Kỳ vọng đầu tư 2024: mong vàng không còn nóng

Một trong những điểm nóng trên thị trường đầu tư tài chính kéo dài đến đầu năm 2024 này là vấn đề giá vàng và quản lý thị trường vàng.

 

Bất cập của đầu tư tài chính từ thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản và thị trường vàng đều đã được chỉ ra, làm rõ và bùng nổ trong 2 năm 2022 - 2023. Giải pháp xử lý được đưa ra và đã từng bước khắc phục bất ổn, nhưng những vấn đề tồn tại hàng chục năm không dễ giải quyết trong ngày một ngày hai.

Một trong những điểm nóng kéo dài đến đầu năm 2024 này là vấn đề giá vàng và quản lý thị trường vàng. Từ nhiều đời nay vàng được coi như một thước đo giá trị của đồng tiền và sự tăng trưởng của nền kinh tế, thậm chí tất cả hàng hóa giá trị cao đều được định giá bằng vàng. Nghị định 24/2012/NĐ-CP năm 2012 với những quy định như: Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ; Tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện các hoạt động kinh doanh vàng khác sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép... đã có tác dụng tích cực trong việc bình ổn thị trường vàng, chống “vàng hóa” nền kinh tế.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, một số quy định của Nghị định 24 đã bộc lộ những điểm không phù hợp, đặc biệt là Điểm 3 Điều 4 quy định: “Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng dẫn tới giá vàng miếng chênh lệch bất thường so với giá thế giới và giá vàng nhẫn cùng thời điểm đến hàng chục triệu đồng. Dù giá vàng không còn nằm trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng CPI, nhưng mức chênh lệch quá lớn của giá vàng miếng so với mặt bằng giá cả chung đã tác động tiêu cực đến tâm lý của người tiêu dùng và ảnh hưởng không nhỏ đến tỷ giá, kiểm soát lạm phát và các hoạt động kinh tế, tài chính liên quan.

Trước thực tế này, nhiều chuyên gia liên tục kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP năm 2012 theo hướng mở, hạn chế tình trạng độc quyền Nhà nước đối với hàng hóa không thuộc diện thiết yếu như vàng miếng. Mới đây, Thủ tướng có công điện chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành, không để giá vàng trong nước chênh cao với thế giới.

Vàng miếng SJC chênh lệch với giá vàng nhẫn trong nước và giá vàng thế giới hàng chục triệu đồng/lượng

Để kiểm soát hoạt động kinh doanh vàng, Ngân hàng Nhà nước đề nghị nhiều bộ ngành phối hợp phối hợp quản lý thị trường vàng, thanh tra hoạt động mua bán vàng miếng, vàng nguyên liệu. Cụ thể, đề xuất Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) tăng cường thanh tra, giám sát thị trường, xử lý và cung cấp thông tin các hành vi vi phạm, đặc biệt trong hoạt động mua, bán vàng nguyên liệu và vàng miếng. Đề nghị Bộ Công an phối hợp hạn chế tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng giá vàng tăng cao để đầu cơ, trục lợi, nhập lậu vàng qua biên giới gây xáo trộn thị trường; Bộ Tài chính tăng cường hướng dẫn, kiểm tra việc phát hành, sử dụng hóa đơn chứng từ trong hoạt động kinh doanh mua, bán vàng; xử lý nghiêm hành vi phát hành, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đang đánh giá việc triển khai Nghị định 24/2012 và sẽ báo cáo Chính phủ trong tháng 1/2024 cùng với đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế quản lý thị trường vàng phù hợp với bối cảnh mới của thị trường.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận