Kỳ vọng kinh tế Việt Nam 2025 tăng trưởng tích cực

Năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt kỷ lục mới 783 tỷ USD, vượt 2,5 lần kế hoạch được giao; năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu ở mức cao (gần 25 tỷ USD).

 

Năm 2024, kinh tế Việt Nam chứng kiến nhiều bứt phá. Trong đó phải kể đến kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm ước đạt kỷ lục mới 783 tỷ USD, tăng 15% so với năm trước và vượt 2,5 lần kế hoạch được giao; cán cân thương mại ghi nhận năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu ở mức cao (gần 25 tỷ USD). Dòng vốn đầu tư có dấu hiệu phục hồi tích cực. Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 11 tháng đạt trên 21 tỉ USD. Các tập đoàn tỷ USD đến Việt Nam với nhiều kế hoạch rót vốn đầu tư, đưa Việt Nam vào nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, đối với nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công, rất khó để đạt được mục tiêu 95% kế hoạch Quốc hội giao nếu như Chính phủ và các bộ ngành, địa phương không có những giải pháp điều hành quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho giải ngân vốn đầu tư công. Các địa phương trọng điểm như Hà Nội và TPHCM đã cam kết đẩy nhanh tiến độ và đạt mức giải ngân theo kế hoạch.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, phải làm cùng lúc 3 nhóm nhiệm vụ lớn: Tập trung tăng tốc, bứt phá, về đích năm 2024; tập trung sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tiến hành tổng kết công tác năm 2024 và xây dựng kế hoạch hoạt động của năm 2025. Phấn đấu hoàn thành toàn bộ 15/15 chỉ tiêu, trong đó, tăng trưởng GDP cả năm 2024 đạt trên 7%; giữ đà, giữ nhịp để tăng tốc, bứt phá, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 8% trong năm 2025, tạo đà, tạo lực, tạo thế cho giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng 2 con số.

Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 8% năm 2025

Theo đánh giá của đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có nhiều nhân tố mới với các thay đổi mang tính căn cơ, đặc biệt là thay đổi về thể chế đã được Quốc hội thông qua có thể kích thích tăng trưởng, giải phóng nguồn lực bị ách tắc. Hiện Việt Nam là một trong những nước duy trì được tốc độ phát triển nhanh sau đại dịch, có độ mở kinh tế lớn với nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương, là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam đang là đối tác chiến lược toàn diện với nhiều nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật…

Còn theo Trung tâm dự báo, phân tích kinh tế độc lập CEBR của Anh, quy mô GDP Việt Nam năm 2024 đạt 450 tỷ USD, tăng một bậc so với năm trước, lên thứ 34 trên thế giới và sẽ vượt Singapore vào năm 2029. Khi đó GDP của Việt Nam được dự báo lên mức 676 tỷ USD, trong khi Singapore là 656 tỷ USD.

Theo phân loại mới của Ngân hàng Thế giới WB, tính từ 1/7/2023-1/7/2024, thu nhập bình quân đầu người của các quốc gia được chia thành 4 nhóm, trong đó, các quốc gia có thu nhập bình quân 4.466-13.845 thuộc nhóm quốc gia có thu nhập trung bình cao. Như vậy, theo phân loại này, với thu nhập bình quân đầu người được CEBR dự báo năm 2024 đạt 4.469 USD, Việt Nam có thể đã lọt nhóm quốc gia có thu nhập trung bình cao.

Đặc biệt, trong lĩnh vực công nghệ, nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới đã lựa chọn Việt Nam là điểm đến như tập đoàn chip lớn nhất thế giới Nvidia, Google, Foxcom (một nhà cung ứng của Apple), Meta, SpaceX, Trump Organization... Xu hướng bứt phá nhờ công nghệ được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam nhanh chóng có được thứ hạng cao trong nền kinh tế thế giới./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận