Thị trường chứng khoán chỉ có thể tăng điểm nhờ nội lực

19/6 là ngày đầu tiên quyết định điều chỉnh giảm lãi suất điều hành lần thứ tư của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực

 

19/6 là ngày đầu tiên quyết định điều chỉnh giảm lãi suất điều hành lần thứ tư của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực. Trước đó ít ngày, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho biết không tăng lãi suất trong kỳ họp tháng 6 này. Từng đó thông tin thường thì sẽ khiến thị trường chứng khoán bật tăng mạnh, nhưng phiên đầu tuần 19/6 lại chứng kiến VN-Index giảm gần 9,82 điểm (-0,88%) xuống 1.105,4 điểm với thanh khoản trên sàn TP.HCM chỉ đạt gần 12.500 tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán chỉ có thể tăng điểm nhờ nội lực

Liệu đó có phải là diễn biến bất thường? Theo phân tích của các chuyên gia chứng khoán, đây không phải là kết quả của việc thị trường có nhiều tin xấu mà là các thông tin tốt đã được công bố gần hết. Các kỳ vọng về FED chưa tăng lãi suất hay Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành đều đã xảy ra nên nhà đầu tư coi đó là chỉ dấu để bán khối lượng hàng đã găm giữ lâu nay.

Cổ phiếu penny (vốn hóa thấp) đã giảm giá ồ ạt sau đợt tăng giá mạnh trước đó, dẫn tới tình trạng trắng bên mua xuất hiện ở nhiều mã, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý thị trường. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cũng không còn sức hấp dẫn khiến thị trường không còn lực đỡ.

Tuy nhiên, các chuyên gia chứng khoán vẫn nhìn nhận tích cực về giai đoạn này với kỳ vọng đến hết tháng 6, một lượng lớn tiền tiết kiệm lãi suất cao sẽ đáo hạn. Và khi lãi suất điều hành giảm, lãi suất tiết kiệm giảm theo, từ đó, gửi tiết kiệm không còn là một kênh giữ vốn hấp dẫn nữa, khoản tiền đó sẽ được đổ vào chứng khoán, kích thích sự tăng trưởng của thị trường.

Mặc dù hầu hết các chuyên gia chứng khoán đều nhận định thị trường chứng khoán sẽ giữ được ngưỡng kháng cự 1.100 điểm nhờ kỳ vọng về dòng tiền tiết kiệm, nhờ tỷ lệ nợ vay/vốn hóa vẫn đang duy trì mức ổn định, chất lượng các khoảng margin hiện khá an toàn... nhưng, điểm bất lợi nhất của thị trường chứng khoán hiện nay là tình trạng sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp.

Báo cáo của S&P Global cho thấy, sản xuất của Việt Nam tiếp tục suy giảm trong tháng 5 khi nhu cầu tiêu dùng thế giới yếu kém. Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh và niềm tin kinh doanh tiếp tục giảm.

Điểm tích cực là chi phí đầu vào giảm lần đầu tiên trong ba năm, có nghĩa là các nhà sản xuất đã có thể giảm giá bán hàng để thúc đẩy nhu cầu. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đã giảm xuống 45,3 trong tháng 5 so với 46,7 trong tháng 4, từ đó báo hiệu lần suy giảm tháng thứ ba liên tiếp của các điều kiện kinh doanh, lần giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2021. Nhiều chuyên gia cũng e ngại kết quả kinh doanh quý 2/2023 của các doanh nghiệp niêm yết cũng không khá hơn quý 1.

Trong những điều kiện thực tiễn đó, dù có nhiều thông tin tốt, thị trường chứng khoán chỉ tăng điểm bền vững nếu như chính sách tháo gỡ khó khăn cho các thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp được thẩm thấu; sản xuất - kinh doanh - xuất nhập khẩu đều tăng trưởng cả về số lượng và giá trị, nghĩa là sức khỏe của các doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực đều được cải thiện. Nếu không có nội lực, đà tăng điểm của các chỉ số sẽ không thể kéo dài.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận