Lãi suất 0%: Thấy cây mà chưa thấy rừng

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) vừa có đề xuất hạ dần lãi suất tiền gửi VND về mức 0%/năm.

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Kinh tế Trung ương nêu đề xuất hạ dần lãi suất tiền gửi VND về mức 0%/năm.

Cơ sở để VAFI đưa ra đề xuất này là lãi suất tiền gửi bằng VND trong ngắn hạn và trung hạn đang ở mức 3,5 - 6,2%/năm, được coi là cao so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, bất lợi lớn cho cộng đồng doanh nghiệp. Cũng theo quan điểm của VAFI, Việt Nam có tiền đề khách quan vững chắc để hạ nhanh lãi suất tiền gửi về 0%. Đề xuất của VAFI ngay lập tức bị đa số chuyên gia và người dân phản đối.

Theo các chuyên gia, việc hạ lãi suất tiền gửi về 0% có thể bị xem là hành động can thiệp mạnh về chính sách tiền tệ. Lãi suất tiền gửi 0% sẽ khiến tiền chảy ra khỏi hệ thống ngân hàng, chuyển sang các kênh như vàng, ngoại tệ, cổ phiếu, đất đai, “đốt nóng” thị trường tài chính và bất động sản. Ngay cả đề xuất hướng dòng tiền nhàn rỗi vào thị trường trái phiếu với lãi suất 2%/năm cũng không có cơ sở khoa học và thực tiễn bởi nhiều kênh có thể đạt mức sinh lời trên 2%. Mặt khác, theo các chuyên gia, đề xuất này không nhắc tới những yếu tố vĩ mô liên quan như lạm phát và thanh khoản thị trường, tỷ lệ tiền gửi so với cho vay, tỷ lệ tiết kiệm cao đột biến của các nước trong đại dịch Covid-19 so với Việt Nam.

Theo kinh nghiệm quốc tế, để đưa được lãi suất tiền gửi về 0% thì phải đảm bảo tỷ lệ lạm phát thấp và ngân hàng không dựa quá nhiều vào nguồn huy động vốn trong dân. Nói cách khác, lãi suất chỉ có thể về mức 0% khi rủi ro cũng ở mức 0% - điều chưa từng có và chưa thể có ở Việt Nam.

Covid-19 đang gây ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người dân, việc duy trì mức lãi suất “chấp nhận được” như hiện nay chính là một kênh giảm gánh nặng an sinh xã hội, khi những người có tích lũy từ trước duy trì được một nguồn thu nhập, dù bị giảm nhiều do đại dịch. Nếu giảm lãi suất về 0% trong điều kiện dịch bệnh và lạm phát cao (dự kiến 4% trong năm nay), hệ thống ngân hàng đứng trước nguy cơ đổ vỡ khi người dân ồ ạt rút tiền và tìm kiếm những kênh đầu tư khác với độ rủi ro cao như vàng, bất động sản, chứng khoán, thậm chí là tiền ảo. Tìm kiếm thêm thu nhập là mong muốn chính đáng của người dân. Tiền đổ vào bất động sản chỉ trong quý 1/2021 đã khiến thu nhập thực tế của người dân và giá trị đồng tiền bị giảm sút rất nhiều, nếu bây giờ người dân rút tiền ra khỏi hệ thống ngân hàng để đầu tư, nguy cơ và rủi ro sẽ như thế nào?

Việc điều chỉnh lãi suất về 0% cần có lộ trình thích hợp, theo như đề xuất của VAFI là phải ban hành 5 giải pháp, trong đó điều kiện tiên quyết là ban hành Luật Thuế tài sản để “khóa” kênh đầu cơ đất đai. Theo ước tính của VAFI, quá trình này phải mất ít nhất 2 năm mới có thể hoàn thành. Thật đúng là thấy cây mà chưa thấy rừng, điều kiện tiên quyết và 5 giải pháp mà VAFI đề xuất là chưa đủ để hướng tới mục tiêu ấy.

Đưa dần lãi suất tiền gửi về 0% chỉ có thể thực hiện khi nền tài chính ổn định, thị trường trái phiếu phát triển, nền kinh tế phát triển bền vững và có vị thế đáng kể (có khả năng chi phối) trong kinh tế toàn cầu. Tức là còn rất lâu, rất lâu nữa mới có thể nghĩ tới mục tiêu này. Lãi suất 0% thực chất là công cụ của Ngân hàng Nhà nước để điều tiết thị trường tiền tệ, điều kiện tiên quyết là tôn trọng sự vận hành (vô hình) của thị trường vốn, của giá vốn, đảm bảo lãi suất tiền gửi thực dương (cao hơn mức lạm phát) do các ngân hàng thương mại và người gửi tiền thỏa thuận trong hành lang chính sách của Nhà nước./.

Bình luận

    Chưa có bình luận