Cần sớm thống nhất nội dung tinh giản giáo dục phổ thông

Dự kiến, chỉ có chưa đầy 3 tháng để hoàn thành chương trình học kỳ 2, nhưng đến nay vẫn vì chưa có hướng dẫn về tinh giản chương trình…

 

Tinh giản theo hướng nào?

Bộ GD-ĐT đã có quyết định thành lập các tiểu ban rà soát, tinh giản chương trình (TGCT) giáo dục phổ thông. Bộ GD-ĐT yêu cầu đặt một số nguyên tắc: Đảm bảo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo quy định của Luật Giáo dục. Đảm bảo tính logic của mạch kiến thức và tính thống nhất giữa các môn học. Thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện tại các cơ sở giáo dục...

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Trưởng tiểu ban rà soát, tinh giản nội dung dạy học môn Tiếng Việt: Nếu tính theo hướng dẫn của Bộ thì HS chỉ có chừng 3 tháng nữa để kết thúc năm học. Vì thế cần tính toán cái gì có thể giảm bớt về khối lượng kiến thức thì sẽ giảm bớt, hoặc phân bố cho hợp lý hơn. Trong các tiểu ban gồm có: các tác giả, chương trình - sách giáo khoa, giảng viên Trường Đại học sư phạm, giáo viên trực tiếp đứng lớp... Họ sẽ biết ngay phải giảm tải ở đâu, phần nào chỉ giảm yêu cầu, phần nào có thể chuyển về nhà để các con tự học...

“Song song với việc tính toán để tinh giản chương trình thì quan trọng là giáo viên (GV) phải điều chỉnh cách dạy cho phù hợp. Trong tình hình hiện nay chưa biết chắc HS có đi học đúng theo dự kiến vào đầu tháng 4 hay không, vì vậy, GV sẽ phải nhanh chóng chuyển đổi sang phương pháp dạy trực tuyến…” - GS Thuyết nhấn mạnh.

PGS Trần Xuân Nhĩ cũng cho rằng, GV phải thay đổi phương pháp dạy, làm sao tạo điều kiện cho HS chủ động học tập, nêu chủ đề để HS tìm hiểu và thảo luận nhóm, như vậy việc học mới hiệu quả.

Về phương án tinh giản, ông Nguyễn Việt Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, quận Tây Hồ, Hà Nội, nêu quan điểm: “Có hai cách để TGCT đó là giảm số lượng và giảm về mức độ yêu cầu. Cắt giảm một cách cơ học về số lượng là không nên nhưng đặt ra những mức độ, yêu cầu phù hợp với thời lượng học tập của HS cũng như từng nhóm đối tượng HS thì sẽ phù hợp với đòi hỏi thực tế hơn”.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, cho biết, Bộ sẽ TGCT tới mức có thể đảm bảo được yêu cầu, tính toán để có thể đáp ứng được khung thời gian kế hoạch năm học mà Bộ đã điều chỉnh, tức là hoàn thành chương trình trước ngày 15/7”. Dự kiến trong tháng 3 sẽ phải hoàn thành công bố phương án giảm tải để áp dụng vào nhà trường mở cửa trở lại, hy vọng vào tháng 4, dịch bệnh được đẩy lùi..

CT: Dự kiến trong tháng 3 sẽ phải hoàn thành công bố phương án giảm tải

Điều chỉnh việc kiểm tra, đánh giá…

GS Thuyết cho biết: “Kiểm tra đánh giá thường xuyên là việc GV nên làm để nắm bắt HS học ra sao. Còn điều chỉnh, còn kiểm tra cuối kỳ phải đổi mới, đề phải gọn hơn chỉ đi vào những vấn đề chính. Nội dung học nhẹ đi nhưng vẫn đảm bảo được đúng yêu cầu của chương trình. Đây cũng là cơ hội tốt để ngành giáo dục đổi mới cách dạy - cách học”.

Một khi giảm tải các đơn vị kiến thức trong chương trình học thì đương nhiên số lượng bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ cũng phải giảm theo. Chính vì thế, nhiều GV cho rằng, ngay từ bây giờ, Bộ và các Sở GD-ĐT cần nghiên cứu và có hướng dẫn cụ thể về lộ trình giảng dạy còn lại của năm học. Nếu công nhận kết quả dạy qua truyền hình, dạy trực tuyến thì đánh giá, kiểm tra ra sao? Hình thức nào để lấy điểm cho học trò? Nếu đầu tháng 4 tới đây, đa phần HS cả nước trở lại học tập bình thường thì có giảm số lượng bài kiểm tra theo hướng dẫn của Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT hay không? Nếu giảm thì giảm bao nhiêu phần trăm và kiểm tra vào thời điểm nào trong khoảng thời gian còn lại hơn 2 tháng của năm học? Liệu có gây quá tải cho thầy, trò hay không?

Thực tế việc dạy trên truyền hình và trực tuyến trong thời gian qua ở các địa phương chưa có sự thống nhất và cũng chưa được kiểm tra, đánh giá. Vì thế, muốn công nhận kết quả dạy học từ xa thì việc đầu tiên là các cấp quản lý của ngành giáo dục phải có hướng dẫn cụ thể bằng văn bản về cách thức đánh giá, kiểm tra việc học tập của học trò để giáo viên dưới cơ sở có những hướng đi cụ thể trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình.

Mới đây, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tiếp tục có công văn đề nghị Bộ GD-ĐT, trong đó, đề nghị Bộ trình Chính phủ sớm thành lập Ban chỉ đạo đổi mới phương thức dạy và học trong mùa dịch Covid-19 để thống nhất hoạt động này trong cả nước, chứ không chỉ dừng ở các hoạt động riêng biệt của từng địa phương, từng trường như hiện nay. “Bộ GD-ĐT cần nhanh chóng có văn bản hướng dẫn điều kiện để công nhận các kết quả học tập theo các phương thức học từ xa (bao gồm học qua truyền hình, học trực tuyến…) cho phù hợp tinh thần của Luật Giáo dục 2019...” - PGS Trần Xuân Nhĩ, Phó chủ tịch Hiệp hội nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, ngày 23/3, Bộ GD-ĐT đã ban hành văn bản số 988/BGDĐT-GDĐH gửi các trường đại học, học viện; các trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm về việc bảo đảm chất lượng đào tạo từ xa trong thời gian phòng chống dịch Covid-19. Đối với bậc phổ thông, quy định về dạy học qua internet, dạy học trên truyền hình cũng sẽ sớm được ban hành, làm cơ sở cho các địa phương, cơ sở giáo dục tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả theo chương trình giáo dục đã được tinh giản./.

 

 

Ngày 25/3, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 sở GD-ĐT trao đổi, thống nhất các giải pháp phải thực hiện khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp; triển khai việc lựa chọn SGK... Tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, cho biết việc rà soát để giảm tải đang được Bộ GD-ĐT gấp rút triển khai. Về nguyên tắc rà soát sẽ dựa vào chương trình đối chiếu với SGK để giảm bớt các nội dung nâng cao, những phần kiến thức hiện đang trùng lặp giữa các môn học sẽ được lược bớt, sao cho đảm bảo yêu cầu tối thiểu nhưng có thể thực hiện trong bối cảnh hiện tại. Bên cạnh đó, các tiểu ban cũng hướng đến việc tích hợp các bài học trong SGK theo chủ đề.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận