Cách đây hơn một năm, cổ phiếu VFS của một công ty liên kết thuộc tập đoàn NASDAQ niêm yết trên sàn NASDAQ, Mỹ. Cổ phiếu này đã có lúc tăng giá gấp nhiều lần, lên tới 40 USD, khiến các nhà đầu tư trong nước sốt sình sịch. Dịch vụ mua hộ cổ phiếu trên sàn NASDAQ ra đời. Thời điểm ấy, các cổ phiếu “họ Vin” đã trở thành trụ đỡ cho cả thị trường chứng khoán Việt Nam, dù VFS niêm yết ở Mỹ. VN-Index “tăng theo Vin, giảm theo Vin”. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, giá cổ phiếu VFS sụt dần, và đến 9h sáng ngày 8/10/2024 (giờ Việt Nam) chỉ còn 3,74 USD/cổ phiếu.
Ví dụ từ cổ phiếu VFS cho thấy, con đường để doanh nghiệp Việt ra nước ngoài theo kênh phát hành cổ phiếu không đơn giản, bởi không có nhiều tên tuổi doanh nghiệp Việt Nam được biết đến. Hàng hóa Việt Nam tuy đã phần nào khẳng định được chất lượng trên thị trường quốc tế, nhưng chủ yếu tập trung vào nhóm hàng nông sản, dưới thương hiệu chung của một mặt hàng nông sản như gạo, cà phê và cũng chưa nhiều người biết. Dù kim ngạch xuất khẩu đạt tới hàng trăm tỷ USD (6 tháng đầu năm 2024 kim ngạch xuất khẩu đạt 190,73 tỷ USD theo số liệu của Tổng cục Hải quan) nhưng hàng hóa Việt Nam thường được bán dưới tên gọi của đối tác chứ rất ít sản phẩm được biết đến với thương hiệu doanh nghiệp Việt hay hàng hóa Việt. Với cách làm này, rất khó để khẳng định thương hiệu Việt Nam, và từ đó cũng khó thuyết phục nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào một doanh nghiệp cụ thể thông qua sàn chứng khoán quốc tế. Trong số 50 doanh nghiệp lớn nhất Đông Nam Á năm 2024 theo bảng xếp hạng của Fortune 2024, Việt Nam chỉ có 5 doanh nghiệp. Vingroup là doanh nghiệp lớn của Việt Nam, đứng ở vị trí 43.
Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới đặt mục tiêu “Phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới”. Làm gì để có doanh nghiệp Việt trị giá tỷ USD là điều trăn trở đối với cơ quan quản lý Nhà nước, với cộng đồng doanh nghiệp và với từng doanh nhân Việt, bởi chuyện hình thành doanh nghiệp tỷ USD không chỉ mang lại giá trị cho bản thân doanh nghiệp đó, cho nền kinh tế, mà còn cho các doanh nghiệp liên quan. Do đó, ngoài nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, ngoài một hệ thống chính sách hoàn chỉnh, phù hợp để phát triển, còn cần sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nhân để tạo nên sự kiên kết bền chặt, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt.
Ngày 13/10/2024 kỷ niệm tròn 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam. Hai thập kỷ với không ít thăng trầm đã chứng tỏ được vai trò, vị thế của đội ngũ doanh nhân - những người đóng vai trò trụ cột trong việc chuyển tải, hiện thực hóa khát vọng vươn mình của đất nước. Theo số liệu từ Tổ chức Khởi nghiệp Toàn cầu, số lượng startup tại Việt Nam là hơn 3.800 doanh nghiệp vào năm 2023. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp này phát triển lớn mạnh và tham gia vào chuỗi liên kết nội bộ, cùng nhau bước vào chuỗi giá trị toàn cầu, rất cần những chính sách thông thoáng hơn về vốn, cơ sở hạ tầng và các giải pháp hỗ trợ khác của Chính phủ./.