Mục tiêu tăng trưởng 2021 có đạt kỳ vọng?

Báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam ấn bản tháng 8/2021 của Ngân hàng Thế giới dự kiến GDP Việt Nam năm 2021 sẽ tăng trưởng khoảng 4,8%

 

Năm 2021 đã trôi qua gần 3/4, dù đại dịch COVID-19 đang gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, nhưng theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới WB thì các chỉ số kinh tế 6 tháng đầu năm của Việt Nam vẫn "ghi nhận kết quả vững chắc". Báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam ấn bản tháng 8/2021 dự kiến GDP Việt Nam năm 2021 sẽ tăng trưởng khoảng 4,8%. Dự báo này thấp hơn hai điểm phần trăm so với dự báo được WB đưa ra vào tháng 12/2020, có xét đến tác động tiêu cực của đợt dịch COVID-19 thứ tư đến các hoạt động kinh tế.

ảnh minh họa

Theo báo cáo, doanh số bán lẻ tháng 7/2021 đã giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 4 năm 2020. Chỉ số sức mua hàng (PMI) cũng giảm đáng kể. Cán cân thương mại hàng hóa xuất nhập khẩu đã thâm hụt trong vài tháng qua, nhà đầu tư nước ngoài đã có phần thận trọng hơn. Đặc biệt, dịch COVID-19 tái bùng phát diện rộng khiến doanh nghiệp xuất khẩu phải tạm thời đóng cửa nhà máy hoặc đình hoãn sản xuất dẫn tới chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

Trong bối cảnh đó, ông Rahul Kitchlu, Quyền Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng: khả năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam ở những tháng còn lại của năm 2021 tùy thuộc vào kết quả kiểm soát đợt dịch COVID-19 bùng phát hiện nay, hiệu quả triển khai vaccine, và hiệu suất của các biện pháp tài khóa nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình bị ảnh hưởng, và để kích thích phục hồi. Dù nguy cơ kinh tế suy giảm đã hiện hữu, nhưng theo WB các yếu tố căn bản của kinh tế Việt Nam vẫn vững chắc và nền kinh tế có thể quay lại tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch (6,5 đến 7%) từ năm 2022 trở đi.

Tuy nhiên, trong giai đoạn trước mắt, Chính phủ, chính quyền các địa phương và các bộ ngành cần cải thiện có chiều sâu và hiệu quả các chương trình an sinh xã hội để giảm thiểu những tác động tiêu cực mà khủng hoảng COVID-19 để lại, đồng thời cảnh giác với các rủi ro tài chính, đặc biệt là nợ xấu. Chính sách tài khóa cần cân đối giữa mục tiêu hỗ trợ phục hồi kinh tế và nhiệm vụ duy trì nợ công ở mức bền vững.

DN dệt may sử dụng rất nhiều lao động

Một trong những yếu tố cần được quan tâm hàng đầu để phục hồi nền kinh tế sau đại dịch để chuẩn bị cho trạng thái bình thường mới, vẫn là chăm lo sức khỏe cho cộng đồng doanh nghiệp. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng năm 2021, cả nước có 85.500 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Nhưng đồng thời cũng có 81.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 32.400 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 8 tháng năm 2021 là 114.000 doanh nghiệp. Trung bình mỗi tháng có gần 14.300 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Đây là một tín hiệu tích cực trong điều kiện dịch COVID-19 bùng phát mạnh, nhất là ở các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát mạnh cũng khiến số lao động giảm 54,9%, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 57% và số vốn đăng ký giảm 76,5% so với tháng 8/2020. Nhiều tháng giãn cách xã hội ở nhiều địa phương chủ lực kinh tế cùng những quy định ngặt nghèo về phòng chống dịch càng khiến doanh nghiệp yếu sức hơn. Một thống kê không chính thức cho thấy nếu thực hiện "3 tại chỗ", doanh nghiệp sẽ phải mất thêm khoảng 9,3 triệu chi phí cho mỗi người lao động một tháng, bởi vậy, có không ít doanh nghiệp hiện chỉ còn đủ  tiền cho khoảng một tháng hoạt động. Do đó, việc cần làm ngay khi các địa phương nới lỏng dần dần giãn cách xã hội là tạo điều kiện cho người lao động đã tiêm đủ 2 mũi vaccine quay lại làm việc và giảm, hoãn, miễn các khoản thuế phí để giúp sức cho Ddoanh nghiệphoạt động trở lại. Đó là cách thiết thực để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra cho 2021./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận