Giáo viên muốn giảm lý thuyết, tăng tiết học trải nghiệm cho học sinh

Khi Bộ GD&ĐT tinh giản chương trình và áp dụng thống nhất trên toàn quốc tới đây, giáo viên sẽ có thêm thời gian để áp dụng các phương pháp dạy học tích cực.

 

Bộ GD&ĐT vừa tổ chức tập huấn xây dựng kế hoạch môn học, hoạt động giáo dục cho gần 600 tổ trưởng chuyên môn cốt cán các trường THPT 16 tỉnh khu vực Tây Nam Bộ trong ba ngày 5, 6, 7/6.

Sớm áp dụng tinh giản chương trình

Do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, Bộ GD&ĐT đã tinh giản nội dung dạy học của chương trình học kỳ 2 năm học 2019-2020. Hoạt động này nhận được những hiệu ứng tích cực từ học sinh, giáo viên và toàn xã hội.

Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện tinh giản nội dung dạy học của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá theo định hướng giáo dục phát triển phẩm chất năng lực cho học sinh.

Cô Phạm Thị Kim Sanh, trường THPT Trương Vĩnh Ký (Chợ Lách, Bến Tre) đánh giá, việc tinh giản nội dung dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành nhằm đổi mới dạy học, định hướng theo chương trình giáo dục phổ thông mới là rất cần thiết.

Bởi chương trình, sách giáo khoa hiện nay có nhiều nội dung nặng tính hàn lâm, thiếu ứng dụng thực tiễn, kiến thức một số môn và giữa các lớp học có sự trùng lặp. Đây là một phần lý do khiến học sinh chưa hứng thú học tập.

Những năm gần đây, trường THPT Trương Vĩnh Ký tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá như: tổ chức cho học sinh học tập thông qua các hoạt động tìm hiểu mô hình sản xuất, thị trường kinh doanh của địa phương. Học sinh và giáo viên đều rất hứng thú.

“Tuy nhiên, nội dung cần dạy học theo chương trình, sách giáo khoa rất nặng, một học kỳ chúng tôi chỉ tổ chức được một vài buổi cho học sinh học trải nghiệm. Tới đây, nếu Bộ GD&ĐT tinh giản chương trình và áp dụng thống nhất trên toàn quốc, giáo viên sẽ có thêm thời gian để áp dụng các phương pháp dạy học tích cực. Điều đó sẽ mang lại sự hứng thú và hiểu biết kiến thức chuyên môn lẫn thực tế cho học sinh”, giáo viên nói.

Cô Sanh cho rằng, sau khi tinh giản chương trình, việc tích hợp hoặc kết hợp các nội dung kiến thức thành chủ đề hoặc nhóm chủ đề dạy học là cần thiết. Với hệ thống kiến thức vừa logic, vừa không bị trùng lặp, học sinh sẽ dễ học tập và học hiệu quả hơn.

Giáo viên tham gia buổi tập huấn. (Ảnh Q.T)

Cô Đăng Thị Nâu, giáo viên môn Địa lý trường THPT Chiêm Thành Tấn (Vị Thanh, Hậu Giang) cho rằng, việc tinh giản chương trình hiện hành, đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá là cần thiết và hữu ích cho cả giáo viên, học sinh.

Tham gia 3 ngày tập huấn cô và các tổ trưởng chuyên môn trường THPT khác đã hiểu được cặn kẽ yêu cầu và quy trình tinh giản, xây dựng kế hoạch giáo dục và phương pháp kiểm tra đánh giá theo định hướng của chương trình giáo dục phổ thông mới. Việc thay đổi dạy học và kiểm tra đánh giá tới đây của cô sẽ được thực hiện bài bản, khoa học hơn, thay vì mang tính tự phát như vừa qua.

Cô Nâu và các tổ trưởng chuyên môn tham gia đợt tập huấn rất phấn khởi khi tới đây, các giáo viên sẽ được góp tiếng nói quan trọng - tiếng nói từ thực tiễn giảng dạy vào việc giúp Bộ GD&ĐT ban hành được hướng dẫn tinh giản nội dung dạy học của chương trình hiện hành, định hướng việc dạy học phát triển phẩm chất năng lực cho người học.

Gắn thực tiễn với khoa học

Tại khoá tập huấn, các tổ trưởng chuyên môn được hướng dẫn tỉ mỉ việc thực hiện tinh giản nội dung, xây dựng kế hoạch môn học/hoạt động giáo dục trong chương trình hiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực người học. Đồng thời hướng dẫn việc đổi mới kiểm tra đánh giá theo định hướng chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo đó, giáo viên sẽ rà soát và đề xuất tinh giản các nội dung dạy học vượt quá nội dung cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Bộ GD&ĐT lấy đó làm căn cứ để điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học và hoạt động giáo dục; bổ sung thông tin mới thay thế cho thông tin cũ, lạc hậu... Sau khi tinh giản, giáo viên thực hiện tích hợp hoặc ghép kiến thức thành bài học, chủ đề dạy học.

Để tổ chức dạy học sau tinh giản, các nhà trường, tổ chuyên môn phải xây dựng kế hoạch của từng môn học. Từng giáo viên căn cứ vào đó xây dựng kế hoạch dạy học cho cá nhân. Trong kế hoạch dạy học, cần xác định rõ yêu cầu cần đạt của chủ đề, từ đó định hướng phương pháp giảng dạy và phân bổ thời gian hợp lý.

Toàn cảnh buổi tập huấn. (Ảnh Q.T)

Việc đổi mới kiểm tra đánh giá được thực hiện theo hướng tăng cường kết hợp đánh giá định tính và định lượng, kết hợp đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số. Đánh giá bằng sự tiến bộ của người học về thái độ, hành vi, kết quả sản phẩm học tập của học sinh. Hình thức kiểm tra đánh giá như: hỏi đáp, viết, thuyết trình, đánh giá bằng sản phẩm học tập. Đồng thời khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra đánh giá học sinh.

Phát biểu tại buổi tập huấn, TS Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT cho biết: “Tới đây, giáo viên của các tổ chuyên môn sẽ đề xuất nội dung tinh giản, xây dựng các chủ đề, nhóm chủ đề theo nội dung đã tinh giản. Sản phẩm này được Sở GD&ĐT các tỉnh tổng hợp, gửi về Bộ GD&ĐT.

Bộ sẽ mời các nhà khoa học nghiên cứu đề xuất của giáo viên để tiến hành tư vấn cho Bộ ban hành hướng dẫn và thực hiện thống nhất trong toàn quốc. Như vậy, sản phẩm trí tuệ chung, kết hợp cả thực tiễn và khoa học”.

Đồng thời, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học cho biết thêm, hướng dẫn nội dung tinh giản sẽ được Bộ GD&ĐT ban hành trong thời gian tới đây.

Như vậy, kết thúc khoá tập huấn, tổ trưởng chuyên môn sẽ hiểu rõ quy trình tinh giản và tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá sau tinh giản, theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh. Đội ngũ tổ trưởng chuyên môn được tập huấn sẽ bồi dưỡng hoạt động tinh giản nội dung dạy học và đổi mới kiểm tra đánh giá, xây dựng kế hoạch chuyên môn cho giáo viên toàn tỉnh.

Theo VTC.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận