Di sản công nghiệp của Hà Nội tiếp tục trở thành cao ốc?

Những người sống ở Hà Nội thời bao cấp hẳn không quên các khu công nghiệp Cao Xà Lá, nhà máy cơ khí Hà Nội, nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, nhà máy rượu Hà Nội

 

Những người sống ở Hà Nội thời bao cấp hẳn không quên các khu công nghiệp như Cao Xà Lá, nhà máy cơ khí Hà Nội, nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, nhà máy rượu Hà Nội, nhà máy dệt 8/3...

Những tên tuổi đó có bề dày lịch sử lâu đời và đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của Hà Nội và cả nước. Ví dụ như nhà máy rượu Hà Nội do hãng rượu Fontaine của Pháp xây dựng năm 1898 và là nhà máy lớn nhất thời bấy giờ. Nhà máy bia Hà Nội còn được thành lập sớm hơn, từ năm 1890 với tên Hommel và sản xuất 150 lít bia/ngày. Tháng 5/1960, khu công nghiệp Thượng Đình, khu công nghiệp quy mô đầu tiên ở Hà Nội nằm trên đường từ nội đô Hà Nội cũ đi Hà Đông, được khánh thành với các nhà máy chủ lực như thuốc lá Thǎng Long, cao su Sao Vàng, xà phòng Hà Nội (thường được gọi là khu Cao Xà Lá), cơ khí Hà Nội và một số nhà máy khác.

Theo Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hà Nội có 185 cơ sở công nghiệp có giá trị, hiện còn lại 95. Có 6 cơ sở thành lập trước năm 1954 (trong đó có bia Hà Nội, rượu Hà Nội, điện Yên Phụ, xe lửa Gia Lâm), 36 cơ sở từ năm 1954 đến 1986.

Khu Cao Xà Lá - biểu tượng công nghiệp một thời của Hà Nội

Năm 2013, nhà máy rượu Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương di dời, thu hồi một phần diện tích để xây dựng công trình phúc lợi xã hội là trường học, khu vui chơi công cộng. Thế nhưng ngoài ngôi trường chuẩn quốc gia đã đi vào hoạt động, phần đất còn lại vẫn để hoang cho cỏ dại mọc um tùm. Theo quy hoạch được UBND TP Hà Nội phê duyệt tháng 3/2021, khu đất của nhà máy bia hiện nay sẽ trở thành đất hỗn hợp, công cộng, trường THPT, cây xanh, nhà ở, bãi đỗ xe. Còn cụm công nghiệp Cao Xà Lá cũng được quy hoạch thành đất công cộng và phần hỗn hợp dịch vụ thương mại, nhà ở, nhà trẻ, trường tiểu học, cây xanh.

Di dời nhà máy, bệnh viện, trường đại học ra khỏi nội đô là việc làm cần thiết nhằm giảm tải áp lực lên hạ tầng đô thị, giảm ô nhiễm môi trường, giảm ùn tắc giao thông và dành đất cho phát triển hạ tầng đô thị. Thế nhưng, thực tế sau khi di dời thì ở những nơi này ngay lập tức mọc lên hàng loạt tòa nhà cao tầng và khu dân cư với dân số hàng vạn người, trong diện tích vài chục ha hội tụ về số dân bằng một phường, gấp hàng trăm lần số cán bộ công nhân làm việc ở nhà máy trước đó. Điển hình là nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo và nhà máy cơ khí Hà Nội. Tương tự, di dời nhà máy dệt 8/3 để thay thế bằng một khu đô thị khó có thể giúp giảm áp lực hạ tầng, ngay cả khi đã xây thêm cầu, đường, nâng cấp cơ sở hạ tầng.... Những khu vực quy hoạch thiên về không gian cây xanh công cộng chưa có doanh nghiệp nào mặn mà đầu tư. Bài toán kinh tế này cần có sự đầu tư bằng nguồn lực công của thành phố.

Di sản công nghiệp trở thành cao ốc để phục vụ sự phát triển của đô thị, nhưng bài toán quy hoạch cần đi trước một bước

Cần có cơ chế rõ ràng để ràng buộc trách nhiệm với quyền lợi của doanh nghiệp, nếu không, doanh nghiệp sẽ chỉ chọn những phân khúc dễ thu lại lợi nhuận, cụ thể là xây cao ốc, biệt thự và nhà ở liền kề, mà bỏ qua trách nhiệm xã hội. Quy hoạch phải đón đầu sự phát triển của đô thị khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nếu vẫn cách làm như hiện nay, bộ mặt đô thị chỉ là một sự vá víu, chỗ đông người chen chúc, chỗ cỏ dại mọc đầy./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận