Phương án nào để giảm áp lực thi cử?

Đợt nghỉ học kéo dài do việc phòng, chống dịch Covid-19 khiến phụ huynh, học sinh lo lắng, đặc biệt, các em học sinh lớp cuối cấp đang chịu nhiều áp lực thi cử.

 

Tinh giản chương trình

Dịch bệnh diễn biến khôn lường, học sinh, sinh viên (HS, SV) nhiều trường tiếp tục nghỉ học, có thể sẽ phải nghỉ đến hết tháng 3, mà cũng có thể sẽ kéo dài hơn nữa. Nhiều phụ huynh lo lắng, việc các con nghỉ học quá lâu không học hết kiến thức thì làm sao đảm bảo việc thi cử?

Thầy Đỗ Hoàng Sơn, nguyên thành viên ban giám khảo cuộc thi khoa học và kỹ thuật cấp Quốc gia cho HS trung học 2012 (người luôn tiên phong trong việc đưa Stem vào trường học) cho rằng: Hiện nay HS lớp 12 trên cả nước và gia đình đang chịu áp lực thi cử rất lớn. Với tình hình hiện nay, có 3 mức áp lực: Học hết lớp 12, thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học (ĐH). Vậy đề nghị cần giảm áp lực theo 3 mức này, cụ thể: Cho phép hiệu trưởng các trường THPT kết thúc luôn năm học với những HS không có nhu cầu thi tốt nghiệp để các em có thể tham gia lao động luôn. Việc thi tốt nghiệp THPT có thể giao cho hiệu trưởng các trường THPT xét tốt nghiệp dựa trên học bạ của 05 học kỳ. Còn xét tuyển ĐH hiện nay là quyền tự chủ của các trường ĐH. Các kiến thức của học kỳ 2 lớp 12 thực chất là chỉ phục vụ việc thi tốt nghiệp chứ không có ý nghĩa trong việc học ĐH. Các trường có thể tổ chức nhiều đợt xét tuyển để tạo thêm cơ hội cho HS, với quan điểm, nới lỏng đầu vào, thắt chặt đầu ra.

GS.TS Phan Thanh Sơn Nam, Trưởng khoa Kỹ thuật Hóa học, Trường ĐH Bách Khoa, ĐHQG-TP. HCM đề xuất: Giải pháp tình thế cho năm học này là rút ngắn học kỳ xuống còn 10 tuần thay vì 15 tuần như mọi năm, không tính các trường Y. Nếu may mắn, đầu tháng 4 tình hình dịch bệnh tạm yên ổn, sinh viên đi học trở lại, thì đến giữa tháng 6 là hết 10 tuần, thêm 2 tuần thi cuối kỳ, vậy là vẫn có thể kết thúc năm học trước 30/6, không quá nhiều xáo trộn. Thầy Nam dẫn chứng, với môn Hóa hữu cơ, chỉ cần 10 tuần lên lớp tôi có thể bảo đảm SV vẫn giải được các đề thi với mức độ khó tương tự những năm trước.

Còn với HS lớp 12, Bộ cũng có thể giảm tải luôn chương trình lớp 12, giới hạn luôn những nội dung sẽ thi ở kỳ thi THPT Quốc gia, và do đó vẫn có thể kết thúc năm học trước 30/6 để có thể tổ chức kỳ thi này vào đầu tháng 7. Giải pháp này vẫn bảo đảm sự công bằng cho đợt tuyển sinh đại học sắp tới. Bởi cũng giống quan điểm với thầy Long, theo kinh nghiệm của mình, thầy Nam Sơn cho rằng, chuyện giảm tải chương trình lớp 12 không ảnh hưởng gì đáng kể đến chất lượng sinh viên đại học cả, đây là 2 “thế giới” khác nhau… “Giữa lúc “dầu sôi lửa bỏng”, mong lắm thấy được bản lĩnh của người đứng đầu ngành…”- thầy Nam chia sẻ.

Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng: “Trong tình hình hiện nay, nếu HS nghỉ hết tháng 3 thì cuối tháng 7 vẫn đủ thời gian để tổ chức thi THPT Quốc gia. Tuy nhiên nếu phải nghỉ dài thêm nữa thì chúng ta cũng phải chấp nhận như những năm chống Mỹ, đó là bỏ kỳ thi này. Trong giai đoạn khó khăn, ta phải chấp nhận phương án nào đó phù hợp với hoàn cảnh, chứ cứ đòi hỏi hoàn thiện như mọi năm là rất khó và áp lực cho cả thầy và trò...”.

Giảm tải chương trình là phương án được đề xuất để đảm bảo việc học và thi cử trong tình thế hiện nay. 

Cần giảm bớt môn thi...

Trong bối cảnh học sinh vẫn nghỉ học kéo dài, nhiều giáo viên, phụ huynh bày tỏ mong muốn UBND, Sở GD-ĐT giảm bớt áp lực học tập đối với học sinh tham gia thi tuyển vào lớp 10.

Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2020, nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Thái Bình... tiếp tục phương án tuyển sinh vào lớp 10, tăng lên 4 môn thi. Trong đó, môn thứ 4 sẽ được công bố vào tháng 3 và thi theo hình thức trắc nghiệm. Thành phố Hải Phòng, Nghệ An cũng tổ chức 3 bài thi Toán, Ngữ văn và bài thi tổ hợp kiến thức 2 môn (gồm Tiếng Anh và một trong số các môn còn lại: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Môn này được bốc thăm và công bố vào đầu tháng 4…

Đặc biệt, với các thành phố như Hà Nội, TP.HCM có chỉ tiêu vào công lập thấp hơn thì việc thi nhiều môn lại tạo áp lực vô cùng lớn cho học sinh khiến kỳ tuyển sinh lớp 10 căng hơn cả thi đại học. Chị Nguyễn Mai Hoa, phụ huynh có con học lớp 9 (Hà Nội) bày tỏ: “Giờ lo học 3 môn chính đã vô cùng khó khăn vì việc học gián đoạn quá dài. Mong ngành giáo dục thấu hiểu được nỗi lo, nỗi khổ của HS, phụ huynh mà bỏ môn thứ 4…”.

Thực tế, bản thân các thầy cô cũng chịu áp lực khi thời gian học tập gián đoạn quá dài. Cô Phạm Thái Lê, giáo viên môn Ngữ Văn, Trường Marie Curie, Hà Nội cho rằng: “Đến thời điểm này, môn thi thứ 4 chưa được công bố, việc cắt giảm chương trình chưa thấy Bộ lên tiếng, thời gian thi cũng chưa ấn định nên tâm lý học trò càng thêm rối. Việc bỏ bớt môn thi thứ 4, ít nhất là cho kỳ thi tới, rất cần thiết để giảm áp lực cho học sinh”.

Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng các sở giáo dục và đào tạo, đặc biệt là Hà Nội nên nghiên cứu việc giữ phương án thi vào lớp 10 như những năm học trước, bao gồm hai môn Ngữ văn, Toán, đồng thời xét học bạ để đánh giá cả quá trình của học sinh, việc thi quá nhiều môn là không cần thiết, gây áp lực. Hơn nữa, theo cô Lê, môn thi thứ 4 của nhiều tỉnh đến tháng 3, tháng 4 năm sau mới thông báo là “đánh đố” học sinh. Điều này khiến các em “vắt chân lên cổ mà chạy” và rất áp lực về thi cử. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề xuất, với HS khối 9 thì nên cho kết thúc luôn học kỳ 2 và chỉ dành thời gian còn lại cho việc thi vào lớp 10. Việc thi vào lớp 10 có thể để đến đầu tháng 8 nếu như phải lùi học kỳ 2 quá nhiều.../.

 

 CHÙM Ý KIẾN“

*Trong tình hình hiện nay, Bộ GD-ĐT cần sớm có phương án tháo gỡ áp lực cho HS lớp 9, lớp 12 và sinh viên ĐH, CĐ năm cuối... Cụ thể như, hằng năm đều có tới 95% học sinh đỗ thi tốt nghiệp THPT, cho nên không cần phải tổ chức một kỳ thi Quốc gia nữa”- Thầy Đỗ Hoàng Sơn

* “Bộ GD-ĐT cần phải chuẩn bị phương án tương tự là xét tốt nghiệp, trả việc này về cho trường, sở giáo dục. Tôi cho rằng, việc xét tốt nghiệp giao cho các trường tự đánh giá chính xác hơn cả kỳ thi THPT Quốc gia của Bộ. Bộ cần sớm lên các phương án thi, điều chỉnh lại cho phù hợp với tình hình hiện nay để tránh gây áp lực cho HS...”-TS. Nguyễn Tùng Lâm

* “Học sinh đã nghỉ học đến 5 tuần rồi nhưng Bộ vẫn cứ thụ động chờ hết dịch, khiến HS càng lo lắng, áp lực nhất là HS cuối cấp. Vì thế, giải pháp là Bộ nên chỉ đạo toàn quốc dạy học trên truyền hình với những kiến thức mới và tinh giản chương trình để HS có thể tập trung ôn thi thì tốt. Cùng với tinh giảm chương trình thì cũng phải điều chỉnh lại nội dung đề thi, chứ đề thi không thể như những năm trước”-TS. Lê Viết Khuyến

*“Trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp phải nghỉ dài thêm thì Bộ sẽ tính toán làm sao đảm bảo nhà trường có đủ quỹ thời gian cần thiết để thực hiện việc xây dựng kế hoạch và đảm bảo chương trình năm học này. Hằng năm, thời điểm khai giảng năm học mới là ngày 5/9 thì chúng ta cứ tính quỹ thời gian đến lúc đó để làm mốc thời gian kết thúc năm học và thi THPT. Cần căn cứ tình hình thực tế để đảm bảo cân đối giữa việc thực hiện năm học 2019-2020 và chuẩn bị năm học 2020-2021 sao ít bị ảnh hưởng nhất”-TS. Nguyễn Xuân Thành

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận