Nobel Hòa bình cho 'Những người cứu tế': Sự tưởng thưởng cho một sứ mệnh cao cả

Giải thưởng Nobel Hòa bình năm nay được trao cho Chương trình Lương thực thế giới của LHQ - tổ chức được gọi với cái tên trìu mến: 'Những người cứu tế'.

 

Mùa giải Nobel năm nay, giải thưởng Nobel Hòa bình được xem là bất ngờ lớn nhất khi trái ngược với những đồn đoán, hạng mục vẫn được xem là danh giá và uy tín bậc nhất này đã được trao cho Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc (LHQ) - tổ chức được gọi với cái tên trìu mến: “Những người cứu tế”. Nhưng với những ai thấu hiểu về những gì WFP đã, đang làm cho nhân loại, sự tưởng thưởng ấy là xứng đáng và kịp thời trong bối cảnh “an ninh lương thực” đang là một trong những vấn đề “nóng” nhất toàn cầu và rằng thế giới đang rất cần những tổ chức như WFP.

Lời đề nghị của Tổng thống Eisenhower và 3 năm thử thách cho một sự hiện hữu

Có lẽ trong lịch sử LHQ, không nhiều những cơ quan trực thuộc lại có một sự ra đời khá đặc biệt như “Những người cứu tế’ - WFP. Không nhiều người biết rằng cơ quan trụ cột của LHQ ngày hôm nay ra đời, không phải từ chủ trương tự thân của Tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh mà từ lời đề nghị của… một vị tổng thống. Đó là Tổng thống Dwight D.Eisenhower (1890-1969) - chủ nhân thứ 34 của Nhà Trắng.

Dịch Covid-19 với những hệ lụy khủng khiếp càng khiến sứ mệnh của WFP thêm nặng nề. (Ảnh: WFP)

Dwight D.Eisenhower đã ghi danh mình vào lịch sử nước Mỹ như một trong những vị Tổng thống tài ba và được ngưỡng mộ nhất. Không chỉ là danh tướng trong Thế chiến II, trong hai nhiệm kỳ làm tổng thống, Eisenhower đã ghi đậm dấu ấn trong lòng cử tri Mỹ khi tạo ra nhiều chính sách đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế, cải cách an sinh xã hội. Còn trên địa hạt đối ngoại, cái tên Eisenhower cũng được nhớ đến nhiều, trong đó có đề nghị thành lập một chương trình thử nghiệm cung cấp viện trợ lương thực thông qua LHQ - chương trình ấy chính là WFP của ngày hôm nay. Từ đề nghị ấy, năm 1962 WFP ra đời, nhưng thuở ban đầu WFP chưa được LHQ công nhận ngay mà chỉ mới coi là một “chương trình thử nghiệm” về việc thực hiện sứ mệnh “cung cấp viện trợ lương thực khẩn cấp thông qua hệ thống của LHQ”.

1.500 tấn lúa mì, 270 tấn đường và 27 tấn chè được gửi tới cho người dân miền Bắc Iran bị thiệt hại nặng nề bởi trận động đất năm 1962 là động thái ý nghĩa đầu tiên mà WFP đã làm được. Một năm sau đó, WFP khởi động chương trình phát triển đầu tiên để hỗ trợ người Nubia tại Wadi Haifa (Sudan) và dự án bữa ăn học đường ở Togo. Hai dự án ý nghĩa liên tiếp trong hai năm, những yêu cầu liên tiếp được gửi tới cho WFP: từ người dân Thái Lan sau bão; từ những người tị nạn chiến tranh cần lương thực ở Nigeria… đã khiến LHQ nhận ra sự thiết thực, tính hiệu quả của một mô hình như WFP mang lại. Tới năm 1963, sau “thời hạn thử thách 3 năm”, LHQ mới đi tới quyết định đưa WFP trở thành một cơ quan chính thức của tổ chức này. Đến thời điểm đó, WFP mới hiện hữu như “một phần cơ thể” của LHQ.

WFP đi đầu trong việc phối hợp công tác viện trợ nhân đạo với nỗ lực thúc đẩy hòa bình thông qua các dự án tiên phong ở Nam Mỹ, châu Phi và châu Á.

6 thập kỷ vun đắp thành công 

Như đã nói, sứ mệnh chính yếu mà LHQ giao phó cho WFP là hỗ trợ khẩn cấp, hỗ trợ phục hồi và phát triển cho người dân ở các quốc gia bị ảnh hưởng (trong đó quan trọng nhất là bị suy dinh dưỡng) bởi xung đột vũ trang, sắc tộc, thiên tai. Và thực sự đến năm 2020 này, khi chạm mốc tuổi 58, gần 6 thập kỷ qua là chừng ấy thời gian WFP tận tâm tận lực cho sứ mệnh mà mình được trao gửi. Những thành viên của WFP có thể tự hào rằng họ đã có mặt tại những điểm nóng nhất thế giới, dấn thân vào các thảm họa nhân đạo tàn khốc nhất thế giới trong hàng chục năm qua, từ nạn đói ở Ethiopia vào những năm 1980, các cuộc chiến tranh ở Nam Tư vào những năm 1990, trận sóng thần châu Á năm 2004 đến động đất Haiti năm 2010.  Ngay cả hiện nay khi WFP có hơn 17.000 nhân viên thì khoảng 90% nhân viên và 2/3 hoạt động của WFP được tiến hành trong các khu vực có xung đột. Hãng thông tấn AFP của Pháp cũng đồng tình cho rằng gần như mọi vùng đất đều đã có dấu chân của WFP.

Theo báo cáo đầy tự hào của WFP, WFP cung cấp hỗ trợ lương thực cho trung bình 91,4 triệu người ở 83 quốc gia mỗi năm. Năm 2019, phạm vi tiếp cận của tổ chức này đã tăng lên 97 triệu người ở 88 quốc gia. WFP cho biết ngày nào họ cũng có 5.600 xe tải, 30 tàu và gần 100 máy bay đang trên đường di chuyển và phân phối hơn 15 tỷ khẩu phần lương thực.

Người dân nhận lương thực cứu trợ tại Jonglei, Nam Sudan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sẽ càng rạng danh hơn cho WFP nếu biết rằng kinh phí để WFP hoạt động được tài trợ hoàn toàn bởi các khoản đóng góp tự nguyện, trong đó chủ yếu là nguồn hỗ trợ của các chính phủ trên toàn cầu. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ngày càng khó khăn, năm 2019 vừa qua, WFP vẫn huy động được 8 tỷ USD. Số tiền này dùng để cung cấp 4,2 triệu tấn lương thực và 2,1 tỷ USD tiền mặt.

Lao tâm khổ tứ, tận tâm tận lực là vậy, thế nên, khi Giải Nobel Hòa bình 2020 dành cho “những người cứu tế” WFP, dù được coi là một bất ngờ lớn của mùa giải Nobel năm nay (bởi trước đó, có những tổ chức, cá nhân có uy tín, tích cực hoạt động, đóng góp hiệu quả cho hòa bình thế giới như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Phong trào Black Lives Matter chống phân biệt chủng tộc và hành động bạo lực của cảnh sát Mỹ, Ủy ban bảo vệ các nhà báo (CPJ), Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, nhà hoạt động môi trường người Thụy Điển Greta Thunberg, Tổng thống Mỹ Donald Trump…) nhưng với “những người hiểu chuyện”, đó thực sự là sự tưởng thưởng xứng đáng và kịp thời.

Thực sự, nói như phát ngôn viên WFP Tomson Phiri, Giải Nobel Hòa bình là vinh dự và là “một khoảnh khắc đáng tự hào” đối với một tổ chức của LHQ đã, đang “nỗ lực chống lại nạn đói; có những cống hiến cho hòa bình ở những khu vực tranh chấp và  hành động để ngăn chặn việc sử dụng nạn đói như vũ khí của chiến tranh và xung đột”. Phần thưởng ấy, nói như những lãnh đạo của WFP, không phải dành cho riêng ai mà dành cho tất cả những ai đang đau đáu với nỗi đau của nhân loại. Đó có thể là các chính phủ, các tổ chức, các đối tác khu vực tư nhân của WFP, cũng có thể là những nhân viên của WFP - những người đang ở nơi khó khăn, phức tạp nhất trên thế giới, nơi có chiến tranh, xung đột, khí hậu khắc nghiệt nhất, nguy hiểm nhất.

Sẵn sàng cho những thách thức phía trước

Sự vinh danh hôm nay, như nhận định của báo giới, dành cho “những người cứu tế” WFP, không chỉ rất xứng đáng mà còn rất kịp thời. Kịp thời, như nhấn mạnh của Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Berit Reiss-Andersen, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, những việc làm của WFP có ý nghĩa vô cùng quan trọng với nhân loại. Bởi theo nhiều thống kê, ngay cả khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, hơn 820 triệu người trên thế giới sống trong hoàn cảnh thiếu ăn hằng ngày. Còn khi dịch Covid-19 bùng phát (và tới nay vẫn diễn tiến hết sức phức tạp), an ninh lương thực đã, đang và sẽ là bài toán rất “nóng” mà tất cả các quốc gia đang cần có lời giải. Chính WFP đã cảnh báo 130 triệu người sẽ bị đói vào cuối năm 2020 do đại dịch Covid-19.

Covid-19 khiến an ninh lương thực trở nên vấn đề rất “nóng” Ảnh: (EPA/TTXVN)

WFP cũng đã xác định được 26 quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất vì mất an ninh lương thực do Covid-19, trong đó, Ethiopia, Nigeria và Mozambique là những quốc gia dễ bị tổn thương nhất ở châu Phi. Chỉ riêng ba quốc gia trên, WFP ước tính có đến 56 triệu người đang phải sống trong tình trạng không có đủ nguồn thực phẩm cần thiết mỗi ngày. Mọi sự càng ở thế chông chênh khi vaccine Covid-19 đến tận thời điểm này vẫn dừng ở “thế chờ”.

WFP đã luôn luôn đi đầu trong các nỗ lực nhân đạo cho một thế giới mà theo ước tính thì cứ 11 người lại có 1 người đi ngủ với cái bụng trống rỗng.

Không những vậy, không chỉ Covid-19, biến đổi khí hậu khiến cho nạn hạn hán, lũ lụt… và các thảm họa tự nhiên khác diễn ra ngày một phức tạp và khó lường. Khó chồng khó, gian nan chồng gian nan và cái đói sẽ chồng lên cái đói.

Nhưng dù thế, trong gian khó, “WFP sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình", bởi “thế giới đang cần WFP hơn bao giờ hết”, bởi như chính lời người đại diện của WFP: “Cho tới ngày chúng ta có được vaccine y tế, lương thực chính là loại vaccine tốt nhất chống lại sự hỗn loạn”.

“Cho tới ngày chúng ta có được vaccine y tế, lương thực chính là loại vaccine tốt nhất chống lại sự hỗn loạn”.

Thế giới đang cần WFP nhưng WFP cũng cần sự chung tay của thế giới hơn bao giờ hết. “Cộng đồng quốc tế không cắt giảm đóng góp tài chính cho WFP. Đây là nghĩa vụ của các nước trên thế giới để đảm bảo mọi người không chết đói" - thông điệp của Ủy ban Nobel Na Uy có lẽ không là thông điệp dành cho riêng quốc gia nào./.

Hà Anh

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận