Lạm phát quý 1.2022 và dự báo cho cả năm

Trong 3 tuần của tháng 3, xăng dầu đã tăng thêm 2 lần nữa với biên độ mạnh, và chỉ giảm 1 lần với mức không đáng kể, dẫn tới giá xăng đã lên xấp xỉ 30.000 đ/lít

 

Chỉ số giá tiêu dùng CPI hai tháng đầu năm 2022 tăng 1,68% so với cùng kì năm ngoái, tác động chính là giá lương thực và giá xăng. Bình quân trong 2 tháng qua, giá xăng dầu trong nước đã tăng 45,3% so với cùng kì năm 2021. Trong 3 tuần của tháng 3, xăng dầu đã tăng thêm 2 lần nữa với biên độ mạnh, và chỉ giảm 1 lần với mức không đáng kể, dẫn tới giá xăng đã lên xấp xỉ 30.000 đ/lít. Một số loại dầu khác cũng tăng khá mạnh, như vậy tính từ cuối tháng 12/2021 đến 20/3/2022 đã có 7 lần tăng giá xăng dầu. Đây là những mặt hàng là đầu vào quan trọng của sản xuất, thương mại dịch vụ, vận tải và tiêu dùng.

Giá xăng dầu tăng ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và đời sống

Dịch bệnh và cuộc chiến Nga - Ukraine làm cho giá các nguyên liệu đầu vào tăng khá mạnh như phân bón, nguyên phụ liệu cho dệt may da giầy, hóa chất, nhựa các loại,v.v. Sự yếu kém của hệ thống phân phối, sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng trong và ngoài nước chưa được hàn gắn lại đã góp phần làm cho chỉ số giá tăng khá mạnh. Chính vì vậy, để thực hiện được mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm nay là 4% đòi hỏi sự cố gắng vượt bậc bằng nhiều giải pháp và chính sách cụ thể từ tầm vĩ mô cho đến doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Nỗi lo lạm phát

Ở tầm vĩ mô, thực hiện tốt cân đối lớn các chỉ tiêu quan trọng của nền kinh tế, chủ động trong sản xuất, dự trữ những mặt hàng chiến lược quan trọng như xăng dầu, than..., giảm bớt sự phụ thuộc quá nhiều vào nước ngoài khi có biến động bất lợi, đảm bảo hài hòa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Đẩy nhanh việc giải ngân gói phục hồi kinh tế đúng địa chỉ, tiết kiệm, kịp thời và chống trục lợi chính sách. Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công những công trình hạ tầng trọng điểm như sân bay Long Thành, cao tốc Bắc Nam... Kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính, các khoản phí thuế cao vô lý đang tồn tại làm tăng chi phí không đáng có cho các doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh dịch vụ, thích ứng với tình hình mới khi chúng ta mở cửa trở lại. Tiếp tục thực hiện chính sách thu hút đầu tư hiệu quả, đảm bảo tăng trưởng xanh và từng bước thiết lập nền kinh tế tuần hoàn. Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, sản phẩm Việt ở thị trường nội địa và xuất khẩu.

Đi đôi với phát triển sản xuất, cần tổ chức lại hệ thống phân phối quốc gia, xây dựng cơ sở hạ tầng cho thương mại dịch vụ, khôi phục các chuỗi cung ứng, đảm bảo tiêu thụ hiệu quả của cải vật chất làm ra, đảm bảo lợi nhuận cho người sản xuất. Giao dịch hàng hóa nội địa công khai minh bạch, chống ép cấp ép giá và sự thao túng của một số đơn vị bán lẻ liên quan tới giá mua, chiết khấu và các chi phí khác khi ký gửi hàng hóa. Doanh nghiệp Việt phải làm chủ hệ thống phân phối của mình, bởi mất phân phối là mất cả sản xuất. Tăng cường công tác kiểm soát, quản lý thị trường, xử lý nghiêm những tổ chức cá nhân vi phạm, bảo vệ người làm ăn chân chính. Cần tăng cường công tác liên kết vùng, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho hàng hóa Việt, tạo sức mạnh chung của cộng đồng doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần thường xuyên đổi mới, hoàn thiện quy trình sản xuất kinh doanh để thích nghi với bình thường mới./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận