Hào hứng nhưng đừng chủ quan

Ngày 21/9/2021, Hà Nội điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới. Nhiều người Hà Nội coi Chỉ thị 22 như "quà Trung thu.

 

Ngày 21/9/2021, thành phố Hà Nội điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới. Nói một cách dễ hiểu hơn thì Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội, không kiểm tra giấy đi đường của công dân, cho phép mở lại những dịch vụ thiết yếu như sửa xe, cắt tóc, hàng ăn uống được bán mang về... Sau hai tháng ở yên tại nhà, đi chợ theo phiếu, đi làm theo giấy, ăn uống đơn giản với những gì tích trữ và tự có... thì nhiều người Hà Nội coi Chỉ thị 22/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội như "món quà" ngày Tết Trung thu.

 

Thế nhưng, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trong cả nước, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam, việc nhiều người quá phấn khích khiến cộng đồng lo ngại. Bởi lẽ, ngay trong đêm thành phố Hà Nội ban hành Chỉ thị 22, chỉ cách trung tâm Thủ đô 55 km về phía Nam, tại thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, xuất hiện hơn 10 ca nghi nhiễm COVID-19 khiến Phủ Lý có một đêm gần như thức trắng để khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm thần tốc, tiêm phủ diện rộng. Và cùng ngày 21/9, 10 ca F0 ở huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, nơi đang được lựa chọn thực hiện thí điểm "hộ chiếu vaccine" nhằm mở cửa đón du khách nước ngoài, khiến cho những người quan tâm đến kinh tế du lịch phải sững sờ, lo lắng. Không lo lắng sao được, nếu như không nhanh chóng kiểm soát tốt dịch ở Phú Quốc thì cơ hội để Việt Nam khơi thông đường cho phát triển kinh tế du lịch sau đại dịch sẽ vuột khỏi tay.

 

Ai cũng hiểu, giãn cách xã hội là hành động đặc biệt quan trọng khi dịch bùng phát mạnh, bởi lúc đó tính mạng, sức khỏe và sự an toàn của người dân được đặt lên trên hết. Tuy nhiên, khi chúng ta từng bước khống chế được dịch, đồng thời cũng nhìn nhận vấn đề rất khó để tiêu diệt hoàn toàn dịch bệnh, thì cần sớm giảm giãn cách xã hội, từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế xã hội. Những biện pháp phòng chống dịch gây tốn kém và khó khăn cho doanh nghiệp, như yêu cầu thực hiện "3 tại chỗ" cần sớm được gỡ bỏ. Theo ước tính, để thực hiện "3 tại chỗ", một doanh nghiệp sẽ phải tốn thêm cho công nhân khoảng 9,3 triệu đồng, cao gấp rưỡi mức lương bình quân của người lao động. Đó là con số mà ít doanh nghiệp chịu được. Vì vậy, thay đổi phương thức chống dịch song song với phát triển kinh tế như đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng để số công nhân, người lao động trong các ngành bán lẻ, dịch vụ được tiêm đủ 2 mũi tăng lên, đáp ứng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp, đồng thời thực hiện "1 cung đường 2 điểm đến" để hạn chế việc lây lan COVID-19 trong cộng đồng là cách để từng bước khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Phải khống chế dịch để khôi phục sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế

Nới lỏng giãn cách xã hội ở những địa phương chứng minh được biện pháp chống dịch hiệu quả là một cách khác để phục hồi không chỉ các ngành sản xuất kinh doanh thiết yếu, mà còn dần khôi phục trạng thái bình thường mới. Trong buổi làm việc mới đây với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở TPHCM, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nêu rõ: tuyệt đối không để xảy ra ổ dịch lớn trong doanh nghiệp; tránh tình trạng sản xuất trở lại mà không có kiểm soát: “Nếu một khu công nghiệp có tới 20.000 công nhân mà trở thành ổ dịch thì rất nguy hiểm. Tuy nhiên, cũng không cứng nhắc khi có F0 thì đóng cửa nhà máy với hàng nghìn công nhân. F0 ở xưởng nào thì dừng xưởng đó và ngay trong xưởng đó, nếu xác định F0 chỉ liên quan đến một số F1 thì cách ly F1, thậm chí xưởng đó vẫn có thể hoạt động”.

Không thể vì 1 F0 đóng cửa cả nhà máy

Nền kinh tế cần được vận hành, hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới, nghĩa là nới lỏng để sản xuất kinh doanh, nhưng vẫn phải đề cao cảnh giác với dịch bệnh. Bất kỳ lúc nào, bất cứ nơi đâu, bất kể ai chỉ một chút chủ quan đều có thể gây nên hậu quả nghiệm trọng. "Vui thôi, đừng vui quá!" - câu nói ấy chưa bao giờ đúng như lúc này./.

Vui thôi, đừng vui quá. Ảnh: báo Tuổi trẻ

 

Bình luận

    Chưa có bình luận