Khi cổ phiếu không bằng mớ rau

Việc có quá nhiều cổ phiếu trên sàn giao dịch TPHCM thị giá giờ chỉ còn dưới 10.000 đồng, trong đó có những cổ phiếu giá chỉ 1.400 đồng, rẻ hơn một mớ rau.

 

Hơn một năm nay, thị trường chứng khoán chủ yếu đón những thông tin không tích cực, khi một số "ông trùm" đang "làm mưa làm gió" thị trường như FLC, Louis Holding với hàng chục phiên tăng trần, giá cao chót vót, lợi nhuận "khủng"... cuối cùng lộ diện chỉ là những "con hổ giấy" với chiêu trò làm giá, thổi giá, thao túng thị trường. Một số chủ doanh nghiệp đã bị bắt giữ để điều tra với kỳ vọng của nhà quản lý là thanh lọc, làm lành mạnh thị trường, mang lại quyền lợi hợp pháp cho nhà đầu tư chân chính.

Tuy nhiên, những nỗ lực đó chưa thực sự đem lại kết quả như mong muốn. Sau một số năm tăng trưởng nóng, thời gian qua, thị trường chủ yếu nhìn thấy sự sụt giảm của hầu hết tiêu chí, từ chỉ số thị trường, số lượng nhà đầu tư cho đến tính thanh khoản. Tại phiên giao dịch cuối cùng của tháng 2/2023, thanh khoản thị trường đã xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm, chỉ còn chưa đến 6.500 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng với những mã chứng khoán từng được coi là "đầu tàu" hoặc có tiềm lực mạnh của một ngành như HPG (ngành thép), SSI (chứng khoán), VHM (bất động sản), MBB (ngân hàng).

Ở khía cạnh tích cực, có thể coi thị giá của nhiều loại cổ phiếu đã trở về giá trị thực, không còn bị thổi phồng như thời điểm năm 2021. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận lại việc có quá nhiều cổ phiếu trên sàn giao dịch TPHCM - HOSE thị giá giờ chỉ còn dưới 10.000 đồng, trong đó có những cổ phiếu giá chỉ 1.400 đồng, rẻ hơn một mớ rau. Ở sàn Hà Nội HNX cao hơn một chút với mức thấp nhất là 3.500 đồng/cổ phiếu. Thị giá cổ phiếu của một doanh nghiệp thấp đến như vậy, liệu nhà đầu tư có yên tâm bỏ vốn?

Ở khía cạnh tiêu cực, diễn biến thị trường tài chính (bao gồm thị trường chứng khoán) một năm qua cho thấy: chứng khoán và những cổ phiếu chính thống không còn là kênh đầu tư hấp dẫn, trái phiếu doanh nghiệp (cần hiểu là những mã chưa lên sàn) cũng đang "vỡ trận" do bê bối của nhiều doanh nghiệp phát hành. Và bất động sản, kênh đầu tư từng được coi là sinh lời nhất sau đại dịch, giờ cũng nằm yên mong được tháo gỡ.

Thị trường tài chính cần gì để hồi phục là câu hỏi không dễ trả lời bởi có rất nhiều mắt xích đan xen. Nhưng vẫn có thể đưa ra một vài giải pháp. Ví dụ như khoanh nợ, hoãn nợ đối với doanh nghiệp bất động sản đáp ứng đủ yêu cầu về pháp lý, làm ăn hiệu quả để họ có thời gian "kéo cày trả nợ" cho các trái chủ mua trái phiếu doanh nghiệp. Ví dụ như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh để họ thúc đẩy hoạt động, từ đó nâng cao giá trị doanh nghiệp. Nhưng điều quan trọng hơn hết là củng cố được niềm tin của các nhà đầu tư, để họ lại tìm thấy ở thị trường chứng khoán yếu tố đảm bảo là một kênh đầu tư hiệu quả, để họ sẵn sàng bỏ vốn đồng hành cùng doanh nghiệp. Đồng thời cũng cần kiểm soát chặt chẽ để các chính sách gỡ khó cho doanh nghiệp bất động sản, cho thị trường chứng khoán không bị bóp méo, trục lợi bằng những thủ thuật tinh vi./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận