Mổ xẻ nguyên nhân điểm tiếng Anh 'lẹt đẹt' cuối bảng

Phổ điểm thi THPT quốc gia 2019 cho thấy, môn tiếng Anh tiếp tục có mức điểm trung bình thấp, đạt 4,3 điểm, chỉ cao hơn môn Lịch sử ở vị trí cuối bảng.

 

Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, năm 2019, cả nước có 789.435 thí sinh dự thi môn tiếng Anh. Trong đó có tới 542.666 thí sinh có điểm dưới trung bình, chiếm tỷ lệ 68,74%.

Mức điểm có nhiều thí sinh đạt được nhất ở môn tiếng Anh là 3,75. Mức điểm trung bình môn đạt 4,3, chỉ cao hơn môn Lịch sử đang ở vị chí “đội sổ”.

Phổ điểm thi THPT quốc gia năm nay được nhiều chuyên gia đánh giá là khá đẹp, song cũng đặt ra không ít băn khoăn khi mức điểm của học sinh ở những môn quan trọng như tiếng Anh vẫn thấp từ năm này qua năm khác, dù Chính phủ đã có các đề án cả nghìn tỷ đồng như Đề án Ngoại ngữ 2020, kéo dài đến năm 2025.

TS Lê Thống Nhất, chuyên gia giáo dục, Giám đốc trường học trực tuyến Bigschool. (Ảnh: KT)

Trao đổi về vấn đề này, TS Lê Thống Nhất, chuyên gia giáo dục, Giám đốc trường học trực tuyến Bigschool cho rằng, điểm thi môn Lịch sử và tiếng Anh từ nhiều năm qua vẫn luôn ở mức thấp. Nếu nói rằng nguyên nhân dẫn đếm điểm thi Lịch sử thấp do học sinh không hứng thú với môn học này, thì môn tiếng Anh lại khác hoàn toàn. Bất cứ phụ huynh nào, dù ở thành phố hay nông thôn đều muốn và sẵn sàng đầu tư cho con học tiếng Anh.

“Tôi cho rằng, nếu như nguyên nhân dẫn đến điểm môn Lịch sử thấp do chương trình học, cách dạy chưa hấp dẫn, học sinh chưa thấy hết được tầm quan trọng, thì với môn tiếng Anh, tôi lại nghi ngờ nhiều hơn ở năng lực của giáo viên.

Hiện nay chúng ta đã đưa ra những chuẩn về giáo viên tiếng Anh như phải có các chứng chỉ B1, B2... nhưng cũng cần xem lại các chứng chỉ này. Tôi từng đi đến nhiều địa phương, có khi gặp những câu chuyện cười ra nước mắt. Có người nước ngoài đến trường, nhưng giáo viên tiếng Anh lại phải trốn đi vì sợ không giao tiếp được”, TS Lê Thống Nhất lo ngại.

TS Vũ Thị Phương Anh cho rằng không quá ngạc nhiên khi điểm tiếng Anh không cao.

TS Vũ Thị Phương Anh, nguyên Giám đốc Trung tâm khảo thí, ĐHQG TP Hồ Chí Minh, Giám đốc ban đảm bảo chất lượng Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng cũng cho rằng phổ điểm thi năm nay khá đẹp, vì đã phản ánh đúng thực chất của học sinh.

“Riêng với môn tiếng Anh, điểm ở mức độ này không có gì quá ngạc nhiên, vì xưa nay tiếng Anh của học sinh vẫn yếu. Nhiều phụ huynh tốn không ít tiền và thời gian cho con đi học tiếng Anh. Song mức điểm trên mặt bằng chung còn khá thấp. Đây là thực tế. Nếu điểm tiếng Anh quá cao, mới là điều bất ngờ”, TS Phương Anh nhận định.

TS Vũ Thị Phương Anh cũng cho rằng, môn tiếng Anh được đầu tư lớn với các đề án hàng nghìn tỷ đồng. Đề án cũng đã làm được những việc nhất định, nhưng không thể mong đợi quá nhiều từ đề án cấp quốc gia này.

“Các đề án như Đề án ngoại ngữ 2020 không thể ngay lập tức nâng cao khả năng tiếng Anh của học sinh. Hơn nữa, hiện nay năng lực giáo viên tiếng Anh vẫn có những hạn chế. Bên cạnh đó, chương trình học hiện nay chủ yếu vẫn học trên lớp, trong sách vở, thầy cô là người Việt Nam. Cho dù giáo viên giỏi tiếng Anh, nhưng nếu học sinh kém, thì sẽ rất dễ rơi vào tình huống dạy tiếng Anh nhưng toàn giải thích bằng tiếng Việt.

Ngược lại, nếu giáo viên là người nước ngoài, thì bằng mọi giá, thầy và trò phải tìm cách để hiểu nhau. Từ đó nảy sinh ra môi trường giao tiếp thực tế để học sinh có thể sử dụng tiếng Anh thường xuyên.

Đề án có thể chi tiền cho các trường dạy tiếng Anh, cải thiện giáo trình, nhưng làm nhiều năm vẫn chưa khá hơn được do chưa có những môi trường thực tế cho học sinh. Phải thừa nhận rằng, các trường quốc tế, chất lượng cao, học phí đắt đỏ, người học phải đóng thêm nhiều tiền, nhưng chất lượng dạy tiếng Anh tốt hơn vì học sinh được giao tiếp thực tế. Chỉ cần được học với người nước ngoài thường xuyên, khả năng tiếng Anh của học sinh sẽ lên rất nhanh, điều này không thể đòi hỏi ở các đề án quốc gia, mà cần có sự xã hội hóa”, TS Vũ Thị Phương Anh nhận định.

Có nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy tiếng Anh, chuyên gia này cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, nếu không có những sự thay đổi lớn hơn, tạo ra môi trường giao tiếp nhiều hơn, thì khó có thể cải thiện năng lực tiếng Anh của học sinh. Nếu nói năng lực giáo viên tiếng Anh hiện nay còn có nhiều hạn chế, thì cũng cần hiểu rằng bản thân họ cũng chính là “sản phẩm” của nền giáo dục, chương trình học này. Chính những giáo viên này cũng chỉ được học trên lớp và trong sách vở là chủ yếu, nên dẫn đến phát âm không hay, thậm chí không nghe được người bản xứ nói gì.

TS Phương Anh cho rằng, hiện nay cần nhiều nỗ lực hơn nữa để nâng cao trình độ tiếng Anh, trong đó cần đến sự xã hội hóa và vào cuộc của toàn xã hội. “Nhà nước làm đến đó cũng hụt hơi rồi, ở các nước khác, nếu muốn làm được, thì đều cần có sự tham gia của tư nhân. Thay vì đầu tư kinh phí cho các nhà trường thì cần đầu tư nhiều hơn cho chính người học. Bên cạnh đó cũng cần có những chính sách để tạo sư sự cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo. Chỉ khi có sự cạnh tranh, thì mới mong có sự phát triển và thay đổi.

Ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết với môn tiếng Anh, thể hiện rõ sự phân hóa vùng miền. Điểm cao tập trung ở thành thị, các đô thị lớn nên đây cũng là môn có rất nhiều điểm 9, 10 so với các môn khác.

Ngược lại, nhiều điểm thấp ở môn này tập trung ở các tỉnh vùng sâu vùng xa, điều này phản ánh đúng điều kiện dạy học và mức độ quan tâm của người dân với môn này ở các vùng miền khác nhau.

Nhìn về phía chính sách, nếu chỉ trông chờ vào nhà nước thì có vẻ vẫn lúng túng. Nếu như thị trường có nhu cầu về tiếng Anh, xã hội sẽ nhận ra và huy động nguồn lực. Nếu nhà nước có hỗ trợ cho người học để họ được lựa chọn phù hợp sẽ hiệu quả hơn. Tức là dùng thị trường để kiểm soát chất lượng”, TS Phương Anh cho biết./.

Nguyễn Trang/VOV.VN

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận