Né 'nguy' đón 'cơ' như thế nào?

Chiến sự giữa Nga và Ukraine tác động mạnh đến rất nhiều lĩnh vực kinh tế, trong đó đáng chú ý nhất là lĩnh vực năng lượng và tài chính

 

Chưa kịp phục hồi thực sự sau ảnh hưởng quá nặng nề của đại dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam lại phải đón nhận sóng kép khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine ngày một gia tăng. Chiến sự giữa Nga và Ukraine tác động mạnh đến rất nhiều lĩnh vực kinh tế, trong đó đáng chú ý nhất là lĩnh vực năng lượng (bao gồm dầu khí và than) và tài chính.

Nga hiện nay là quốc gia cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu. Theo Tổng cục Năng lượng của EU, khoảng 25% năng lượng tiêu thụ của EU là từ khí đốt tự nhiên, dầu và dầu mỏ chiếm 32%, năng lượng tái tạo và năng lượng sinh học chiếm 18%, nhiên liệu hóa thạch rắn chiếm phần còn lại 11%. Với 25% năng lượng từ khí đốt tự nhiên trong khi nguồn cung của khu vực cạn kiệt, đồng nghĩa châu Âu phải phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga.

Ngày 24/2, khi chiến sự ở Ukraine nổ ra, giá dầu Brent đã phi mã vượt mốc 100 USD/thùng, cao nhất kể từ năm 2014. Giá khí đốt tự nhiên cũng tăng tới 6,5% và chốt ngày tăng ở mức 2%. Kể từ thời điểm đó đến nay, giá dầu, khí và các sản phẩm liên quan không ngừng gia tăng. Đầu tuần này, dầu WTI tăng 8,19% lên mức 125,16 USD/thùng; dầu Brent tăng 8,97% lên mức 128,70 USD/thùng, dẫn tới giá bán lẻ xăng dầu trong nước đạt đỉnh gần 27.000 đồng/lít và có thể lên mức giá 30.000 đồng/lít trong vài ngày tới nếu không có những hỗ trợ bằng giải pháp thuế.

Giá xăng dầu có thể vượt ngưỡng 30.000 đồng/lít

Vàng - mặt hàng biến động cùng chiều với giá dầu - cũng không ngừng tăng giá và ngày 8/3/2022 đã lên mức 2.015 USD/ounce, tương đương xấp xỉ 55.830.000 đồng/lượng chưa kể thuế phí, khiến giá vàng trong nước thời điểm đêm 7 và sáng 8/3/2022 đã lên tới con số kỷ lục: bán ra 74.440.000 đồng/lượng.

Giá vàng SJC sáng 8/3/2022 có lúc đã lên đến 74.400.000 đồng/lượng, cao hơn giá thế giới quy đổi xấp xỉ 17.000.000 đồng/lượng

Cùng với đó, việc SWIFT cấm các ngân hàng Nga cũng khiến cho việc thanh toán xuất nhập khẩu, thực hiện các đơn hàng dịch vụ quốc tế như hàng không, du lịch gặp nhiều khó khăn.

Tất cả những nguy cơ đó đang hiện hữu trong bài toán điều hành kinh tế vĩ mô, chiến lược giai đoạn ngắn của từng Bộ, từng ngành hàng, từng doanh nghiệp và từng nhà kinh doanh. Xét ngắn hạn, "trong nguy luôn luôn có cơ", và cánh cửa đóng lại ở chỗ này với nhóm này thì lại mở ra ở chỗ khác với nhóm khác. Ví dụ như có thể tranh thủ thâm nhập những thị trường lâu nay khó cạnh tranh với doanh nghiệp Nga, Ukraine, hay khuyến khích những giao dịch không bị phụ thuộc thanh toán quốc tế thông qua Nga, không vận chuyển qua không phận giao tranh...v..v.. Các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam đã từng tranh thủ rất tốt cơ hội trong đại dịch Covid-19 để giữ cho nền kinh tế hơn 2 năm không tăng trưởng âm. Tuy nhiên, những cơ hội đó cũng chỉ thành hiện thực nếu các doanh nghiệp nhanh chóng nhìn ra và nắm bắt, cơ quan quản lý tạo điều kiện đồng hành cùng doanh nghiệp chớp lấy thời cơ.

 

Cũng giống như bức tranh trên thị trường chứng khoán Việt Nam: dù phiên chiều 8/3/2022 thị trường mất tới 25,34 điểm, chỉ còn 1473,71 điểm, nhưng vẫn có tới 56 mã tăng trần và vẫn có những nhà đầu tư có lãi sau phiên này./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận