Thị trường trái phiếu doanh nghiệp dần dần phục hồi

Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam đã phát hành 3 lô trái phiếu với tổng khối lượng phát hành là 569 trái phiếu, mệnh giá 1 tỷ đồng

Suốt một năm qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trong tình trạng trầm lắng, mất động lực. Thậm chí, tháng 8/2022 và tháng 4/2023 chỉ có duy nhất một lô trái phiếu được phát hành trong tháng. Tuy nhiên, những quy định gỡ khó cho doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư cá nhân đã giúp cho thị trường dần dần hồi phục. Mới đây nhất, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) đã phát hành 3 lô trái phiếu với tổng khối lượng phát hành là 569 trái phiếu, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu. Theo dữ liệu từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội HNX, từ ngày 29/6 tới ngày 11/9, ngân hàng này đã phát hành tổng cộng 9 đợt trái phiếu có mệnh giá 1 tỷ đồng với lãi suất từ 6,7% đến 7,7% với tổng khối lượng 3.114 trái phiếu, qua đó huy động 3.114 tỷ đồng.

Tháng 8/2023 đã có 20 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị phát hành hơn 22.000 tỉ đồng, tăng đến hơn 70% so với tháng 7, chủ yếu do các ngân hàng mạnh tay phát hành trái phiếu trở lại. Trong đó có 10 đợt phát hành trái phiếu của các ngân hàng với giá trị hơn 12.000 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 56%. Đáng chú ý, Ngân hàng ACB có ba đợt phát hành với tổng giá trị 6.500 tỉ đồng, MSB phát hành 1.000 tỉ đồng, OCB 2.000 tỉ đồng, BacABank 800 tỉ đồng, BIDV 700 tỉ đồng…

Bên cạnh nhóm ngân hàng, tính đến 25/8, các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành được hơn 8.000 tỉ đồng trái phiếu riêng lẻ, chiếm tỷ trọng hơn 38,4% tổng giá trị trái phiếu phát hành trong tháng.

Theo lý giải của các chuyên gia, thị trường trái phiếu doanh nghiệp "ấm" trở lại có nguyên nhân chính là lãi suất giảm sâu tác động đến tăng trưởng huy động vốn nên các nhà băng phải tìm kiếm nguồn vốn phục vụ nhu cầu vay trung, dài hạn thông qua trái phiếu. Cùng với đó, các ngân hàng đã thoát khỏi bế tắc nửa đầu năm khi nhiều đơn vị kiểm toán từ chối xác nhận tình hình sử dụng trái phiếu.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát hành, cơ quan quản lý nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách linh hoạt, trong đó đáng chú ý nhất là việc cho phép các ngân hàng và doanh nghiệp mua lại trước hạn trái phiếu đã phát hành. Trong tháng 8 đã có 6 ngân hàng thực hiện 10 đợt mua lại trái phiếu trước hạn với tổng giá trị 6.634 tỉ đồng. Tính từ đầu năm tới nay, hệ thống ngân hàng đã mua lại trên 80.000 tỉ đồng trái phiếu trước hạn, giúp ngân hàng giảm dư thừa vốn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đồng thời cơ cấu lại trái phiếu. Các doanh nghiệp phát hành khác (chủ yếu thuộc nhóm bất động sản) cũng đẩy mạnh mua lại trái phiếu trước hạn nhằm giảm áp lực thanh toán lãi và gốc trái phiếu đáo hạn.

Khi thị trường bất động sản tăng được thanh khoản, lãi suất ngân hàng giảm và nền kinh tế phục hồi thì thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ có phản ứng tích cực. Tuy nhiên, hai năm phát triển quá nóng vẫn khiến nhiều doanh nghiệp phát hành bị nhà đầu tư dè chừng khi cuối năm nay đáo hạn các lô trái phiếu đã phát hành./.

Bình luận

    Chưa có bình luận