Bộ công cụ giúp học sinh kỹ năng lọc thông tin giả

Bộ công cụ của Thụy Điển có tên 'Giả mạo # Sự thật' nhằm giúp giáo viên và học sinh các kỹ năng phân tích, đánh giá thông tin trực tuyến.

 

          Hàng triệu tin giả mỗi ngày

Với internet, thông tin hiện nay được lan truyền với tốc độ nhanh gấp nhiều lần so với một vài thập kỷ trước. Trong không gian mạng, nhất là mạng xã hội, hằng ngày có hàng triệu tin bịa đặt, tin giả nhằm mục đích trục lợi, ý đồ thiếu trong sáng... Số liệu thống kê từ chương trình đánh giá an ninh mạng của Bkav cho thấy, 63% người dùng thường xuyên đọc được tin tức giả mạo trên Facebook, trong đó 40% là nạn nhân hằng ngày.

Khi phương tiện truyền thông, mạng xã hội ngày càng trở thành môi trường chính để giới trẻ tìm kiếm và tiếp nhận thông tin trong giới trẻ thì kỹ năng nhận biết, bóc tách thông tin đáng tin cậy (FACT - sự thật) khỏi những thông tin không đáng tin cậy (FAKE - giả mạo) trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Để giúp các bạn trẻ có những kiến thức và kỹ năng sử dụng, truy cập vào các công cụ kiểm tra thông tin thích hợp, ngày 19/1/2019, bộ công cụ của Thụy Điển giúp phân tích, đánh giá thông tin trực tuyến dùng cho các giáo viên và học sinh cấp phổ thông đã ra mắt tại Trường THCS Thực nghiệm Hà Nội với tên gọi “Giả mạo ≠ Sự thật”.

Học sinh Nguyễn Hà My, lớp 8C Trường THCS Thực Nghiệm, tham gia dự án cho biết: “Hiện nay trên mạng có nhiều thông tin giả, nhưng việc phân biệt tùy thuộc vào kỹ năng của từng bạn học sinh. Các bạn sử dụng mạng, tiếp xúc nhiều nguồn thông tin và trong đó có nhiều tin không đáng tin, thậm chí hư cấu mà các bạn vẫn tin. Có những trường hợp, người trẻ vì một stastus trên Facebook có thể từ bỏ mạng sống của mình để vượt qua thử thách nào đó, hoặc chơi dại. Mới đây, vụ nữ sinh lớp 11 tự tử vì bị bạn đưa hình ảnh tình cảm lên mạng xã hội... Trường em có trang confession và cũng từng có những thông tin sai sự thật được tung lên. Ví dụ, các bạn không thích một bạn nào đó có thể tung tin sai sự thật để tạo “phốt” khiến cho bạn ấy bị nhiều bạn trong trường ghét. Thông tin giả kiểu này thực sự  có hại đến việc học tập cũng như cuộc sống của chúng em”.

Còn học sinh Quỳnh Anh, lớp 10C, Trường THPT Thực nghiệm cũng dẫn chứng thêm: “Một người bạn của em cũng bị đưa thông tin giả mạo trên mạng xã hội, làm cho bạn ấy mất uy tín, lòng tin vào bạn bè. Giờ ai cũng có thể tạo nguồn tin, với một lượng tin khổng lồ đó rất khó kiểm soát. Làm sao để phân biệt được thông tin thật - giả là điều khó khăn nhất không chỉ với chúng em mà cả các thầy cô”.

 

 

          Công cụ phân biệt thông tin “Sự thật #  Giả mạo”

 Đây là bộ công cụ quan trọng và mang tính truyền cảm hứng nhằm giúp cho các giáo viên cấp tiểu học có thể triển khai những bài học về chủ đề này theo cách tương tác, hấp dẫn và có hệ thống ngay tại các lớp học. Học sinh Hà My cho rằng: “Việc tham gia dự án này rất có ý nghĩa, bổ ích, giúp học sinh học được kỹ năng đối phó với thông tin sai sự thật, được cung cấp thêm nhiều kỹ năng để phân biệt những thông tin thật # giả”.

Tại buổi ra mắt bộ công cụ nói trên, bà Victoria Rhodin Sandstrom, Phó Đại  sứ, ĐSQ Thụy Điển tại Việt Nam cho rằng, internet là nguồn tài nguyên tuyệt vời, cho cả người lớn và các bạn trẻ. Môi trường trực tuyến cung cấp một cơ hội tuyệt vời để giao lưu với bạn bè, cập nhật kiến thức và kết nối thế giới.Tuy nhiên, ở Thụy Điển, Việt Nam và trên toàn thế giới, chúng ta cần cung cấp cho trẻ em và thanh thiếu niên các công cụ cần thiết để tách thông tin đáng tin cậy khỏi thông tin không đáng tin cậy.

Bộ tài liệu xoay quanh quá trình trang bị tư duy phê phán nhằm đánh giá một nguồn thông tin và những kỹ năng giúp giải mã thông tin. Tài liệu được chia thành ba phần riêng biệt nhưng có liên kết với nhau. Phần một tập trung đánh giá nguồn thông tin, gồm có bài giảng ngắn kèm theo thực hành cho học sinh. Phần hai là sự kết hợp giữa các hướng dẫn và bài tập liên quan đến hoạt động truyền thông dẫn dắt, bao gồm khả năng xem xét, phân tích, giải mã các kỹ thuật liên quan đến ngôn từ, hình ảnh, âm thanh, để thúc đẩy quan điểm theo một chiều hướng cụ thể. Phần ba khuyến khích, hướng dẫn học sinh thực hành bắt tay làm một bộ phim tuyên truyền sử dụng các công cụ có sẵn như điện thoại di động thông minh kết nối internet. Tại đây, các học sinh cùng nhau tham gia bàn luận về thông tin thật, thông tin giả mạo và sử dụng công cụ này để làm các bài thực hành tại chỗ.

  “Chúng ta cần khuyến khích, trang bị khả năng tự đặt câu hỏi về việc thông tin đến từ đâu, chúng có đáng tin cậy hay không, nhằm giúp các em tối đa hóa những lợi ích của khối lượng thông tin khổng lồ trên mạng internet”- bà Victoria Rhodin Sandstrom.


       

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận