Kinh tế số - không cần ép buộc

Năm 2021 ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt

 

Nói đến điểm nhấn quan trọng của kinh tế 2021, chúng ta không thể không nhắc đến hiệu quả chuyển đổi số của toàn bộ nền kinh tế. Năm 2021 ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt. Đại dịch Covid-19 với những lần giãn cách xã hội kéo dài đã khiến người dân quen với việc mua - bán trên hạ tầng số và thanh toán thông qua chuyển khoản hay dùng mã QR nhanh hơn tất cả những gì chúng ta đã nỗ lực hàng chục năm qua nhằm giảm  lượng tiền mặt sử dụng trong nền kinh tế. Có thể thấy, để một chính sách - dù đúng đắn - đi vào cuộc sống, thì trước hết chính sách ấy phải thuận tiện và thiết thực.

ảnh minh họa

Thành công của thương mại điện tử năm 2021 không chỉ phát triển nhờ nhu cầu tự phát của người dân trong giãn cách xã hội, mà còn từ nỗ lực của các địa phương phối hợp với các Bộ ngành và sàn thương mại điện tử. Thành công của tỉnh Bắc Giang trong mùa vải 2021, khi chỉ trong một tháng chính vụ đã tiêu thụ được gần 200.000 tấn vải thiều, trong đó tiêu thụ qua các sàn thương mại điện tử một con số kỷ lục khoảng 6.000 tấn, là cơ sở để các địa phương khác nghiên cứu, vận dụng, và chính tỉnh Bắc Giang điều chỉnh để áp dụng trong tiêu thụ nông sản khác khi đến vụ.

Vải thiều vào siêu thị

Như vậy, muốn thực sự phát triển kinh tế số, chúng ta không thể chỉ dùng những giải pháp hành chính để thay đổi thói quen, mà cần tạo điều kiện để thói quen ứng dụng thương mại điện tử và tiêu dùng không sử dụng tiền mặt trở thành nhu cầu tự thân của doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà sản xuất và người tiêu dùng. Khi người mua thấy việc mua bán trên nền tảng số, thanh toán không dùng tiền mặt tiết kiệm được thời gian, công sức, hạn chế được những phiền toái, rắc rối không đáng có, họ sẽ tìm đến các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, trang web giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp, hợp tác xã để mua hàng. Việc của người bán là tạo điều kiện thuận lợi nhất - đặc biệt là về thông tin, giải pháp thanh toán và phương thức vận chuyển - để người mua có thể xem xét, lựa chọn sản phẩm phù hợp. Phát huy được thương mại điện tử, người mua tiết kiệm được thời gian, công sức; người bán tiết kiệm được chi phí thuê cửa hàng, trả lương nhân viên, còn đội ngũ trung gian như kho bãi, vận chuyển có thêm công việc và thu nhập. Tuy nhiên, cũng như mọi hình thức thương mại khác, dù thuận tiện đến đâu cũng cần một hệ thống kiểm tra, giám sát bài bản, công tâm để từ việc kiểm định chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đến bảo vệ người tiêu dùng phải được thực hiện một cách nhanh chóng, ứng dụng nền tảng số hiệu quả, tránh tình trạng nền tảng số bị lợi dụng để tiêu thụ hàng gian, hàng giả, hàng kém phẩm chất, cạnh tranh không lành mạnh... Nghĩa là để thúc đẩy phát triển kinh tế số, thực tiễn đang yêu cầu các cơ quan quản lý phải số hóa một cách chuyên nghiệp./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận