Giải cứu hay không giải cứu?

Những ngày gần đây, ở các chợ Hà Nội xuất hiện nhiều người bán trứng gà ta với giá chỉ 65.000 đồng/30 quả. Có người còn mua được rẻ hơn, 55.000 đồng/30 quả.

 

Những ngày gần đây, ở các chợ Hà Nội xuất hiện nhiều người bán trứng gà ta với giá chỉ 65.000 đồng/30 quả. Có người còn mua được rẻ hơn, 55.000 đồng/30 quả. Đó là một trong những hoạt động "giải cứu" nông sản vẫn thường diễn ra lâu nay, mà nguyên nhân được cho là do sai vùng quy hoạch và không xác định được nhu cầu của người tiêu dùng, hoặc tệ hơn, một bộ phận người kinh doanh trà trộn sản phẩm kém chất lượng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã từng nói rằng không thể để nông sản Việt cứ suốt ngày phải giải cứu. Từ "giải cứu" thể hiện một nền kinh tế kém chuyên nghiệp và thiếu tầm nhìn.

Ấy thế mà cái tư tưởng "giải cứu" ấy bỗng dưng lan đến ngành kinh tế thu hút nhiều sự quan tâm nhất: bất động sản. Thị trường đóng băng, trái phiếu đáo hạn, lãi ngân hàng tăng khiến doanh nghiệp "kêu" với Chính phủ và các Bộ ngành, mong có sự hỗ trợ. Thế nhưng, khác với nhà nông một nắng hai sương sẵn sàng hạ giá bán sản phẩm nếu cần "giải cứu", giá bất động sản không giảm, mà chỉ tạm ngừng tăng. Bao nhiêu năm nay giá nhà đất, giá chung cư tăng cao mà chẳng cần có cơ sở gì hết, cho dù áp dụng quy luật giá trị thặng dư hay cung cầu, đặc biệt là từ năm 2022 đến nay, khi nới lỏng giãn cách xã hội. Đơn cử như với phân khúc chung cư, giờ đây loại căn hộ có giá dưới 25 triệu đồng/m2 gần như không còn nữa.

Câu chuyện đấu giá đất Thủ Thiêm vẫn còn đó

Có cần giúp bất động sản gỡ khó (không phải "giải cứu") không? Câu trả lời là cần, bởi sự đổ vỡ của ngành kinh tế lớn này có thể ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực kinh tế khác, cũng như đời sống, việc làm của người lao động. Nhưng phải là gỡ khó bằng chính sách, với những tiêu chí rõ ràng. Ví dụ có chuyên gia đề xuất như cho phép doanh nghiệp vẫn làm ăn hiệu quả được hoãn nợ khoảng 1 - 2 năm để tiếp tục kinh doanh lấy tiền trả nợ trái chủ, trong thời gian đó trái chủ không đưa đơn kiện doanh nghiệp yêu cầu phá sản. Còn với những doanh nghiệp cố tình phát triển cùng lúc nhiều dự án, không kiểm soát được dòng vốn thì cứ để thị trường đào thải. Nhiều chuyên gia đề nghị đặt giao dịch trái phiếu bất động sản về đúng ý nghĩa giao dịch dân sự, để trái chủ cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn trước khi đầu tư. Nhưng rõ ràng là không thể mang tiền ra "giải cứu" như đối với nông sản. Bởi lẽ, ngân sách đủ để "giải cứu" tất cả. Thứ hai, cần tuân thủ quy luật thị trường: giảm giá, giảm lợi nhuận để đẩy mạnh tiêu thụ. Và thứ ba, quan trọng nhất, người giải cứu nông sản là người tiêu dùng, họ bỏ tiền túi ra để hỗ trợ nông dân. Nếu Chính phủ hay ngân hàng bỏ tiền ra để "giải cứu" bất động sản thì không công bằng giữa một bên là căn hộ, ngôi nhà, khu đô thị và một bên là quả trứng, con gà, trái sầu riêng, dưa hấu.

Rất nhiều dự án bất động sản mọc lên trên cả nước

Tại Hội nghị trực tuyến về bất động sản mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, giá bất động sản phải là động lực để thúc đẩy sự phát triển, chứ không phải triệt tiêu sự phát triển. "Lúc làm ăn có lãi bù trừ với lúc làm ăn thua lỗ. Không thể lúc nào cũng có lãi được, không thể khó khăn cũng đòi có lãi, không có ai nắm tay đến tối, gối tay đến sáng, phải góp phần vì cái chung", Thủ tướng nhấn mạnh./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận