Có cần níu giữ cách quản lý vàng như cũ?

Đã đến lúc nhìn nhận lại phương thức quản lý giá vàng để tránh tâm lý bất an của người dân và đưa tiền tệ ra lưu thông, kích cầu tiêu dùng

 

Sáng 4/12/2023, giá vàng thế giới tăng vọt phá đổ mọi kỷ lục, lên mức 2.100 đô la Mỹ (USD)/ounce, tăng 60 USD/ounce. Mức giá này quy đổi với tỷ giá đô la Mỹ và đồng Việt Nam thì 1 ounce vàng có giá 52.636.500 đồng, chưa kể thuế phí, tương đương giá 1 lượng vàng là 65.795.625 đồng.

Với mức giá này, hiện giá vàng miếng SJC đang là 74.400.000 đồng/lượng, cao hơn giá thế giới quy đổi khoảng 8.600.000 đồng/lượng. Đáng chú ý, giá vàng trong nước nói chung và giá vàng SJC nói riêng đang có độ trễ so với giá thế giới khoảng 1-2 ngày. Trong khi đó, giá vàng nhẫn cũng của thương hiệu này đang là 62.900.000 đồng/lượng, thấp hơn nhiều so với vàng miếng cùng thương hiệu và tương đương với giá của các hiệu vàng khác.

Giá vàng SJC có thời điểm cao hơn giá thế giới tới 20 triệu đồng/lượng

Không quá khó hiểu khi xảy ra tình trạng này, bởi theo quy định tại Nghị định 24/2012, hiện nay SJC đang là thương hiệu vàng miếng độc quyền quốc gia, còn vàng nhẫn và các thương hiệu khác là sản phẩm kinh doanh không độc quyền. Việc siết chặt hoạt động kinh doanh vàng miếng theo quy định của Nghị định 24 thời điểm đó có tác dụng rất lớn trong việc chống vàng hóa nền kinh tế, chống sự nhiễu loạn của giá vàng khiến người tiêu dùng bất an. Tuy nhiên, trong lúc việc chống vàng hóa nền kinh tế có tác dụng triệt để, thì việc quản lý giá vàng lại không đạt được hiệu quả như mong muốn, với tác nhân gây nhiễu loạn hiện tại lại chính là giá vàng miếng SJC - thương hiệu độc quyền. Trong lúc giá vàng nhẫn trên toàn thị trường diễn biến theo giá thế giới với độ chênh chỉ vài trăm nghìn đồng/lượng, thì vàng miếng SJC một mình một đường và đã có thời điểm chênh lệch với giá thế giới tới xấp xỉ 20 triệu đồng/lượng. Theo lý giải thì nguyên nhân là do không được nhập khẩu vàng về sản xuất vàng miếng nên vàng miếng SJC trở nên khan hiếm, cầu tăng, cung giảm đương nhiên dẫn tới giá cao. Nhưng câu hỏi đặt ra là trong bối cảnh cung - cầu như vậy, vì sao giá vàng nhẫn của chính SJC và các thương hiệu khác không tăng cao, không tạo ra sự chênh lệch lớn?

 

Mục tiêu của Nghị định 24/2012 là chống vàng hóa nền kinh tế, bình ổn thị trường, giá cả và hoạt động kinh doanh vàng. Vậy thì khi đã đạt được mục tiêu quan trọng nhất là chống vàng hóa nền kinh tế, có cần thiết duy trì tình trạng độc quyền với mặt hàng không thiết yếu, thậm chí không nằm trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá, như vàng hay không? Nhất là khi sự độc quyền ấy dẫn tới những bất cập về giá, khiến người tiêu dùng thay vì đầu tư vào sản xuất kinh doanh lại quay sang mua vàng giá cao. Giá vàng và ngoại tệ tăng mạnh trong bối cảnh lãi suất ngân hàng giảm mạnh và sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, vậy thì đâu sẽ là động lực giúp thị trường chứng khoán tăng trưởng trở lại, hướng tới mục tiêu thăng hạng vào năm 2025? Đã đến lúc nhìn nhận lại phương thức quản lý giá vàng để tránh tâm lý bất an của người dân và đưa tiền tệ ra lưu thông, kích cầu tiêu dùng./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận