Rạng danh đất học xứ Thanh

Chất lượng giáo dục ổn định và phát triển; luôn nằm trong top dẫn đầu toàn quốc tại các kỳ thi quốc tế và số lượng học sinh đạt tuyệt đối trong kỳ thi đại học…

 

Chất lượng giáo dục ổn định và phát triển; luôn nằm trong top dẫn đầu toàn quốc tại các kỳ thi quốc tế và số lượng học sinh đạt tuyệt đối trong kỳ thi đại học… Đó là những minh chứng khẳng định sự thành công của ngành giáo dục vào đào tạo tỉnh Thanh Hóa.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Là tỉnh có diện tích lớn, địa bàn phân bố rộng, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhất là ở khu vực miền núi, song tỉnh Thanh Hóa luôn đặc biệt coi trọng sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 một lần nữa đã khẳng định vai trò, sứ mệnh của GD&ĐT khi đưa GD&ĐT là 1 trong 5 chương trình trọng tâm của tỉnh.

Ngay từ những ngày đầu, khi Nghị quyết Đại hội XVIII triển khai vào cuộc sống, ngành GD&ĐT Thanh Hóa đã đề ra nhiều giải pháp mang tính chiến lược, đồng thời tập trung chỉ đạo, thực hiện nhằm nâng cao toàn diện chất lượng GD&ĐT, nhất là chất lượng mũi nhọn. Cụ thể, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng; không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, đánh giá chất lượng học sinh (HS); đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; xây dựng hệ thống các trường tiểu học, THCS chất lượng cao đối với các huyện, thị xã, thành phố; tập trung phát hiện và bồi dưỡng HS năng khiếu, HS giỏi; bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên có phẩm chất, năng lực đảm nhận công tác bồi dưỡng HS giỏi tại các trường.

Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT Thanh Hóa tập trung đổi mới việc tuyển chọn, bồi dưỡng HS giỏi; phương pháp dạy và học theo hướng phát huy phẩm chất năng lực HS, đảm bảo dạy thật, học thật; chú trọng kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy và học theo hướng thực chất và công tác thi...

Đồng thời thực hiện giao khoán chỉ tiêu cụ thể về chất lượng mũi nhọn đến các nhà trường trên cơ sở chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, bề dày thành tích của nhà trường; xây dựng, bổ sung kịp thời các cơ chế chính sách cho đội ngũ giáo viên trực tiếp bồi dưỡng HS giỏi.

Cùng với đó, Thanh Hóa ưu tiên các nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, nhất là khu vực miền núi về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao công tác giảng dạy, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục. Kịp thời khen thưởng đối với giáo viên, HS đạt thành tích xuất sắc trong các kỳ thi và HS có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó vươn lên, đạt thành tích cao trong học tập, tạo động lực to lớn giúp các thầy, cô giáo, các em HS tiếp tục nỗ lực, phấn đấu, đạt nhiều thành tích cao hơn nữa.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo Sở GDDT Thanh Hoá, lãnh đạo nhà trường và em Nguyễn Đắc Hiếu - HCB Sinh học 2016.

Khẳng định vị thế

Quan điểm rõ ràng, mục tiêu cụ thể cùng với thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra, chất lượng GD&ĐT của Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành quả quan trọng. Tính đến tháng 9/2020, Thanh Hóa đã có 1.755 HS đạt giải quốc gia, trong đó có 82 giải nhất; có 51 HS dự thi Olympic quốc tế và có 45 HS đạt giải (10 HCV, 16 HCB, 15 HCĐ và 4 Bằng khen); 19 HS dự thi Olympic khu vực châu Á - Thái Bình Dương và có 17 HS đạt giải (2 HCV, 3 HCB, 8 HCĐ và 4 Bằng khen); 2 dự án dự thi khoa học, kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF), trong đó có 1 dự án đạt giải ba đặc biệt của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ. Thanh Hóa luôn duy trì và phát triển bền vững chất lượng các giải quốc tế với số HS đạt giải quốc tế chỉ đứng sau TP. Hà Nội, TP. Hải Phòng..., khẳng định là một trong những nôi đào tạo HS đạt giải quốc tế mang lại vinh quang cho đất nước.

Trong các kỳ thi đại học, tỷ lệ HS đậu đại học của Thanh Hóa luôn đạt từ 70% trở lên, là tỉnh nằm trong top đầu cả nước về số lượng HS đạt tuyệt đối 30/30 điểm; thuộc top 5 của cả nước về số lượng HS thủ khoa và HS đạt từ 27 điểm trở lên. Chỉ tính riêng 2 năm gần đây, Thanh Hóa luôn giữ vững top đầu về số HS đạt điểm cao của cả nước. Trong đó, năm 2019, toàn tỉnh có 107 HS đạt từ 27 điểm trở lên. Đặc biệt, có 3 HS trong top 10 thuộc khối A có điểm cao nhất cả nước, đó là các em: Vũ Đức Anh (THPT Quảng Xương 1) đạt 29,5 điểm; Nguyễn Thị Ngọc Mai (THPT Triệu Sơn 2) đạt 28,8 điểm; Trần Khánh Linh (THPT Thiệu Hóa) đạt 28,6 điểm.

Quy mô mạng lưới trường, lớp, chất lượng giáo dục ổn định và phát triển; tỷ lệ trường, lớp học kiên cố, cao tầng đạt 87,7%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 72,67%, nằm trong top đầu cả nước; tỷ lệ cán bộ, giáo viên ở các bậc học đạt chuẩn là 99,98%, trong đó trên chuẩn chiếm 76,96%. Đặc biệt, ngành GD&ĐT đã hoàn thành 75,44% kế hoạch của UBND tỉnh về sắp xếp lại mạng lưới trường lớp. Tính đến hết năm học 2019-2020, toàn tỉnh giảm được 86 trường ở các cấp học; hoàn thành giải thể, sáp nhập 13 trường THPT. Đây được xem là tiền đề quan trọng góp phần nâng cao toàn diện chất lượng GD&ĐT.

Bác Hồ thăm nhân dân và học sinh xã Yên Trường, huyện Yên Định, Thanh Hoá, năm 1961. Ảnh: T.L

Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai, coi trọng sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo là quan điểm đúng đắn và luôn nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của nhân dân. Với những kết quả nổi bật đạt được trong thời gian qua, sự quyết tâm và vào cuộc của cả hệ thống chính trị đối với sự nghiệp “trồng người”, Thanh Hóa sẽ tiếp tục tô đậm thêm nét son truyền thống của nơi được mệnh danh là “đất học”.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận