Tự chủ tuyển sinh cần lộ trình phù hợp

Thực tế tuyển sinh của nhiều trường cho thấy, cần có lộ trình phù hợp bởi không phải trường nào cũng có thể thực hiện tự chủ tuyển sinh trong vòng 1-2 năm tới.

 

Sau khi Bộ GD-ĐT đưa ra dự kiến phương án thi và xét tuyển sinh đại học từ năm tới theo hướng các trường đại học sẽ thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh theo quy định. Nhiều chuyên gia cho rằng đây là hướng đi đúng, tránh tình trạng “lười” và ỷ lại vào kỳ thi của Bộ như thời gian vừa qua. Tuy vậy, thực tế tuyển sinh của nhiều trường hiện nay cho thấy, cần có lộ trình phù hợp bởi không phải trường nào cũng có thể thực hiện tự chủ tuyển sinh trong vòng 1-2 năm tới.

Là một trong những trường top đầu của khối ngành kỹ thuật, công nghệ, năm nay Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã mạnh dạn tổ chức thi Bài kiểm tra tư duy với hy vọng sẽ tuyển được thí sinh phù hợp với các chuyên ngành đào tạo. Tuy nhiên, kết của của kỳ thi này là chưa đủ, bởi thí sinh phải kết hợp với điểm thi tốt nghiệp THPT mới đủ điều kiện xét tuyển vào trường. Phương thức xét tuyển kết hợp giữa kết quả Bài kiểm tra tư duy và điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay cũng chỉ là một trong các phương thức xét tuyển sinh của nhà trường nên theo Phó Giáo sư Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, lộ trình để Bài kiểm tra tư duy trở thành kỳ thi xét tuyển chính thức vào trường vẫn phải tiếp tục thay đổi.

Theo sự chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, trường Đại học Bách khoa Hà Nội tiếp tục thực hiện ở bậc cao hơn nữa bài kiểm tra tư duy này trở thành hình thức một bài thi để đánh giá năng lực của học sinh. Sẽ mở rộng ra những kiến thức liên quan đến Hóa, Lý, Sinh, Ngoại ngữ để làm sao đánh giá được tốt nhất các năng lực của các em học sinh muốn học các trường khoa học kỹ thuật công nghệ như trường đại học bách khoa Hà Nội.

Ảnh minh họa: Phạm Quang Vinh/Đại đoàn kếtTuyển sinh bằng kỳ khảo sát giống như Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, hay tổ chức Kỳ thi đánh giá năng lực như Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh thì đến thời điểm hiện nay không phải trường nào cũng có khả năng thực hiện. Chính vì thế, tăng tỷ lệ xét tuyển thẳng hay xét học bạ là phương thức chính được đa phần các trường đại học sử dụng nếu phải thực hiện tự chủ. Lãnh đạo nhiều trường cho biết, không phải các trường đại học muốn “lười” mà đó là một sự lựa chọn sau khi cân nhắc lợi ích của nhà trường và thí sinh. Bởi để đưa ra được một phương án tuyển sinh mà không lệ thuộc vào kết quả thi THPT, đối tượng đầu vào phải là diện chọn lọc thì khó thực hiện đối với nhiều trường, mà lại vừa tốn kém vừa vất vả.

PGS Lê Hiếu Học, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho biết: “Chúng tôi vẫn luôn mong muốn năm tiếp theo thì sau đó chúng ta có được kỳ thi, có thể không phải kỳ thi tốt nghiệp nhưng có thể là kỳ thi, cuộc thi đánh giá năng lực nào đó để bản thân các trường có một con số, một căn cứ tham khảo tin cậy để chúng tôi tuyển sinh thì nó rất là tốt. Bởi vì thật ra không phải trường nào cũng có năng lực để tổ chức một kỳ thi riêng của mình được”.

Còn theo GS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội thì dù muốn hay không muốn, các trường đại học đều phải thực hiện tự chủ tuyển sinh. Tuy nhiên, nếu các trường không phối hợp với nhau tổ chức một kỳ thi chung để xét tuyển sinh thì sẽ gây khó cho thí sinh và kéo theo các vấn đề xã hội khó giải quyết khác. “Việc tuyển sinh thì tôi nghĩ nếu chúng ta không cẩn thận lại quay lại thời kỳ “trăm hoa đua nở”. Muốn hay không muốn thì các trường lại có kỳ thi riêng của mình, lúc đó lại bắt đầu giải quyết vấn đề của 2014, 2013 mà chúng ta đã giải quyết rồi, lại sức ép đến các thành phố lớn, lại quay lại những vấn đề cũ. Nên tôi đề nghị là làm sao cho kỳ thi tốt hơn để phục vụ tốt nghiệp phổ thông và các trường có thể căn cứ vào đấy, cộng thêm tiêu chí của mình để làm kế hoạch tuyển sinh”.

Về định hướng tuyển sinh, hầu hết các trường đại học đều đồng tình việc tự chủ tuyển sinh vừa là quyền vừa là trách nhiệm. Tuy nhiên, thực tế tuyển sinh hiện nay cho thấy, không phải trường nào cũng có khả năng làm tốt ngay trong thời điểm này. Vì vậy, các trường đại học đều mong muốn Bộ GD-ĐT có lộ trình hợp lý, hỗ trợ các trường xây dựng và hoàn thiện phương thức tuyển sinh riêng để tránh xáo trộn đối với học sinh và đảm bảo chất lượng nguồn tuyển./.

Minh Hường/VOV1

 

Bình luận

    Chưa có bình luận