Sáng 5/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2025, đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng; các chương trình mục tiêu quốc gia; giải ngân vốn đầu tư công; tình hình thực hiện Nghị quyết 25 của Chính phủ về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên...
Năm 2025 mở đầu với không ít khó khăn, thách thức đối với kinh tế Việt Nam. Xuất khẩu - một trong ba chân kiềng của nền kinh tế - đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực từ bên ngoài khi Mỹ áp dụng mức thuế 25% đối với thép, nhôm nhập khẩu; xuất khẩu nông sản cũng gặp nhiều rào cản thương mại và sự cạnh tranh từ các quốc gia có chung mặt hàng xuất khẩu, ví dụ như lúa gạo; đồng thời, kinh tế thế giới vẫn gặp khó khăn, phục hồi chậm. Hai “chân kiềng” còn lại là tiêu thụ nội địa và đầu tư công đều gặp khó khăn.
Trong bối cảnh đó, đáng chú ý là tình hình kinh tế - xã hội 2 tháng đạt nhiều kết quả tích cực, tốt hơn tháng trước và cùng kỳ năm trước; người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, các định chế tài chính, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế... gia tăng niềm tin vào triển vọng của nền kinh tế.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 2 tháng tăng 3,27% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước đạt 25,4% dự toán, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 tháng tăng 12% so với cùng kỳ, trong đó xuất siêu ước đạt 1,47 tỷ USD. Tổng vốn FDI đăng ký hơn 6,9 tỷ USD, tăng 35,5% so với cùng kỳ. Các cân đối lớn, an ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm; bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài được kiểm soát tốt. Hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng trưởng tích cực, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 2 tăng 16,7% so với cùng kỳ. Những kết quả đó là tiền đề để nước ta có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% cả năm 2025, tạo đà, tạo thế, tạo lực cho những năm tới tăng trưởng 2 con số.
Công bố mới đây nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy hơn 30 năm qua, chỉ có 34 nền kinh tế thành công trong thoát bẫy thu nhập trung bình để trở thành quốc gia có mức thu nhập cao. Các quốc gia này trong khoảng 30 năm đều duy trì mức tăng trưởng cao như Nhật Bản tăng trưởng trung bình 11,5%/năm, Hàn Quốc đạt 9,6%/năm, Trung Quốc khoảng 10%/năm... Trong khi đó, gần 40 năm đổi mới, mức tăng trưởng bình quân của Việt Nam khoảng 6,4%/năm, nếu duy trì mức tăng trưởng này, Việt Nam sẽ khó đạt 2 mục tiêu 100 năm.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu tập trung đánh giá sát tình hình kinh tế - xã hội, đặc biệt là những điểm chưa tốt; nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; nhận định, phân tích bối cảnh, tình hình tháng 3 và thời gian tới có gì đáng chú ý.
Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị theo sát các động thái của kinh tế thế giới, nhất là tình hình thị trường lúa gạo; cần linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá, điều hành lãi suất, giải ngân đầu tư công, vấn đề thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp; tập trung hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xử lý tồn đọng, vướng mắc; đẩy mạnh các dự án hạ tầng trọng điểm; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới;…./.