Người thầy 'gieo chữ' nơi xã đảo

Hơn 30 năm thầy giáo Đặng Văn Bửu đã dành toàn bộ thời gian, tâm sức cho nhiều thế hệ học trò tại xã Hưng Phong-một xã đảo đặc biệt khó khăn.

 

 Dạy học bằng cả khối óc và trái tim

Nhiều năm qua, hình dáng gầy gò của thầy giáo Đặng Văn Bửu lọc cọc trên chiếc xe đạp cũ đến trường THCS Hưng Phong đã trở nên rất thân thuộc với người dân xã đảo Hưng Phong – một xã đảo đặc biệt khó khăn thuộc huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.

Thầy Đặng Văn Bửu, sinh ra và lớn lên tại xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, từ nhỏ đã ốm yếu bệnh tật, tuổi thơ không được vui chơi như bạn bè đồng lứa mà gắn liền với chiếc giường ở bệnh viện cùng mẹ. Xã Hưng Phong là một cù lao nằm ở cuối nguồn sông Hàm Luông, từ đất liền ra chỉ có thể đi phà. Những năm qua, nước triều dâng mạnh làm đất nhiễm mặn nên cuộc sống người dân đã nghèo lại càng khó khăn hơn. Thầy Bửu bồi hồi nhớ lại: “Thiên nhiên khắc nghiệt nên cha mẹ tôi hằng ngày phải còng lưng lao động vất vả để nuôi 5 đứa con. Tôi thương sao những giọt mồ hôi ướt trên áo cha mỗi khi đi làm về, tôi quên sao được tiếng thở dài của mẹ khi đếm những đồng bạc lẻ còn lại sau một ngày nặng lo cơm áo gạo tiền. Chính hoàn cảnh khó khăn ấy đã biến thành động lực để tôi vươn lên và sớm đạt được ước mơ của mình vào tuổi 21”.

Năm 1993, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Bến Tre, thầy được phân về quê nhà dạy học và từ đó đến nay là giáo viên dạy môn Lịch sử tại Trường THCS Hưng Phong. Thầy Bửu chia sẻ: “Khi đó tôi bước chân lên bục giảng với trái tim đầy nhiệt quyết, nguyện đem hết sức mình phục vụ cho nền giáo dục quê nghèo. Vào nghề với bao kỷ niệm buồn vui nhưng hình ảnh ngây ngô, vô tư của các trò; sự quan tâm, lo lắng của học sinh dành cho mình làm tôi quên hết mọi mệt mỏi của công việc cùng những lo toan của cuộc sống thường ngày”. Thầy Bửu lại nhớ về thời điểm 31 năm trước khi ấy vùng quê thầy còn thiếu nhiều giáo viên. Thầy cô từ xa đến chỉ dạy 1 đến 2 năm lại luân chuyển đi, thậm chí phải bỏ nghề giữa chừng vì điều kiện đường sá quá bất tiện. Trước điều đó, thầy Bửu luôn nhắc nhở bản thân dù có khó khăn, vất vả mấy cũng phải quyết tâm gắn bó với nghề, cố gắng đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình cho giáo dục của quê nhà.

Theo hồi tưởng những ngày mới vào nghề của thầy Bửu, học sinh miền sông nước đi học “lạ đời” lắm, các em bữa đi học, bữa nghỉ để ở nhà phụ cha mẹ làm vườn. Vì thế, để học sinh đi học đầy đủ, thầy đã phải đến tận nơi vận động, thuyết phục phụ huynh. Có những học trò chỉ kém thầy Bửu vài tuổi do học muộn khiến bầu không khí vô cùng ngượng nghịu. Các em trong xã đi vận động còn thuận tiện, chứ có những em ở đất liền ra học hay ở Cồn Đeo (cù lao nhỏ phía bắc Cồn Ốc) thì ngày ngày phải bắt vội chuyến đò sang sông rồi quay về vô cùng khổ cực. Mặc dù khó khăn, vừa dạy học, vừa vận động thế nhưng, 31 năm qua thầy bồi dưỡng cho rất nhiều học trò đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh. Từ năm 2000 đến 2012, thầy Bửu liên tục đoạt danh hiệu chiến sĩ thi đua và giáo viên dạy giỏi cấp huyện, tỉnh, số lượng học sinh giỏi của thầy nhiều năm ở tốp đầu của tỉnh...

Để có được thành tích này, thầy Bửu đã phải nỗ lực không ngừng để đổi mới phương pháp giảng dạy. Thầy Bửu cho biết: “Kiến thức nếu chỉ nằm trong sách giáo khoa thì quả thực khô khan. Là một nhà giáo, tôi không chỉ dạy các em những cái đã có mà còn mở rộng ra, kết hợp các kiến thức liên môn. Khi các em mệt mỏi, thầy trò lại cùng nhau thi sáng tác những bài ca về chủ đề kháng chiến, như thế việc tiếp thu bài học đỡ căng thẳng hơn nhiều...”.

Năm 2012, sau gần 20 năm thầy Đặng Văn Bửu đứng trên bục giảng, hằng ngày say mê ôn luyện cho học trò khiến thầy quên mất cả hạnh phúc riêng tư. Ngay khi thầy Bửu chuẩn bị lập gia đình thì một biến cố ập xuống, khiến chân phải thầy gặp chấn thương nặng và bị thương tật vĩnh viễn, phải đi nạng.

“Đó là thời điểm đen tối nhất trong đời tôi, bác sĩ thông báo phát hiện u xương có thể phải cắt bỏ một chân. Nằm trên bàn mổ được bác sĩ gây tê, nỗi sợ không được đến lớp bao trùm lên tất cả, lúc này đột nhiên tôi nhớ về những gương mặt học trò yêu mến dường như thúc giục thầy giáo điều gì đó. Thế rồi tôi quyết định từ chối phẫu thuật khi đã lên bàn mổ, chấp nhận số phận để tiếp tục thực hiện những dự định còn đang dang dở...”, thầy Bửu chia sẻ. Cũng từ đó, cây nạng theo thầy đến trường tới ngày hôm nay.

Học trò thảo luận sôi nổi trong tiết học Lịch Sử của thầy Đặng Văn Bửu

Đổi mới phương pháp để mỗi tiết học trở nên sống động

Thầy Bửu xúc động bày tỏ:Có những ngày trời trở gió, đôi chân của thầy lại xuất hiện những cơn đau nhức, đi lại phải nhờ sự trợ giúp của chiếc nạng gỗ. Thế nhưng, thầy Bửu vẫn miệt mài lên lớp, mang kiến thức đến với học trò. “Tôi nguyện hoàn thành những điều dang dở đó tại ngôi trường mà tôi đã chọn, ngôi nhà thứ hai của tôi - Trường THCS Hưng Phong - nơi đã dang rộng vòng tay đón tôi trong những giây phút tôi cảm thấy tuyệt vọng nhất - nơi có các anh chị em đồng nghiệp yêu quý luôn sẵn lòng chia sẻ, dìu dắt tôi; nơi có sự tin tưởng, đồng hành của quý bậc phụ huynh và  đầy ắp những tình cảm học trò dành cho tôi... Tất cả đã tiếp thêm nghị lực cho tôi để tôi đủ sức gượng dậy và tiếp tục cống hiến”.

Thấu hiểu những thiệt thòi của thầy, nhiều thế hệ học sinh nơi đây đã biết ơn và ghi sâu vào tâm trí hình ảnh người thầy bước đi tập tễnh trên bục giảng truyền cảm hứng cho học trò. Điển hình như câu chuyện của em Phạm Ngọc Thảo - học sinh lớp 8A: Một ngày trước kỳ thi học sinh giỏi năm 2019, bệnh cũ tái phát, đầu của Thảo đau như “búa bổ” và em phải nghỉ học. Vào giờ thi, cơn đau đầu lại bùng phát, Thảo gục đầu xuống bàn khóc nức nở, em nhớ lại: “Trong giờ phút cam go ấy, em chợt nghe tiếng nạng gỗ của thầy, khi khoan, khi nhặt, lúc dồn dập như giục giã”. Trong cơn mơ màng, Thảo thoáng nghe bên tai bài thơ: “Nghe tiếng giã gạo” của Bác Hồ mà thầy vẫn thường đọc để động viên học sinh mỗi khi định nản chí. Như có một phép màu kỳ diệu, Thảo bừng tỉnh dậy, tập trung suy nghĩ, quyết tâm nỗ lực làm bài và em đoạt giải nhất học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử lớp 9, ngay từ năm học lớp 8. “Chính hoàn cảnh khó khăn nhất, hình ảnh của thầy giáo với cây nạng gỗ đã biến thành động lực để em vươn lên với một nghị lực phi thường và em đã làm nên được những điều kỳ diệu”, Thảo tâm sự.

Nhờ sự tận tụy và nhiệt huyết của thầy, môn Lịch Sử đối với học sinh trở thành những bài học sống động, ý nghĩa và tự hào. Thầy Bửu cho biết, nhiều đồng nghiệp trẻ thường hỏi tôi kinh nghiệm để dạy tốt môn Lịch sử. Tôi thường trả lời rằng: “Không biết thầy đã dạy tốt hay chưa nhưng thầy đã dạy học bằng cả khối óc và trái tim và luôn nỗ lực hết sức mình”.

Trong hơn 30 năm dạy học ở trường, thầy luôn chăm chỉ, hay tìm tòi, học hỏi kiến thức ở sách vở, internet, đồng nghiệp. Đặc biệt, luôn chú ý phát triển tư duy, làm tăng khả năng vận dụng kiến thức của học sinh trong các bài tập môn Lịch sử. Ngoài ra, thầy còn cập nhật các kiến thức liên môn để truyền đạt và vun đắp thêm niềm đam mê môn Lịch sử cho các em. Thầy Bửu cho rằng: “Đổi mới giáo dục phải từng bước vững chắc, không được chủ quan nóng vội, nếu đốt cháy giai đoạn sẽ phải trả cái giá rất đắt, đôi khi là sự thất bại của cả một thế hệ học sinh. Theo tôi, việc kết hợp phương pháp dạy học truyền thống và hiện đại một cách hợp lý sẽ mang đến hiệu quả giáo dục cao hơn nhưng lại tiết kiệm được nhiều thời gian và tiền của cho toàn xã hội....”.

Không chỉ giỏi chuyên môn, thầy Bửu còn thường xuyên hỗ trợ vật chất và tinh thần cho học sinh gặp tai nạn, ốm đau. Với những đóng góp đó, thầy giáo Đặng Văn Bửu vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công tác giáo dục và đào tạo; Huy chương “Vì thế hệ trẻ” của Trung ương Đoàn TNCS HCM và là một trong 60 tấm gương nhà giáo được tuyên dương trong Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024, do Trung ương Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Bộ GD-ĐT phối hợp tổ chức./.

 

“Hạnh phúc biết bao khi nhìn ánh mắt long lanh như “biết nói”của các em thơ, được nhìn thấy lớp lớp học trò trưởng thành, khôn lớn. Và tôi nhận ra rằng những nỗ lực, cố gắng của mình đã được đền đáp và đó là giá trị và ý nghĩa của cuộc sống. Chính nó nuôi dưỡng, bồi đắp yêu thương cho tâm hồn tôi mỗi ngày”.Thầy giáo Đặng Văn Bửu

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận