Vắc-xin và sức khỏe nền kinh tế

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020 có hơn 100.000 doanh nghiệp (DN) tạm dừng kinh doanh có thời hạn, làm thủ tục giải thể...

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020 có hơn 100.000 doanh nghiệp (DN) tạm dừng kinh doanh có thời hạn, làm thủ tục giải thể. Những tháng đầu năm 2021 con số DN phá sản, tạm dừng kinh doanh còn tăng với tốc độ nhanh hơn 2020. Qúy 1 năm 2021 có 40.323 DN rút khỏi thị trường, tăng 15,6% so với cùng kỳ 2020. Những con số này vẽ nên bức tranh tối màu phản ánh sự khó khăn của cộng đồng DN do tác động của đại dịch Covid -19.

Trong khi đó, cuộc khảo sát của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại bốn địa phương thuộc nhóm dẫn đầu nền kinh tế là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng và Đà Nẵng với tổng số 350 DN, cho thấy có 24,2% DN đang thực hiện thủ tục tạm ngưng kinh doanh, trong đó có tới 75,3% do chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. 85% số DN tham gia khảo sát chỉ rõ dịch Covid-19 là nguyên nhân chính khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN bị đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, gián đoạn giao thương quốc tế, nhất là với những ngành như hàng không, khách sạn, du lịch.

Đối với những hộ kinh doanh cá thể và người lao động ở nhiều khu vực dịch vụ, tình cảnh còn bi đát hơn khi chính quyền các địa phương buộc phải đóng cửa từng phần hoặc giãn cách xã hội từng bước để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Có thể nói đến thời điểm này, toàn bộ nền kinh tế cần có lối thoát để gắng gượng trở lại và từng bước phục hồi. Lối thoát duy nhất trong bối cảnh hiện nay là tiêm vắc-xin cho toàn dân để đạt được miễn dịch cộng đồng và mở cửa trở lại nền kinh tế.

Mong muốn là vậy nhưng chúng ta không có quyền quyết định trong việc phân phối vắc-xin. Đến nay, Việt Nam mới tiêm vắc-xin cho khoảng 1 triệu người, tương ứng với 1,3% dân số cần phải tiêm phòng với nguồn từ chương trình chia sẻ vắc-xin COVAX, một cơ chế quốc tế nhằm đảm bảo tiếp cận công bằng với vắc-xin Covid-19 trên toàn cầu. Trong khi để đạt được miễn dịch cộng đồng thì trong năm nay Việt Nam cần khoảng 150 triệu liều. Trên toàn thế giới cũng mới chỉ có khoảng 0,3% trong hơn 900 triệu liều vắc-xin Covid-19 được sử dụng ở các nước thu nhập thấp. Một nghiên cứu cho thấy nếu các quốc gia nghèo hơn không được bảo vệ thì kinh tế toàn cầu có thể thiệt hại khoảng 9.000 tỷ USD.

Muốn được chủ động về vắc-xin từ nguồn mua thì phải có kinh phí. Bởi vậy, tuần trước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Nghị quyết 53/NQ-CP thông qua chủ trương thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 và ngay sau đó Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký quyết định thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 Việt Nam. Quỹ sẽ tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, vắc-xin của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước, và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động nhập khẩu vắc-xin, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân. Quỹ do Bộ Tài chính quản lý với kinh phí hoạt động do ngân sách nhà nước chi trả; chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán của các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính và Kiểm toán nhà nước; đồng thời chịu sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cộng đồng. Quỹ được sử dụng vốn nhàn rỗi để gửi tại các ngân hàng thương mại nhằm mục đích bảo toàn và phát triển vốn, nhưng phải đảm bảo an toàn. Mới triển khai được ít ngày, Quỹ đã nhận được hàng nghìn tỷ đồng do các DN và người dân tự nguyện đóng góp./.

Bình luận

    Chưa có bình luận