'Ngấm đòn'

"Ngấm đòn" là từ mà nhiều người dùng để mô tả tình trạng suy thoái kinh tế sau đại dịch. "Cứ phải qua hết năm nay mới biết là mình có trụ được hay không".

 

Anh Dương Văn Thọ ở xóm Hòa Bình, Thạch Đồng, Hà Tĩnh mở quán phở từ đầu năm nay. Tuy nguyên liệu chọn lọc, công thức riêng và mỗi ngày tiêu thụ 50 - 100 bát phở, nhưng anh vẫn xác định: "Cứ phải qua hết năm nay mới biết là mình có trụ được hay không. Năm nay kinh tế suy thoái, ai cũng giảm chi tiêu nên chưa biết sẽ duy trì được như thế nào. Đấy là em không mất tiền thuê mặt bằng vì mở tại nhà. Chứ nếu phải thuê mặt bằng thì sợ không quá 3 tháng".

Tương tự, chị Hiệp - chủ shop Thời trang trẻ em ở thành phố Vinh - cho biết: nếu như năm ngoái lượng hàng bán ra mỗi ngày được hàng chục triệu đồng, thì năm nay có ngày chỉ thu được trên dưới 1 triệu đồng. Nhiều khách hàng đã chuyển từ "mua không cần hỏi giá" sang cân nhắc kỹ càng trước khi mua. Chị Hiệp thở dài: "Ai cũng thắt chặt chi tiêu, "ngấm đòn" cả rồi".

Nhiều chủ kinh doanh đóng cửa, trả mặt bằng

"Ngấm đòn" là từ mà nhiều người dùng để mô tả tình trạng suy thoái kinh tế sau đại dịch. Nếu như khi đại dịch Covid-19 mới bắt đầu, các chủ cửa hàng đóng cửa, trả mặt bằng vì sợ các biện pháp phòng chống dịch, giãn cách sẽ làm họ mất đi số vốn đã đổ ra để thuê mặt bằng, nhưng vẫn kỳ vọng mọi việc sẽ qua nhanh, thì nay, ở nhiều khu phố kinh doanh, chủ cửa hàng trả mặt bằng bởi quá nhiều áp lực. Không chỉ giá cho thuê mặt bằng đang ở mức khá cao, lãi suất ngân hàng cũng cao, mà còn có áp lực về khả năng tiêu thụ. Số đông người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu do thu nhập sụt giảm. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh - bao gồm cả doanh nghiệp chế biến hàng xuất khẩu - không có đủ đơn hàng để duy trì sản xuất, kinh doanh. Một bộ phận người lao động mất việc làm hoặc giảm thời gian làm việc, đồng nghĩa với thu nhập giảm sút.

Những biến động tiêu cực này, Chính phủ đã lường trước được, nên ngay trong thời gian dịch bệnh còn diễn biến phức tạp đã liên tiếp có các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhằm cầm cự qua đại dịch, phục hồi sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, hoạt động kinh tế của Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào thị trường bên ngoài, nên khi các đối tác lớn "cảm cúm", thì sản xuất kinh doanh của ta cũng "ốm sốt". Ngoài ra, cách thức triển khai chính sách ở một số địa phương, Bộ ngành còn chậm chạp, nhiều thủ tục rườm rà, khiến cho chính sách chậm đến hoặc không kịp đến được với doanh nghiệp.

Theo Tổng cục Thống kê, 2 tháng đầu năm 2023, cả nước có xấp xỉ 51.400 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Con số thực tế có thể còn cao hơn. Đặc biệt, các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đang gặp rất nhiều vướng mắc. Theo thông tin từ Sở Xây dựng TP.HCM, đến nay đã có 9 sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn công bố chấm dứt hoạt động. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan tham mưu cho Chính phủ không ngừng "để mắt" tới các doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực đang đối mặt với nguy cơ, để kịp thời cảnh báo khi "có biến"./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận