của giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động ngay trong xã hội tư bản, năm 1844, ông đã viết tác phẩm “Tình cảnh giai cấp công nhân Anh”. Năm 1843, Friedrich Engels đi sâu nghiên cứu và xuất bản cuốn “Lược thảo phê phán khoa kinh tế chính trị” chỉ rõ chế độ tư hữu là cơ sở của toàn bộ sinh hoạt vật chất và tinh thần của xã hội tư sản.

Friedrich Engels. (Ảnh: britannica.com)Karl Marx, sinh ngày 5/5/1818, ở thành phố Trier trên bờ sông Mozel, một nhánh của sông Rhein thuộc Trier, thành phố cổ của Đức thời Trung cổ. Khác với Friedrich Engels, Karl Marx xuất thân trong một gia đình luật sư. Sau khi tốt nghiệp trung học, Karl Marx vào học đại học tổng hợp ở Bon, rồi sau đó học ở trường đại học tổng hợp Berlin. Ngay từ lúc còn là sinh viên, Karl Marx đã nghiên cứu và tinh thông nhiều môn học như luật, sử và triết học. Năm 23 tuổi, Karl Marx đỗ tiến sĩ triết học, và từ đó ngày càng tỏ rõ là một nhà nghiên cứu khoa học xã hội tài năng. Ở tuổi 24, tháng 10/1842, Karl Marx trở thành chủ bút của tờ Rheinische Zeitung của giai cấp tư sản cấp tiến ở Đức hồi ấy. Trong các bài báo, Marx đã phê phán các chính phủ đương thời ở Đức, Anh, Pháp và bênh vực quyền lợi của nông dân, phát biểu những tư tưởng triết học của mình. Cũng vì vậy mà Rheinische Zeitung bị đóng cửa vào tháng 5/1843 và Marx chuyển về lại Paris.

Số phận run rủi đã để hai con người cùng trạc tuổi ấy đến với nhau bằng một tình bạn bất ngờ. Thực ra, trước khi gặp mặt, hai nhà tư tưởng vĩ đại của nhân loại đã biết đến nhau qua những trang viết, dành cho nhau sự thiện cảm và kính trọng. Chính sự đồng cảm này mà chỉ sau hai lần gặp gỡ (lần đầu tiên Friedrich Engels gặp Karl Marx là cuối tháng 11/1842, khi ông qua Anh thăm bộ biên tập tờ báo Sông Ranh; lần thứ hai là tháng 8/1844, tại Parris Pháp), từ chỗ còn dè dặt, đã trở nên “tâm đầu ý hợp”. Sau này, Friedrich Engels kể lại: "Vào mùa hạ năm 1844, khi tôi đến thăm Các Mác ở Paris, chúng tôi thấy mình hoàn toàn nhất trí với nhau về tất cả các vấn đề lý luận và từ lúc đó chúng tôi bắt đầu cộng tác với nhau".

“Sự hoàn toàn nhất trí” ấy đã níu giữ hai con người vĩ đại, để họ bắt đầu cho mình một tình bạn lớn.

Tình bạn Friedrich Engels - Karl Marx qua những chiếc tem.

Tri kỷ vượt thách thức

Người đời có câu: “Gặp được nhau đã là cái duyên, đến với nhau, bên cạnh nhau, quan tâm nhau... có lẽ là do số phận”. Nhưng để giữ được cái duyên ấy, để trở thành tri kỷ của nhau, bền vững qua thời gian, vượt qua những khác biệt của hai con người đều có cá tính mạnh… với trường hợp của Friedrich Engels và Karl Marx, là sự nỗ lực không mệt mỏi từ cả hai phía, đặc biệt là cái tâm, cái tình thực sự chân thành mà họ dành cho nhau.

Đó hoàn toàn không hề là sáo ngữ nếu nhìn lại trọn tình bạn vĩ đại giữa hai con người vĩ đại này. Niềm đam mê chung với triết học, với tư tưởng giải phóng giai cấp, giải phóng con người đã đưa họ đến với nhau, nhưng sự chia sẻ, thậm chí là nhịn nhường, hy sinh vô điều kiện cho nhau mới là chất keo cho tình tri kỷ ấy.

Nhìn lại những tác phẩm, những cống hiến, thấy rõ so với Karl Marx, Friedrich Engels cũng chẳng hề kém cạnh. Nhưng mấy ai làm được như Friedrich Engels, bao nhiêu năm, vẫn một mực xem mình chỉ là “Cây vĩ cầm thứ hai bên cạnh Mark”, đầy khiêm nhường. Bao nhiêu năm tháng, “cây vĩ cầm thứ hai” ấy chấp nhận làm một người trợ lực, một người đồng hành của Mark.

Điều đáng trọng nhất trong tình bạn ấy là nép phía sau, hỗ trợ và cùng nhau tỏa sáng. Hai ông đã viết chung với nhau nhiều tác phẩm, điển hình là các tác phẩm: “Hệ tư tưởng Đức”, “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản”…, đặc biệt không thể không kể tới tác phẩm quan trọng “Chống Đuy-rinh” nhằm chống lại những quan điểm có tính chất cơ hội chủ nghĩa lúc bấy giờ. Năm 1847, Đại hội “Liên đoàn những người cộng sản” đã ủy nhiệm cho Karl Marx, Friedrich Engels cùng soạn thảo bản “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản”. Chính sự hợp tác, hỗ trợ, đồng tâm đồng ý của hai ông đã tạo nên một văn kiện có tính chất cương lĩnh cách mạng, trở thành vũ khí lý luận, tư tưởng sắc bén của giai cấp vô sản thế giới. Sự ra đời “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản” đã thức tỉnh giai cấp công nhân, nhân dân lao động ý thức được vai trò lịch sử của mình, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong quá trình phát triển của các tư tưởng xã hội chủ nghĩa từ không tưởng trở thành khoa học.

Tượng Karl Marx và Friedrich Engels tại Oak Park,  Kyrgyzstan.

Tình bạn vĩ đại của hai con người vĩ đại ấy, cùng với những tác phẩm, những tư tưởng của họ, là sự cống hiến lớn cho nhân loại.

Không nhiều người biết rằng, không chỉ hỗ trợ, đồng hành trong công việc, tư tưởng, sinh thời Friedrich Engels đã không ngại hỗ trợ cho Karl Marx cả về điều kiện vật chất để hoàn thành những tác phẩm đồ sộ. Nếu không có việc Friedrich Engels tìm nguồn tài chính hỗ trợ thì có lẽ đận tháng 2/1845, Karl Marx sẽ khó phải thoát khỏi cảnh điêu đứng bị trục xuất khỏi Paris. Không có những đồng tiền hỗ trợ của Friedrich Engels, Karl Marx khó có thể tập trung toàn lực cho bộ “Tư bản” khi gia đình ở vào cảnh túng thiếu. Xúc động và trân quý là bản thân Friedrich Engels cũng chẳng dư dả gì. Để giúp bạn, khó có thể tin nhưng sự thật là để có tiền Friedrich Engels đã có tới 20 năm trời đằng đẵng chấp nhận làm một công việc mà ông từng rất chán ghét - thư ký trong hãng buôn của cha mình. Rồi có cả chuyện nhiều đêm Friedrich Engels thức trắng để hỗ trợ Karl Marx viết bài cho các báo để có tiền chi tiêu. Chưa hết, chuyện kể rằng, ngày 14/3/1883, Karl Marx qua đời khi công trình khoa học đồ sộ nhất của ông là bộ “Tư bản” mới xuất bản được quyển I. Hàng nghìn trang bản thảo cần chỉnh lý. Ở tuổi 60, khi sức khỏe đã sụt giảm khá nhiều, khi cuốn sách của riêng ông “Phép biện chứng tự nhiên” vẫn còn dang dở, Friedrich Engels vẫn chấp nhận gác hết sang một bên, tập trung sửa chữa cho những tập tiếp theo của bộ “Tư bản”. Thậm chí, đã có chuyện Friedrich Engels phải soi dò những chú thích, ký hiệu không hề dễ đọc của người bạn quá cố để nhận biết rồi sao chép lại, vô cùng mất công mất sức nhưng Friedrich Engels vẫn quyết tâm làm tới cùng.

Những quyển tiếp theo của bộ “Tư bản” chắc chắn không thể đến với độc giả nếu không có nỗ lực phi thường ấy của Friedrich Engels. Thế giới cũng không có cơ hội được thưởng thức trọn vẹn những giá trị tư tưởng vô giá trong bộ “Tư bản” nếu không nhờ tinh thần “xả thân, hết lòng” vì bạn ngày ấy của Friedrich Engels. Thế nên, tình bạn vĩ đại của hai con người vĩ đại ấy, cùng với những tác phẩm, những tư tưởng của họ, đã là sự cống hiến lớn cho nhân loại. Như khẳng định của V.I.Lênin: “Muốn đánh giá đúng đắn những quan điểm của Karl Marx, tuyệt đối phải đọc những tác phẩm của người cùng tư tưởng và người cộng tác gần gũi nhất của Mác là Friedrich Engels. Không thể nào hiểu được chủ nghĩa Marx nếu không chú ý đến toàn bộ những tác phẩm của Engels”./.

Hà Anh

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận