Ngưỡng chịu đựng

Toàn bộ nền kinh tế đang phải đặc biệt nỗ lực để vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa ổn định kinh tế vĩ mô trong đợt bùng phát dịch thứ tư

 

           Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư ở Việt Nam lần này nghiêm trọng hơn 3 đợt dịch trước khi số người và số địa phương có ca mắc tăng nhanh. Một số nhà máy, khu công nghiệp quan trọng ở Bắc Giang, Bắc Ninh cũng phải tạm đóng cửa vì dịch bệnh. Biện pháp hạn chế di chuyển được áp dụng nghiêm ngặt ở nhiều nơi, đặc biệt là các thành phố trung tâm kinh tế như Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng. Một số địa phương quay trở lại giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Chính phủ. Toàn bộ nền kinh tế đang phải đặc biệt nỗ lực để vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa ổn định kinh tế vĩ mô.

          Doanh số bán lẻ tháng 5 đã giảm 3,1% do một số địa phương phải giãn cách xã hội, nhiều ngành nghề kinh doanh dịch vụ phải đóng cửa. Trong đó, ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn, khi doanh số giảm 8,9% so với tháng trước, còn doanh số hàng hoá chỉ giảm 1,7%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và cam kết vốn FDI đều giảm so với tháng 4, đáng chú ý kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2020 (trước đợt dịch thứ 3). Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021 vẫn đạt mức cao nhất mà Việt Nam từng ghi nhận. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,3% so với tháng 4 do chịu tác động của giá hàng hóa thế giới và tình trạng thiếu nguồn cung nguyên liệu.

Nhiều cửa hàng mặt phố ở Hà Nội phải đóng cửa

          Trong bối cảnh đầy khó khăn đó, việc Việt Nam là nước duy nhất được cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P, Moody’s và Fitch nâng triển vọng lên tích cực và Ngân hàng Thế giới (World Bank, WB) đã cho rằng: kinh tế Việt Nam chống chịu tốt với đợt dịch mới là một ghi nhận đối với nỗ lực của cả Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, sản xuất công nghiệp trong tháng 5 ước tính tăng 1,6% so với tháng trước và 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số PMI đạt mức 53,1 trong tháng 5, cho thấy điều kiện kinh doanh cải thiện so với tháng trước, mặc dù thấp hơn so với mức 54,7 vào tháng 4. Tất nhiên, có sự khác biệt tương đối lớn giữa địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh với các địa phương khác.

           Thực tế hiện nay cho thấy, con đường từ việc đứng vững trong dịch đến phục hồi sau đại dịch rất dài, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh sẽ không thể "bước tiếp" nếu không có sự hỗ trợ bằng chính sách. Thực trạng của hơn 500 tàu du lịch ở vịnh Hạ Long, Bái Tử Long là một ví dụ. Tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng trong một thời gian ngắn do yêu cầu phòng chống dịch đã khiến các chủ tàu trở thành "con nợ". Tình cảnh của các doanh nghiệp kinh doanh resort, nhà hàng, khách sạn ở Phú Quốc và nhiều điểm du lịch khác cũng không khá hơn. Bởi vậy, đề xuất của Chi hội tàu du lịch Hạ Long có lẽ cũng là tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp nói chung với Chính phủ. Cụ thể là: giãn thời gian, tiến độ trả nợ với các dự án vay đóng tàu du lịch từ 10 năm đến 15 năm kể từ ngày WHO hoặc Thủ tướng công bố hết dịch; hỗ trợ cho vay vốn lưu động; giảm lãi suất cho vay trong thời gian Covid-19 cho đến khi có thông báo chấm dứt dịch; có chính sách ân hạn nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội từ 1-5 năm sau thời gian chấm dứt dịch Covid-19, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nguồn thu để đóng thuế và hồi phục, phát triển.

Sân bay thưa người

          Một năm rưỡi phòng chống dịch, nhiều doanh nghiệp Việt đã gần như cạn kiệt, nhất là các doanh nghiệp dịch vụ, du lịch. Cái ngưỡng chịu đựng có lúc có nơi đã bị xóa nhòa. Những tích lũy có được nhờ thành công giai đoạn trước dịch đã bị Covid-19 lấy đi, thời gian bình thường mới ngắn ngủi không thể bù lại được.

          Chính sách tài khóa cũng là điều mà WB khuyến nghị: "Nếu đợt bùng phát này không được nhanh chóng ngăn chặn, Chính phủ có thể cần xem xét áp dụng chính sách tài khoá thích ứng hơn để hỗ trợ các cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và kích thích nhu cầu trong nước"./

 

Bình luận

    Chưa có bình luận