Vàng nhẫn có duy trì được vị thế thực sự?

Sau khi tăng phi mã từ chênh hơn 10 triệu đồng/lượng lên tương đương vàng miếng SJC, giá vàng nhẫn bắt đầu chững lại và khoảng cách với giá vàng miếng giãn dần.

 

Sau những “bốc đồng” khi tăng phi mã từ độ chênh tới 10 - 15 triệu đồng/lượng lên tương đương, thậm chí có thời điểm cao hơn cả giá vàng miếng SJC - thương hiệu vàng miếng quốc gia duy nhất, giờ đây, giá vàng nhẫn bắt đầu chững lại và khoảng cách với giá vàng miếng giãn dần ra, tuy mức chênh không lớn. Vào 9h ngày 26/11/2024, giá vàng miếng SJC bán ra chỉ cao hơn giá vàng nhẫn cùng thương hiệu 600.000 đồng/lượng (85,3 triệu đồng/lượng so với 84,7 triệu đồng/lượng).

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia tài chính, mức chênh lệch giá này cho thấy, vàng nhẫn đang dần trở về với giá trị thực: một sản phẩm trang sức, không phải là một tài sản cất giữ, đầu cơ, bởi tính thanh khoản của vàng nhẫn không cao. Nguyên nhân khiến giá vàng nhẫn tăng đột biến hai tháng qua chủ yếu do việc kinh doanh, mua bán vàng miếng được quản lý chặt chẽ hơn sau hàng loạt hoạt động thanh tra, kiểm tra, rà soát thị trường vàng. Cùng với đó, giá vàng miếng đã bị đẩy lên quá cao, buộc Ngân hàng Nhà nước tổ chức bán vàng theo giá chỉ định, người dân tập trung mua, dẫn đến cung vượt cầu rất cao, người mua phải đăng ký trước, chờ đợi lâu mới có thể mang vàng về. Trong bối cảnh đó, vàng nhẫn trở thành lựa chọn để giải tỏa cơn khát vàng của các nhà đầu tư cá nhân và giá vàng nhẫn bị đẩy dần lên tiệm cận với giá vàng miếng.

Giá vàng nhẫn lại kéo giãn khoảng cách so với vàng miếng

Vậy trong thời gian tới, vàng nhẫn liệu có thể duy trì vị thế như hiện nay hay không? Trên thực tế, kể từ khi Ngân hàng Nhà nước quản lý chặt hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng miếng theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ với việc chỉ cho phép lưu hành một thương hiệu vàng miếng duy nhất là SJC, thì các doanh nghiệp trước đây đã từng kinh doanh vàng miếng như Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ, DOJI, Công ty TNHH Bảo Tín - Minh Châu…và cả chính Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - chủ nhân đầu tiên của thương hiệu vàng SJC - đã nhạy bén sản xuất những loại vàng nhẫn có giá trị trao đổi lớn hơn như vàng nhẫn 5 chỉ, 10 chỉ… thay vì những chiếc nhẫn 1 chỉ, 2 chỉ hoàn toàn mang tính trang sức. Với giá trị lớn như vậy, tính thanh khoản của vàng nhẫn khối lượng lớn này cũng cao hơn, hoàn toàn có thể thay thế được vàng miếng trong hoạt động giao dịch hoặc cất giữ. Thêm vào đó, sức ép của nhà bán vàng lên vàng miếng là tính phí vỉ xấu khi mua lại của người dân khiến họ thiệt hại đến tiền triệu cũng làm vàng miếng giảm sức hấp dẫn. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là vàng nhẫn sẽ duy trì được vị thế. Bởi khi hoạt động kinh doanh vàng được trả về đúng nghĩa thị trường thì vàng nhẫn cũng sẽ trở về đúng nghĩa trang sức.

Về mặt quản lý, kéo dài thế độc quyền để chi phí quản lý thẩm thấu vào giá vàng (và giá cả nhiều hàng hóa khác), có thể cắt giảm được mà chần chừ chậm trễ không cắt giảm, thì cũng là một sự lãng phí lớn nguồn lực xã hội. Đã đến lúc cần sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP để “trả” vàng về cho thị trường./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận