Đừng lừa dối người tiêu dùng

1.000 đồng hay 10.000 đồng, khách mua hàng thường không so đo.

 

Một ngày cuối tuần, khách hàng nọ đặt mua cafe kem muối của thương hiệu SẠCH+. Đây là lần mua thứ hai, và giá cả thỏa thuận từ lần mua đầu tiên là 80.000 đồng/chai cafe và 30.000 đồng/lượt ship tới phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa. 
Chuyện sẽ chẳng có gì để nói, nếu như ở lần này, nhân viên giao hàng của AhaMove không đòi thêm khách 10.000 đồng với lý do: phải đi thêm 3km vì sai địa điểm. Khi khách hàng hỏi ai đặt sai địa điểm bởi trên hóa đơn vẫn ghi rõ Tôn Đức Thắng, nhân viên giao hàng này nói không rõ ràng, chỉ biết rằng, khi anh này gọi lại (về đâu dó - không rõ là app AhaMove hay người bán SẠCH+, thì được dặn: “Lấy 10.000 đồng của khách ấy”). Thấy cách làm tùy tiện và vô lý, vị khách nọ tuyên bố thẳng thừng: hoặc là nhận 110.000 đồng, hoặc mang hàng về.
10.000 đồng là một số tiền nhỏ với khách mua hàng, sử dụng dịch vụ, nhưng điều đáng nói ở đây là dường như tâm lý đẩy phần khó, phần thiệt sang cho khách đã thành “nguyên tắc” bất thành văn của rất nhiều người cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Dù là mua hay sử dụng một hàng hóa, dịch vụ có giá trị thấp, đến những khoản đầu tư, tiết kiệm có giá trị tiền tỉ, thì người mua, người sử dụng dịch vụ thường phải chấp nhận thua thiệt về mình. Thế mới có những vụ việc người gửi tiền tiết kiệm hàng chục tỷ đồng bị mất, nhưng việc đòi lại không hề dễ dàng, dù phía ngân hàng vẫn nói rằng: ngân hàng không thoái thác trách nhiệm. 

Ngoài ra, còn một “nguyên tắc” bất thành văn khác, nếu như người mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ nhất định không chịu mất một khoản tiền vô lý, họ sẽ bị dè bỉu: “Có vài nghìn, vài chục nghìn mà cũng so đo”. Điển hình như việc nhận lại tiền lẻ 500 đồng, 1.000 đồng khi đi mua hàng ở siêu thị, trung tâm thương mại. Số tiền này thường bị lờ đi hoặc bị nhân viên thu ngân dùng kẹo để thay thế. Hoặc các cửa hàng thời trang thường có kiểu quảng cáo 99.000 đồng, 199.000 đồng, 299.000 đồng/sản phẩm, nhưng sẽ không bao giờ trả lại khách tiền thừa, mặc dù 5 sản phẩm giá 99.000 đồng thì khi khách đưa 500.000 đồng, số tiền phải trả lại đã là 5.000 đồng, không còn là “tiền lẻ khó kiếm” nữa. Ngược lại, nếu khách thiếu 1.000 đồng (ví dụ thay vì 99.000 đồng thì chỉ còn 98.000 đồng) thì rất ít nhân viên bán hàng hoặc quản lý cửa hàng chịu bớt phần tiền nhỏ đó cho khách.

1.000 đồng hay 10.000 đồng, khách mua hàng thường không so đo. Nhiều người sẵn sàng bỏ ra gấp nhiều lần giá trị hàng hóa để giúp đỡ người bán, nhất là những người bán phi lợi nhuận, dùng số tiền bán hàng để đi làm việc thiện. Thế nhưng, tranh thủ sự tử tế của khách hàng để đẩy cái khó sang cho họ thì không còn là hoạt động mua bán minh bạch và sòng phẳng nữa, mà giống như một sự lừa dối. Rất nhiều khẩu hiệu (slogan) “Khách hàng là Thượng Đế”, “Khách hàng trả lương cho bạn”, “Đỉnh cao giao hàng”... doanh nghiệp và người kinh doanh dịch vụ nào cũng nghĩ ra được. Nhưng để làm được đúng như các khẩu hiệu đó thì không được lừa dối khách hàng và phải trung thực với chính mình, cần chuyên nghiệp ngay từ những việc nhỏ nhất và những đồng tiền mệnh giá thấp nhất.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận