Tìm cách tránh 'sạn' cho sách lớp 2, lớp 6

Đến nay, sách lớp 2 và lớp 6 vẫn chưa thẩm định xong để chuẩn bị cho năm học 2021-2022. Thời gian làm quá gấp gáp liệu có tránh được sai sót?

 

Mở rộng các kênh góp ý kiến để hoàn thiện SGK

Trước phản ứng của xã hội về SGK, mới đây “tư lệnh ngành giáo dục đã thừa nhận: "Việc để xảy ra bức xúc trong dư luận xã hội về một số điểm chưa phù hợp trong SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều có trách nhiệm của Bộ, Hội đồng thẩm định và tác giả. Trong đó, công tác truyền thông về việc triển khai thực hiện chương trình, SGK mới chưa tốt, việc phản hồi các phản ánh về những điểm chưa phù hợp trong SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều còn chưa kịp thời".

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bày tỏ: "Bộ Giáo dục- Đào tạo, Hội đồng thẩm định và tác giả SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều trân trọng tiếp thu và cảm ơn các nhà khoa học, giáo viên và cử tri cả nước đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu, chỉ ra những nội dung chưa phù hợp trong SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều; mong muốn thời gian tới tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý để SGK ngày càng hoàn thiện, góp phần triển khai thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới".

Để tiếp tục ghi nhận các thông tin phản ánh về triển khai chương trình, SGK mới, Bộ sẽ mở rộng các kênh đóng góp ý kiến để nắm bắt thông tin trên diện rộng, đa chiều từ giáo viên, cán bộ quản lý, các nhà khoa học và người dân. Trên cơ sở các ý kiến phản ánh, Bộ sẽ nghiên cứu để kịp thời đề ra các giải pháp bổ sung trong quá trình chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Theo TS Giáp Văn Dương, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Time School (Hà Nội) cần xây dựng một số nguyên tắc cơ bản khi biên soạn SGK, như: Những người làm sách phải xác lập được một triết lý giáo dục tường minh và thuyết phục để dẫn dắt việc tổ chức nội dung, lựa chọn ngữ liệu, thiết kế minh họa, sâu chuỗi logic của các mô-đun trong một môn học, và đồng bộ hóa nội dung của tất cả các môn trong một bậc học, kế thừa và phát triển nội dung trong các bậc học khác nhau, trong sự nhất quán về triết lý và giá trị. Cần trả lời thật nghiêm túc và thấu đáo câu hỏi cơ bản: Bộ SGK này sẽ được dùng để đào tạo con người nào?

 Nguyên tắc nữa là các tác giả phải thấu hiểu người dùng, tức là các học sinh, thông qua việc trả lời các câu hỏi rất cụ thể như: Bộ SGK này được viết cho đối tượng nào? Các đặc trưng về tâm sinh lý lứa tuổi là gì? Các kiến thức và kỹ năng mà các em đã có trước đó? Các kiến thức và kỹ năng sẽ được phát triển ở các bậc học kế tiếp? Hoàn cảnh xã hội và đặc điểm vùng miền của học sinh sử dụng sách? Nếu không trả lời thuyết phục được các câu hỏi này, thì dù sách có hay theo góc nhìn của nhóm tác giả, học sinh và phụ huynh vẫn không chấp nhận. Từ phía người dùng, tức phụ huynh, học sinh và rộng hơn là xã hội, thì mối quan tâm của họ là bộ SGK này mang lại giá trị gì cho học sinh, có giúp học sinh trang bị các kiến thức và phát triển các kỹ năng cần thiết, có giúp cho con họ trưởng thành, có tạo ra những con người tự lập - tự chủ, những công dân trách nhiệm và đạo đức… hay không?

“Những người biên soạn và thẩm định sách luôn giữ được sự cẩn trọng và khoa học trong suốt quá trình làm SGK, liên tục lắng nghe và hoàn thiện nội dung, với mục tiêu tạo ra một bộ sách tốt nhất cho học sinh sử dụng, trong một hình dung lớn hơn về sự phát triển của quốc gia, chứ không chỉ đơn thuần là tạo ra một bộ SGK đủ vượt qua vòng thẩm định…”- TS Giáp Văn Cương nhấn mạnh.

SGK lớp 2, lớp 6 cần lấy ý kiến rộng rãi để hoàn thiện, tránh tình trạng sạn như SGK lớp 1.

Thẩm định SGK thực hiện theo 2 vòng

“Muốn không lặp lại các sai sót trong các bộ SGK lớp 2 và lớp 6, người tổng chỉ huy nhất thiết phải định ra nguyên tắc cơ bản để định hướng cho việc tổ chức biên soạn và thẩm định SGK. Nếu không, các sai sót trong các bộ SGK kế tiếp - hoặc dưới dạng kỹ thuật như ngữ liệu và minh họa không phù hợp, hoặc ở việc không đạt được mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là không thể tránh khỏi…”- TS Giáp Văn Dương.

Theo Bộ GD-ĐT, hiện đã có 33 bản mẫu SGK của đầy đủ 9 môn học và hoạt động giáo dục lớp 2 được gửi về. Đối với lớp 6, có 43 bản mẫu SGK của đầy đủ 11 môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc, bản mẫu SGK môn tự chọn tiếng Anh.

Bộ GD-ĐT đã ban hành quyết định thành lập chín Hội đồng quốc gia thẩm định SGK lớp 2 trên cơ sở các thành viên đã tham gia Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK lớp 1 và bổ sung một số thành viên mới. Mỗi hội đồng có trung bình 7-15 thành viên. Trong khi đó, Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK lớp 6 gồm 128 thành viên của 12 môn học và hoạt động giáo dục. Mỗi thành viên hội đồng nhận bản thảo SGK và nghiên cứu độc lập (15 ngày). Hội đồng làm việc tập trung để thảo luận (5 ngày cho mỗi bản thảo gồm các nội dung: Nghe tác giả báo cáo về nội dung bản thảo SGK; thảo luận tập trung công khai về bản thảo SGK; công bố kết quả trực tiếp cho tác giả để tác giả biết nội dung chi tiết đánh giá của hội đồng để thảo luận, tiếp thu, chỉnh sửa và có ý kiến phản biện lại hội đồng nếu có).

Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK được thực hiện theo 2 vòng (vòng một, vòng hai), dựa trên các tiêu chí, tiêu chuẩn và các minh chứng cần đạt của từng bản thảo SGK và kết luận ở ba mức: Đạt; đạt nhưng cần sửa chữa; không đạt. Đặc biệt, các thành viên hội đồng thẩm định phải tuyệt đối không tham gia các công việc liên quan đến biên soạn, xuất bản SGK, đồng thời bảo mật thông tin, dữ liệu liên quan đến hoạt động thẩm định SGK.

Các chuyên gia cũng cho rằng, Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK bên cạnh việc yêu cầu nhóm biên soạn chỉnh sửa những cái sai, chưa hợp lý thì những vấn đề cần khuyến nghị hội đồng nên báo cáo với bộ phận lãnh đạo cao hơn để nắm bắt và có hướng xử lý sao cho phù hợp. Tránh trường hợp như vừa rồi, dù Hội đồng Quốc gia thẩm định đã khuyến cáo nhưng nhóm biên soạn bảo lưu quan điểm, không sửa. Do đó SGK mới có những từ ngữ không phù hợp.

Có kịp thử nghiệm trước khi đưa vào dạy đại trà?

SGK cần được đưa vào dạy thử nghiệm tại các tỉnh/thành để phát hiện sai sót nếu có.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng cho biết nhà xuất bản tổ chức biên tập, hoàn thành bản mẫu SGK, phối hợp với tổ chức, cá nhân biên soạn SGK tổ chức thực nghiệm SGK. Bộ tổ chức thẩm định bản mẫu SGK theo quy định. SGK lớp 2 sẽ hoàn thành việc thẩm định vòng 1 vào cuối tháng 10 và lớp 6 vào trung tuần tháng 11.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc làm SGK trong năm vừa rồi đã quá gấp gáp nên mới nhiều sai sót. Vì thế, đến thời điểm này sách vẫn chưa thẩm định xong thì có kịp dạy thực nghiệm trước khi đưa vào dạy đại trà?. Hiệu trưởng một trường tiểu học tại TP.HCM, bày tỏ lo lắng, hiện nay đã là tháng 10, sách lớp 2 và lớp 6 vẫn chưa thẩm định xong thì làm sao có thể thực nghiệm kịp để đưa vào dạy”. Vị hiệu trưởng này đề nghị: “Sở dĩ bộ SGK lớp 1 có nhiều sai sót là do SGK sau khi thẩm định không được đưa vào dạy thực nghiệm trước khi triển khai đại trà. Rút kinh nghiệm từ bộ SGK lớp 1, sắp tới triển khai SGK lớp 2 và lớp 6, theo tôi sau khi bộ sách được Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK thẩm định xong, cần được Bộ GD-ĐT đưa vào dạy thử nghiệm tại một số trường ở các tỉnh/thành. Bởi chỉ qua quá trình dạy thực tế mới phát hiện ra những sai sót và chính giáo viên sẽ đóng góp ý kiến về chương trình. Nhà xuất bản sẽ ghi nhận những ý kiến đó, chỉnh sửa lần cuối trước khi áp dụng vào việc dạy. Trong những năm tiếp theo cần tiếp tục góp ý, chỉnh sửa để bộ SGK được hoàn chỉnh hơn”.

Như vậy, để SGK có chất lượng thì cần sự đồng bộ từ nhiều khâu, từ quá trình làm việc của nhóm biên soạn, Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK và thực nghiệm. Việc thực nghiệm cần phải chọn mẫu thực nghiệm với số lượng đảm bảo có thể đánh giá chính xác. Khu vực thực nghiệm phải đại diện của từng vùng miền.../.

Tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm quá trình xã hội hóa việc biên soạn, phát hành sách giáo khoa lớp 1; tiếp tục chỉ đạo việc biên soạn, thẩm định sách giáo khoa từ lớp 2 đến lớp 12, bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo lộ trình quy định; hoàn thiện quy trình, chính sách biên soạn SGK phổ thông…”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

  

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận