Thị trường bất động sản đã thoát khỏi nguy cơ 'mất phanh'

Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, thị trường tuy chưa đủ lực 'vượt dốc" nhưng cũng đã thoát khỏi nguy cơ "mất phanh".

Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, những nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành, hệ thống ngân hàng, cũng như bản thân doanh nghiệp bất động sản đã kìm hãm đà lao dốc của thị trường bất động sản. Thị trường tuy chưa đủ lực “vượt dốc" nhưng cũng đã thoát khỏi nguy cơ "mất phanh". Lãi suất tiền gửi giảm thu hút dòng tiền quay trở lại cũng góp phần thúc đẩy lượng giao dịch bất động sản phục hồi. Giá bán sơ cấp đi ngang, thậm chí tăng nhẹ tại các địa phương có dấu hiệu phục hồi tích cực.

Tuy nhiên, cơ cấu sản phẩm nhà ở vẫn không hợp lý, dư thừa sản phẩm, phân khúc cao cấp trong khi thiếu nhà ở vừa túi tiền. Đặc biệt thiếu nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội, nhà ở có giá phù hợp với khả năng chi trả của các đối tượng thu nhập thấp tại đô thị. Nguyên nhân do nhiều doanh nghiệp bất động sản thận trọng hơn trong việc đưa sản phẩm ra thị trường; thiếu quỹ đất sạch, vấn đề tài chính liên quan đến đất đai, khó khăn tiếp cận nguồn vốn, các tồn tại chưa tháo gỡ về pháp lý dự án,…

Hiệp Hội bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết, trung bình mỗi tháng vẫn có khoảng 107 doanh nghiệp bất động sản rời khỏi thị trường. Có tới 20% số sàn giao dịch bất động sản đối diện nguy cơ giải thể, phá sản; 40% sàn đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì.

 

Nguyên nhân chính là các biện pháp hỗ trợ vẫn chưa thực sự đủ lực để vực thị trường dậy. Đặc biệt là chưa giải tỏa "cơn khát" vốn khi tồn tại nghịch lý ngân hàng thừa tiền nhưng doanh nghiệp thiếu vốn bởi vướng mắc về mặt thủ tục. Các doanh nghiệp thiếu vốn, thiếu thanh khoản, mà quan trọng nhất là thiếu niềm tin của nhà đầu tư, nên phải chật vật "sống sót" qua giai đoạn khó khăn nhất.

Tổng cầu bất động sản chỉ có thể được cải thiện rõ rệt khi các biện pháp điều hành kinh tế chung của Chính phủ quyết liệt và thực sự phát huy tác dụng. Đã có hàng loạt giải pháp trực tiếp, gián tiếp gỡ khó cho doanh nghiệp bất động sản như giảm lãi suất, giảm sức ép lên trái phiếu doanh nghiệp (khi trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành lớn thứ hai chỉ sau trái phiếu ngân hàng)... Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để chính sách sát với thực tiễn thì cần có sự tham gia đóng góp ý kiến của nhiều bên nhằm đảm bảo sau khi ban hành có thể áp dụng ngay với mức độ phù hợp cao. Cần có những cơ chế đặc biệt khuyến khích phát triển nhà ở xã hội để doanh nghiệp hào hứng và người dân có thêm cơ hội. Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách cụ thể, đặc thù nhằm kịp thời giải quyết nhanh các vấn đề về nguồn vốn, tín dụng dành cho doanh nghiệp bất động sản và người mua bất động sản./.

Bình luận

    Chưa có bình luận