Siết chặt chấm thi vẫn lo 'lọt' tiêu cực?

Năm 2018, gian lận thi cử xảy ra tại khâu chấm thi. Vì vậy, năm nay, khâu chấm thi của Bộ GD-ĐT đưa ra có quy trình chặt chẽ, nghiêm ngặt.

 

Tăng cường thanh tra đột xuất

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ sẽ trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường đại học chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ; sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng mã hóa toàn bộ dữ liệu chấm thi; đánh phách điện tử phiếu trả lời trắc nghiệm; tăng cường tính bảo mật, có chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ người dùng, đồng thời có thể phát hiện, truy xuất các tác động trái phép vào bài thi...

Đặc biệt, trong từng bước chấm thi trắc nghiệm phân công rõ người và trách nhiệm. Tăng cường thanh tra chấm thi và thanh tra chấm có quyền thanh tra toàn bộ các bước chấm thi trắc nghiệm. Trong tổ chấm thi trắc nghiệm cũng có tổ giám sát chấm thi để đảm bảo các quy trình kỹ thuật chấm thi theo đúng quy chế thi. Sau bước quét ảnh các bài thi trắc nghiệm được phần mềm xử lý mã hóa thông tin trong máy tính, việc đánh phách điện tử đã đảm bảo bảo mật những thông tin về thí sinh khi sửa điểm, sửa những lỗi sai mờ trong bài thi. Sau quá trình quét sẽ lưu thành 3 bộ đĩa CD, 01 đĩa CD dữ liệu gốc sẽ được gửi về Bộ để cùng với Hội đồng thi lưu giữ CD dữ liệu gốc đề phòng những sai sót, vi phạm xảy ra.

Về công tác chấm bài thi tự luận, Bộ chủ trương tiếp tục thực hiện giao cho Sở GD-ĐT chủ trì chấm. Khâu đánh phách, làm phách sẽ thực hiện triệt để việc cách ly trong quá trình làm phách; bốc thăm chấm; thực hiện chấm hai vòng độc lập; thực hiện chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi, trong đó các bài đạt điểm cao phải được chọn để chấm kiểm tra.

Thanh tra Bộ đã thành lập 34 đoàn thanh tra công tác chấm thi trực tiếp tại các địa phương. Theo Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Huy Bằng, mặc dù, về cơ bản công tác này vẫn được tiến hành như mọi năm, nhưng năm nay sẽ làm quy mô hơn, kỹ lưỡng hơn.

 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ (bìa phải) đến kiểm tra công tác chấm thi tại tỉnh Hà Giang ngày 2/7.

Không để sai sót, yếu tố con người vẫn là quyết định!

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, tất cả các khâu từ chuẩn bị thi cho đến coi thi và chấm thi được chuẩn bị thật chặt chẽ. Bộ đã sử dụng nhiều giải pháp kỹ thuật để phòng ngừa, hạn chế tối đa những sai sót, kể cả tiêu cực. Tuy nhiên, ban chỉ đạo thi của các tỉnh thành phải đặc biệt lưu ý: yếu tố con người là quyết định.

Chiều 2/7, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã đến kiểm tra công tác chấm thi tại tỉnh Hà Giang- một trong ba tỉnh xảy ra gian lận năm 2018. Theo ông Nguyễn Thế Bình, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT, Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo thi THPT Quốc gia tỉnh Hà Giang,  năm 2019, toàn tỉnh có hơn 5.000 bài thi tự luận và trên 25.400 bài thi trắc nghiệm. Công tác chấm thi diễn ra từ ngày 30/6 và phấn đấu kết thúc vào ngày 6/7. Cũng theo ông Bình, rút kinh nghiệm năm 2018, Kỳ thi THPT Quốc gia năm nay được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Khẳng định với Bộ trưởng rằng yếu tố con người quyết định đến thành công của kỳ thi, ông Bình cho biết: Với trách nhiệm là cơ quan thường trực, Sở GD-ĐT đã báo cáo với Tỉnh ủy, UBND tỉnh sớm chuẩn bị nhân sự cho kỳ thi này và quy trình lựa chọn được thực hiện rất kỹ càng.

Ghi nhận công tác chuẩn bị của Hà Giang, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết: Công tác chuẩn bị của địa phương đã bám sát quy chế của Bộ, từ việc chuẩn bị nhân sự cho đến cơ sở vật chất phục vụ công tác chấm thi đều được triển khai theo đúng tiến độ và đúng quy chế. Đối với cán bộ chấm thi phải chấm hai vòng độc lập, chấm theo đáp án và thực hiện nghiêm túc theo quy chế chấm thi. Đặc biệt, ngoài việc chấm kiểm tra 5% theo chỉ đạo chung thì chú ý việc chấm bài có điểm số cao.

Trao đổi với cán bộ chấm thi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, công tác chấm thi tuyệt đối không làm tắt các bước theo quy định của quy chế và hướng dẫn. Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, Bộ trưởng yêu cầu việc giám sát các khâu chấm thi phải được thực hiện thường xuyên, đột xuất trong suốt thời gian chấm thi; tuyệt đối không được để xảy ra bất kỳ sai sót nào trong chấm thi làm ảnh hưởng đến tính trung thực, khách quan của Kỳ thi THPT Quốc gia...

 
Theo kế hoạch, ngày 13/7 sẽ là hạn cuối 63 Hội đồng thi gửi kết quả dữ liệu điểm về Bộ, trên cơ sở đó, Bộ sẽ phân tích phổ điểm, đánh giá kết quả để ngày 14/7 chính thức công bố đồng loạt kết quả thi và phổ điểm kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019. Công bố kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT sơ bộ chậm nhất ngày 18/7/2019.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận