Sách giáo khoa lớp 1: 'Sạn' quy trình

Những lùm xùm xung quanh bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1 theo đề án đổi mới cho thấy nhiều bất thường. Vậy nguyên nhân gốc rễ nào dẫn đến sự bất cập của SGK lớp1?

 

Chọn sách vì ai?

Thực hiện yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Hội đồng thẩm định đã tổ chức rà soát, làm việc với tác giả SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều. Sau đó, Hội đồng và tác giả đã thống nhất tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để chỉnh sửa SGK cho phù hợp hơn. Bộ đã yêu cầu nhà xuất bản và tác giả xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính, gửi Hội đồng thẩm định và báo cáo Bộ trưởng Bộ xem xét phê duyệt nội dung chỉnh sửa trước ngày 15/11/2020.

Bộ sách Cánh Diều (Nhà xuất bản Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) chiếm thế “áp đảo” khi được các trường lựa chọn nhiều nhất trong số 5 bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1 được phê duyệt trong năm học này, với khoảng hơn 30% (4 bộ còn lại của Nhà xuất bản Giáo dục). Nhiều địa phương có tỷ lệ chọn bộ SGK Cánh Diều rất cao. Trong đó, riêng môn Tiếng Việt có những địa phương 100% chọn Cánh Diều, như: Phú Thọ, Thái Nguyên, Nam Định. Tỷ lệ chọn SGK Cánh Diều tính theo số học sinh (HS) ở nhiều tỉnh khá cao, như Tây Ninh 95%, Tiền Giang 75,86%, Thái Bình 64,08%, Hậu Giang 77%. Riêng tại Hà Nội, nơi có số trường học và HS lớp 1 cao nhất cả nước, cũng có tới khoảng 50% số trường tiểu học chọn sách Cánh Diều... Tuy nhiên, chỉ sau 1 tháng triển khai đã phát hiện khá nhiều “sạn” ở bộ sách này. Vậy những “hạt sạn” này đã lọt qua mắt của những người được giao quyền lựa chọn SGK?

Một điểm quan trọng khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 1 thì lần đầu tiên hiệu trưởng là người quyết định chọn SGK nào để giảng dạy trong trường mình. Tuy nhiên cũng có nhiều băn khoăn cho rằng, nếu hiệu trưởng thiếu kỹ năng quản lý chương trình học, kỹ năng lựa chọn SGK, cả nể trong quan hệ, do bị chi phối bởi lợi ích cá nhân, tỷ lệ chia hoa hồng… thì việc lựa chọn sách sẽ khó khách quan và không vì người học. Thực tế, ngay trong chương trình Bồi dưỡng cán bộ quản lý trường phổ thông mà hiệu trưởng phải hoàn thành trước khi được bổ nhiệm cũng không có nội dung quản lý chương trình học. Điều này cũng khiến cho bản thân nhiều hiệu trưởng rất băn khoăn khi lần đầu tiên được giao nhiệm vụ chọn SGK. Ngoài ra, trong Hội đồng chọn sách của các trường, vẫn có tình trạng thiếu giáo viên (GV) có trình độ chuyên môn cao, những người hiểu biết về dạy liên môn theo CT mới. Một số hiệu trưởng cho rằng, việc thiếu thời gian nghiên cứu và dạy thử nghiệm SGK mới khiến cho Hội đồng lựa chọn sách của các trường gặp khó khăn khi không có nhiều thời gian nghiên cứu 32 SGK lớp 1 trước khi đưa ra ý kiến lựa chọn SGK nào phù hợp nhất… Để lựa chọn chính xác, hiệu trưởng phải là người công tâm, vững vàng mới loại bỏ được những ảnh hưởng đó, đặt lợi ích của học sinh lên hàng đầu trong việc quyết định chọn SGK nào.

TS Lê Viết Khuyến cũng cho biết, nếu nói về trách nhiệm của các trường trong lựa chọn SGK thì mức quản lý và mức tự chủ của họ khác rất nhiều so với bậc đại học - là trường nào cũng phải chịu trách nhiệm về CT của mình. Còn đối với giáo dục phổ thông, nhà trường không thể chịu trách nhiệm về chất lượng của CT, SGK, mà chất lượng CT, SGK là do Bộ quyết định. Các trường buộc phải chọn 1 trong 5 bộ sách mà Bộ đưa ra, dù có thể có chỗ này, chỗ khác họ không thích thì họ cũng phải chọn. Ví dụ, trước đó, với bộ sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại, có nhiều nơi đang dạy và vẫn muốn tiếp tục dạy nhưng do bộ sách này bị loại nên họ không được dạy. Như vậy, nói về cấp độ trách nhiệm thì trường tụt xuống một cấp.

Sửa SGK chỉ là sửa phần ngọn, cần phải bắt đầu sửa từ chương trình

Chương trình đưa ra phải xuất phát từ nhu cầu xã hội

Tuy nhiên, mới đây, Bộ GD-ĐT cho biết, khi tiếp cận các nhóm giáo viên  trực tiếp dạy bộ Cánh Diều, nhất là GV dạy Tiếng Việt 1, hầu hết đều cho rằng Cánh Diều là một bộ sách hay, bám sát chương trình và không có ý kiến gì về sách Cánh Diều như dư luận phản ánh.Cụ thể, ban giám hiệu và giáo viên Trường Tiểu học Vietkids (Hà Nội) đánh giá Cánh Diều là một trong 5 bộ SGK phù hợp với lứa tuổi và mức độ chuẩn của HS lớp 1. Thời lượng giảng dạy các tiết học đảm bảo vừa sức. “Về những nội dung dư luận phản ánh, tôi cho rằng vấn đề không quá đến mức như mạng xã hội đánh giá, vì mỗi một bộ sách đều có cái hay, cái chưa hay riêng. Nếu bắt lỗi thì cả 5 bộ SGK lớp 1 sẽ đều có lỗi” - cô Nguyễn Thu Hương, Hiệu trưởng,Trường Tiểu học Vietkids nhận định.

Theo TS Khuyến, để tránh những việc đáng tiếc như SGK lớp 1 vấp phải thì, quy trình viết sách và quy trình thẩm định sách cần phải được chỉnh sửa, chứ chỉnh sửa SGK chỉ là phần “ngọn”. Lấy ví dụ, một trong những tiêu chí rất quan trọng của giáo dục theo hướng tiếp cận phát triển năng lực là xuất phát từ triết lý giáo dục tương tác, có nghĩa là SGK đưa ra, chương trình đưa ra phải được xuất phát từ điều tra nhu cầu xã hội, điều tra người học và được thử nghiệm trên chính người học.

Đồng tình với ý kiến trên, một chuyên gia khác thẳng thắn chỉ ra, nguyên nhân chính khiến cho SGK “sạn” chính là do “sạn” từ chuẩn CT, cách tiếp cận khi làm chương trình.Bộ thành lập Hội đồng biên soạn sách do GS Nguyễn Minh Thuyết là Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới và chương trình này là do tự ý nghĩ ra, chứ không phải xuất phát từ điều tra nhu cầu thực tế. Nếu lấy theo tiêu chí là bộ sách phải được thử nghiệm trên chính người học và được xã hội chấp nhận thì bộ sách công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại đáng lý phải được chọn, bởi sách đã được thử nghiệm gần 50 năm và trên 50 tỉnh thành khác nhau. Nhưng cuối cùng lại bị gạt bởi không đạt những tiêu chí làm CT do hội đồng thẩm định của ông Thuyết xây dựng lên. Sách ông Thuyết lại được chấp nhận vì nó phù hợp với tiêu chí do chính nhóm ông đặt ra. Hơn nữa, một người vừa là tổng chủ biên chương trình lại kiêm tổng chủ biên SGK thì khó tạo ra sân chơi bình đẳng. Theo kinh nghiệm của các nước, thành phần trong Hội đồng thẩm định thì GVchiếm 2/3 hội đồng chứ không phải là các giáo sư.

Điều chỉnh chương trình môn học - kim chỉ nam cho người viết sách"

"Điều kiện tiên quyết là phải có CT chuẩn, ổn định, không có “sạn”. Chứ hiện nay chúng ta mới chỉ thấy nói “sạn” SGK mà chưa thấy nói “sạn” CT, “sạn” của chuẩn CT”- TS Lê Viết Khuyến.

TS Lê Thống Nhất nêu: “Tôi biết khi ra CT môn học, có rất nhiều chuyên gia phản biện về CT, song có những ý kiến của chuyên gia không được các hội đồng biên soạn lắng nghe. Ngay từ khi xây dựng CT môn học, nhiều chuyên gia đã cho rằng CT quá tải, nên khi SGK viết theo CT môn học, mới bị phản ánh là nặng. Tôi không nói riêng bộ sách Cánh Diều mà là tình trạng chung của các bộ sách lớp 1. Nhiều GV lớp 1 cho biết, mặc dù có những bài học quy định dạy trong 1 tiết, nhưng phải dạy đến cả buổi vẫn chưa đảm bảo được yêu cầu chuẩn đầu ra của bài học. Nhiều trường phải mạnh dạn giãn thời gian dạy 1 bài để học sinh có thể tiếp thu. Như vậy, chúng ta phải xem lại CT môn học và điều chỉnh lại CT môn học, vì đây là kim chỉ nam cho các tác giả viết SGK”.

Như vậy, để chuẩn bị cho việc triển khai SGK lớp 2, lớp 6 trong năn học tới thì không chỉ sửa phần “ngọn”, tức là sửa SGK như hiện nay, mà cần phải sửa từ gốc, nghĩa là phải sửa chương trình, sửa chuẩn đầu ra và cả quy trình thẩm định sách. Điều này phải xuất phát từ điều tra thực tế, xem xã hội chấp nhận chuẩn đầu ra như thế nào. Ở đây trách nhiệm cao nhất vẫn phải là Bộ, vì thế trước hết Bộ phải rà soát lại chuẩn CT, rà soát lại quy trình thẩm định sách, hội đồng thẩm định sách./.

“Phải chăng nhân dịp này, Bộ GD-ĐT nên có một diễn đàn sâu rộng để lắng nghe ý kiến về chương trình môn học. Việc này tuy muộn, nhưng vẫn phải làm, bởi nếu GV quá tải với phân phối chương trình sẽ không thể truyền tải được hết những mong muốn của SGK đến học sinh.Vấn đề quá tải CT là câu chuyện lâu dài, một vài câu chữ sai có thể thay được, nhưng chính CT môn học mới là điều quyết định...”-TS Lê Thống Nhất.

               

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận