Chợ Tết

Sau hơn 2 năm đại dịch, nhiều gia đình thay vì đến trung tâm thương mại, siêu thị, đi hội chợ hay ra chợ truyền thống, đã đặt hàng online trên các chợ điện tử.

 

Từ giữa tháng 12/2022, khi còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Quý Mão, một chuyên gia thương mại đã cần mẫn nhắn nhủ tới những bạn bè thân thiết: "Ngày Tết dù ăn uống đơn giản cũng chịu khó mua sắm một chút để không uổng công các doanh nghiệp thương mại chuẩn bị hàng nhé!". Tin nhắn ấy không chỉ thể hiện tấm lòng đau đáu với ngành thương mại của vị chuyên gia nọ, mà còn cho thấy một thực tế: ngành thương mại đang phải cạnh tranh gay gắt, và chợ Tết giờ đây có ở nhiều loại hình "chợ" khác nhau.

Sau hơn 2 năm đại dịch, nhiều gia đình thay vì đến tận các trung tâm thương mại, siêu thị, đi hội chợ hay ra chợ truyền thống, các phố bán buôn hàng hóa Tết (ví dụ như tuyến Hàng Buồm, Hàng Mã, Hàng Đường ở Hà Nội) thì đã đặt hàng online trên các chợ điện tử, trong đó sàn thương mại điện tử Shopee đang chiếm vị thế áp đảo, tiếp đó là Lazada và Sendo, ở vị trí thấp hơn nữa sẽ là các sàn thương mại điện tử thuần Việt như Voso... Lợi thế của các sàn thương mại điện tử này là quy tụ được rất nhiều người bán cùng một mặt hàng nên người mua có thể so sánh chủng loại, giá cả và phần nào đó chất lượng sản phẩm. Ví dụ như sàn thương mại điện tử Shopee có phương thức đánh giá người bán, nên người mua có thể tham khảo chất lượng hàng hóa, dịch vụ thông qua điểm sao và những lời đánh giá, từ đó lọc bớt (tất nhiên không thể triệt để) những thương gia làm ăn kém uy tín. Cùng với đó, trên mạng xã hội Facebook, Zalo cũng quy tụ rất nhiều người kinh doanh hàng hóa tết, và chỉ cần lướt Facebook, trò chuyện trên Zalo, người tiêu dùng cũng cùng một lúc có thể mua hàng.

Một giỏ quà tết được quảng cáo trên mạng xã hội

Trong khi đó, chợ truyền thống với lợi thế gần, tiện, quen thuộc lại là điểm mua bán hàng tươi sống, hoa tươi phong phú, đa dạng và gần gũi nhất với nhu cầu Tết khá cầu kỳ và đặc sắc so với ngày thường. Do đó, việc vị chuyên gia thương mại nọ lo lắng cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, thực tế thị trường không đến mức phải quá lo lắng. Bởi các doanh nghiệp vẫn mạnh dạn đầu tư cho mùa kinh doanh lớn nhất năm. Theo ước tính, nhu cầu mua sắm sẽ tăng khoảng 4 - 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổ Điều hành thị trường trong nước - Bộ Công Thương - cho biết, dự trữ hàng hóa dịp tết này tăng khoảng 7-10% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ riêng 2 đầu tàu kinh tế Hà Nội và Tp.HCM đã chi hơn 60.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng hóa Tết. Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết tại Hà Nội khoảng 39.500 tỷ đồng (tăng 15% so với kế hoạch phục vụ Tết năm 2021). Sở Công Thương Tp.HCM cho biết các doanh nghiệp đã dành nguồn vốn 22.000 tỷ đồng để chuẩn bị hàng hóa trong 2 tháng Tết. Dự báo nguồn hàng tăng khoảng 2-3 lần so với các tháng bình thường. Năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 19,8% so với năm trước và tăng 15% so với năm 2019, trước khi xảy ra dịch Covid-19.

Thực tế cho thấy, những trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích...biết khai thác nguồn hàng chất lượng tốt, giá cả hợp lý, chăm sóc khách hàng chu đáo vẫn luôn có lượng khách hàng thân quen của mình. Sự cạnh tranh chỉ càng khiến "chợ tết" phong phú hơn./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận