Nhìn lại thị trường chứng khoán Việt Nam 2023

Phiên 3/1/2023 mở màn năm 2023 có mức tăng kỷ lục một tháng (tăng 36,81 điểm với 135 cổ phiếu kịch trần) đưa đến kỳ vọng năm 2023 thị trường có thể phục hồi

 

Năm 2022 đầy sóng gió đối với thị trường chứng khoán Việt Nam khi các cơ quan chức năng đưa ra những giải pháp lành mạnh hóa thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Bởi vậy, phiên 3/1/2023 mở màn được coi là rực rỡ khi có mức tăng kỷ lục một tháng - tăng 36,81 điểm với 135 cổ phiếu kịch trần. Sau sự mở màn ấy, có rất nhiều kỳ vọng rằng năm 2023 thị trường có thể phục hồi, nhà đầu tư lấy lại niềm tin và quyết định thanh lọc của cơ quan chức năng thực sự mang lại một thị trường chứng khoán lành mạnh.

Thực tế cho thấy, hy vọng đó quá lạc quan. Các nhà đầu tư đã trót mua vào ở thời điểm giá đỉnh cao vẫn chưa thể phục hồi vốn sau cả một năm giao dịch lình xình, không có những phiên tăng đột biến, thiếu nhóm ngành và cổ phiếu dẫn dắt, thiếu cả dòng tiền vào thị trường, bất chấp việc lãi suất huy động đã giảm từ mức xấp xỉ 10% cuối năm 2022 xuống còn trên dưới 5% cuối năm 2023. Sau khi tạo 2 đỉnh 1242 điểm (8/8/2023) và 1245,5 điểm (6/9/2023), thị trường lao dốc không phanh và đến phiên 31.10.2023 chỉ còn 1.028 điểm. Tình trạng giao dịch thiếu tích cực vẫn kéo dài đến nay. Đáng chú ý là hiện tượng khối ngoại rút vốn khỏi thị trường với nhiều phiên bán ròng liên tiếp.

Phiên 20/12/2023, VN-Index tăng 4,46 điểm, lên 1.100 điểm với 318 mã tăng giá và 151 mã giảm giá

 

Đó là những minh chứng cho thấy, khi các yếu tố vĩ mô, dòng tiền và khả năng phục hồi của thị trường bất động sản vẫn thấp thì chưa thể có động lực cho thị trường chứng khoán. Đồng thời, niềm tin của các nhà đầu tư cá nhân cũng đang bị lung lay trước một thị trường khó đưa ra quyết định giao dịch. Nhiều nhà đầu tư cá nhân đã chuyển vốn sang hướng khác, kể cả chấp nhận gửi tiết kiệm với lãi suất thấp, bởi dù sao nguồn vốn vẫn được bảo toàn và sinh lời. Không ít người nói vui rằng, 10 năm trước, chúng ta từng vui mừng khi VN-Index vượt ngưỡng 1.200 điểm và 10 năm sau vẫn thế.

Những ý kiến này không phải không có cơ sở. Dù số lượng doanh nghiệp tham gia thị trường ngày càng gia tăng, số lượng nhà đầu tư cũng tăng rất mạnh sau hơn 23 năm, đến nay số tài khoản giao dịch đã tương đương khoảng 7% dân số, nhưng bước tiến của thị trường chứng khoán Việt Nam chưa có gì vững chắc. Đỉnh cao nhất sau 23 năm thị trường đi vào hoạt động được thiết lập ngày 25/11/2021 sau khi VN-Index vượt 1.500 điểm cũng không duy trì được lâu.

Nghị quyết 86/NQ-CP ngày 11/7/2022 của Chính phủ về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững đưa ra yêu cầu: "Khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi để thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài".

Hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam đang được 2 tổ chức xếp hạng thị trường là MSCI và FTSE Russell xếp vào Nhóm 3 - thị trường cận biên. Riêng FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên Nhóm 2 - thị trường mới nổi. Để đạt được mục tiêu này, năm 2024 rất cần triển khai những giải pháp thúc đẩy hoạt động giao dịch, mang đến một thị trường chứng khoán lành mạnh, hiệu quả cho các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận